Sáng nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn chỉ đạo thi của Bộ GD&ĐT và TP Hà Nội đến thanh tra tại Đại học Thủy Lợi, Hà Nội. Vừa đến cổng, Bộ trưởng xuống xe bắt tay, thăm hỏi động viên phụ huynh, thanh niên tình nguyện.
Sau đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có cuộc trao đổi với phóng viên về kỳ thi THPT quốc gia 2016.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi tại cụm thi Đại học Thủy lợi sáng 1/7. Ảnh: Quyên Quyên. |
- Thưa Bộ trưởng, sau khi thanh tra, kiểm tra tại các cụm thi, xin ông cho biết công tác tổ chức của các cụm thi này?
- Vừa qua, tôi trực tiếp đi công tác tại các địa phương và thấy được trách nhiệm cao của các trường, sở GD&ĐT và ban chỉ đạo. Các trường đại học được phân công theo đúng quy định. Công tác chuẩn bị thi sẵn sàng, thực hiện đúng quy chế. Sự phối hợp của các địa phương, cụm thi được thực hiện tốt.
Tuy nhiên, ngoài công tác chuẩn bị kỳ thi tốt, điều quan trọng là làm sao kỳ thi phải công bằng, minh bạch, nghiêm túc. Trong 4 ngày thi tới, Ban chỉ đạo địa phương và chủ tịch hội đồng thi phải phát huy tinh thần làm việc cao độ, đúng quy chế, tạo điều kiện cho phụ huynh đưa con em đi thi thuận lợi.
Tôi mong phóng viên cũng sẽ đồng hành cùng ban tổ chức kỳ thi để đưa tin kịp thời cho xã hội và nhân dân. Ban chỉ đạo cũng tạo điều kiện cung cấp đưa thông tin về kỳ thi, trong đó có sự cố để chúng ta luôn có sự minh bạch, công bằng. Đây là điều tôi quan tâm, để kỳ thi diễn ra an toàn, kịp thời, có hiệu quả. Xã hội sẽ có đánh giá về kỳ thi công bằng và không nặng nề.
Sau khi kết thúc thời gian làm bài, vấn đề bảo mật đề thi phải được thực hiện nghiêm túc.
Trò chuyện với một phụ huynh ở quận Đống Đa, Bộ trưởng hỏi thăm sáng nay đưa con đi thi có tắc đường không và nhắn nhủ gia đình hãy yên tâm về kỳ thi năm nay.
“Chị cố gắng tạo điều kiện, động viên cháu thi tốt. Gia đình hãy xem kỳ thi nhẹ nhàng, coi đây là cơ hội đánh giá kiến thức, giảm áp lực. Năm nay, đề thi phân hóa đến 0,25 điểm”, Bộ trưởng Nhạ nói với bà mẹ đang đợi con ở cổng trường.
Trao đổi với Bộ trưởng, nữ phụ huynh cho biết, kỳ thi năm nay rất khác với mọi năm khi không còn tình trạng ùn tắc giao thông, giá nhà trọ cắt cổ...
- Vấn đề coi thi của giáo viên trường cao đẳng, đại học tại các cụm thi địa phương có gặp khó khăn không, thưa ông?
- Năm nay, kỳ thi đổi mới khi diễn ra trên toàn quốc (bao gồm 50 cụm thi tốt nghiệp và 70 cụm thi đại học). Học sinh và phụ huynh có thể sáng đi thi, chiều về nhà, hạn chế ở trọ dài ngày.
Thầy cô coi thi ở các trường đại học về địa phương có vất vả hơn, lúc đầu còn băn khoăn nhưng là trách nhiệm cao nên cũng rất phấn khởi.
Thầy cô coi thi ở xa phát sinh chi phí đi lại, ăn ở nhưng hiệu quả hơn. Xét trên bình diện tổng thể, đây cũng là trách nhiệm của các trường cao đẳng, đại học, là nhiệm vụ để xét tuyển đầu vào.
Năm nay, Bộ GD&ĐT tạo phương án thuận lợi nhất cho thí sinh và phụ huynh.
- Đề thi được thực hiện như thế nào để đảm bảo hai mục đích vừa xét tốt nghiệp, vừa xét cao đẳng, đại học?
- Đề thi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của kỳ thi. Đề thi phải kế thừa điểm tốt, rút kinh nghiệm những năm trước, chuẩn hóa kiến thức cơ bản. Học sinh chỉ xét tốt nghiệp THPT sẽ làm những câu hỏi cơ bản, học sinh xét đại học, cao đẳng sẽ làm đề thi có sự phân hóa cao.
Khi chấm thi, thang điểm cũng lệch đến 0,25 điểm, đảm bảo độ chính xác. Trong quá trình chấm thi, hai giám thị phải đối thoại nếu chấm lệch đến 0,5 điểm. Các giáo viên được yêu cầu không phân biệt giữa cụm thi tốt nghiệp và cao đẳng, để đảm bảo tính khách quan.
Đại học Thủy lợi là cụm thi được tổ chức tại 6 quận huyện, bao gồm 12.763 thí sinh đăng ký dự thi, thí sinh đến làm thủ tục dự thi là 12.564, đạt 98,44%.
Trường huy động 1.060 cán bộ sinh viên làm tổ chức thi, trong đó có 950 của trường, lực lượng công an, y tế là 110 người, 250 sinh viên tình nguyện.