Theo thống kê của Bộ GD&ĐT tối 30/6, cả nước có 871.362 thí sinh đến làm thủ tục dự thi THPT quốc gia, đạt tỷ lệ 98,22%. Sáng nay, các sĩ tử làm bài môn Toán, chiều thi ngoại ngữ.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, cấu trúc đề năm nay không khác năm 2015, các em chỉ cần tập trung ôn thi thật tốt. Nội dung đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Đề thi không đánh đố, không có những câu hỏi yêu cầu thí sinh phải học thuộc lòng.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 diễn ra từ ngày 1 đến 4/7, với 8 môn thi, bao gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.
Trong sáng nay Zing.vn sẽ trực tuyến giải đề thi môn Toán do nhóm Trung tâm Đào tạo Thủ khoa Việt Nam thực hiện. Theo dõi tại đây:
-
Sinh viên ngoại thành vượt hàng chục km đến trường thi
Tại TP HCM, từ 5h sáng 1/7, trên các ngả đường cửa ngõ của TP như Xa lộ Hà Nội, đường Mai Chí Thọ, quốc lộ 13, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh, Trường Chinh, nhiều phụ huynh đưa thí sinh đến các điểm thi. Đây phần lớn là học sinh ở khu vực ngoại thành cách trung tâm hàng chục km như quận Thủ Đức, quận 9 và các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ.
-
Các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn được ở trọ miễn phí ở trường Cao đẳng Đại Việt (Hà Nội) dậy sớm, chuẩn bị giấy bút để đi thi. Ảnh: Việt Hùng.
-
Tranh thủ ôn bài trước giờ thi
Tại điểm thi THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội, từ 5h30 ngày 1/7, rất đông thí sinh đến dự thi. Ngày thi đầu tiên, nhiều thí sinh cho biết rất hồi hộp, tranh thủ ôn bài trước giờ làm bài môn Toán. Phần lớn phụ huynh đứng chờ con ở cổng trường cho đến giờ thi, số còn lại tìm những quán cà phê xung quanh. Ảnh: Ngân Giang.
-
Vượt hơn 40 km đưa con đi thi
6h, hàng nghìn thí sinh tại cụm thi ĐH Tây Nguyên tập trung, bắt đầu chuẩn bị làm thủ tục vào phòng. Bên ngoài, nhiều phụ huynh chở con đến thi từ sáng sớm, đứng đợi dọc theo QL14.
Ông Bùi Đình Hoàng (52 tuổi, ngụ huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) cho biết, do không tìm được phòng trọ nên hàng ngày phải đưa con gái đi thi hơn 40 km. Sáng nay, hai cha con phải dậy từ 4h sáng để chuẩn bị và di chuyển.
Trong khi đó, tại các điểm thi ở Hội đồng thi số 41, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), nhiều thí sinh đã có mặt trước điểm thi chuẩn bị vào thi môn Toán. Nhiều thí sinh ở khu vực các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn được bố, mẹ đưa đi thi bằng xe máy cũng có mặt từ rất sớm. Đa phần tâm trạng của thí sinh khá thoải mái trước khi bước vào môn thi đầu tiên sáng nay.
Có mặt trước điểm thi Cao đẳng Công nghệ - Kinh kế và Thủy lợi miền Trung (Hội An), thí sinh Nguyễn Thị Phương (quê xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn) được bố ân cần, dặn dò trước khi bước và phòng thi. Bố của em – ông Nguyễn Hữu Nhược - cho hay: Nhà ở cách địa điểm thi khoảng 10 km nên vợ chồng bàn nhau đưa đón cháu trong ngày.
-
Kỳ thi THPT quốc gia 2016 diễn ra thế nào?
Kỳ thi THPT quốc gia 2016 diễn ra từ ngày 30/6 đến 4/7. Bộ GD&ĐT cho biết, 887.396 thí sinh sẽ làm bài thi tại 120 cụm thi trên cả nước.
-
Đi thi từ 4h30
Tại điểm ĐH Công nghệ TP HCM, địa điểm thi của cụm ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM) chủ trì, từ 5h15, rất đông thí sinh và phụ huynh đứng trước cổng trường đợi. Nhiều phụ huynh tranh thủ cho con ăn sáng ở gần địa điểm thi. Một số bạn vừa ăn bánh mỳ vừa lấy sách vở ra ôn lại các dạng bài toán trước giờ làm bài.
Anh Nguyễn Văn Thế (phường Long Bình, quận 9, TP HCM) cho biết, nhà cách điểm thi gần 30 km nên hai cha con đi từ lúc 4h30. “Dù biết đi sớm con mệt, nhưng đường xa, hay kẹt xe nên phải cố gắng”, anh Thế nói. Cũng giống anh Thế, nhiều phụ huynh ở hai quận Thủ Đức, quận 9 đưa con đi thi từ khá sớm để tránh kẹt xe ở cửa ngõ phía Đông thành phố.
-
Thí sinh Nguyễn Thị Hồng Nhung (Sóc Sơn, Hà Nội) hôm nay dậy sớm hơn mọi khi để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học. Khi 7 tháng tuổi, Nhung bị sốt cao dẫn đến bại liệt hai chân nhưng em vẫn cố gắng để là học sinh giỏi 12 năm liền. Ảnh: Việt Hùng.
-
Cộng đồng mạng tiếp sức mùa thi
Trên mạng xã hội, nhiều người kêu gọi giúp đỡ thí sinh. Trong đó, những thành viên trong đội Honda67solo thông báo đưa đón miễn phí các sĩ tử trong những ngày thi.
"Vào đợt tiếp sức mùa thi năm 2015, tôi nhớ mãi một thí sinh bị ngất xỉu tại điểm thi ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội vì trời quá nắng nóng. Ngay sau đó, anh em đưa cô bé vào chỗ mát nghỉ ngơi và động viên em để hôm sau thi tiếp", anh Đàm Đại Hữu, Đội trưởng đội tiếp sức mùa thi chia sẻ.
-
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT kiểm tra cụm thi ở TP HCM
6h30, Đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Bùi Văn Ga dẫn đầu, đến kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi THPT tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM). Thứ trưởng Ga thăm hỏi công tác tổ chức, số lượng phòng thi, cán bộ coi thi, công tác vận chuyển in sao đề thi và đặc biệt là kiểm tra các thiết bị điện tử không được phép mang vào phòng thi. Ảnh: Phước Tuần.
-
Lịch thi THPT quốc gia 2016
Sáng nay, thí sinh làm bài môn Toán, thời gian 180 phút. Buổi chiều, sĩ tử thi môn ngoại ngữ. Theo Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, cấu trúc đề năm nay không khác năm 2015, các em chỉ cần tập trung ôn thi thật tốt. Xem thêm:
-
Thí sinh đặc biệt tại điểm thi THCS Đồng Phú, Quảng Bình
Tại điểm thi trường THCS Đồng Phú (TP Đồng Hới, Quảng Bình), Hoàng Thị Lương, thí sinh có vóc dáng chỉ như một đứa trẻ, được bố đưa đi thi từ sớm. Nữ sinh được các tình nguyện viên giúp đỡ đưa vào phòng thi.
"Em rất muốn theo học ngành Mỹ thuật tại Huế nhưng vì sức khỏe yếu, đi lại xa xôi nên có lẽ dù thi đậu em cũng không theo học được", Lương tâm sự. Ảnh: Quỳnh Như.
-
Nhiều thí sinh quên giấy tờ khi đến trường thi
Tại điểm thi Đại Học Tây Nguyên, nhiều thí sinh quên mang chứng minh và giấy báo dự thi, phải gọi điện cho người thân mang đến. Do thí sinh đã vào trường thi, người nhà phải nhờ sinh viên tình nguyện mang giấy tờ vào cho sĩ tử.
Tương tự, tại điểm thi Phan Đình Phùng, Hà Nội, một số thí sinh đến trường thi sớm, phát hiện quên chứng minh thư nhân dân và giấy dự thi, phải nhờ cha mẹ về lấy. Do đi thi sớm và phát hiện kịp thời, những em này đều được vào làm bài. Tình trạng trên cũng xảy ra ở một số cụm thi ở TP HCM. Ảnh: Hải An - Minh Quý.
Theo vị phụ huynh sáng trước khi đi đã dặn nhiều lần nhưng con vẫn quên. Năm trước thi cũng quên phải chạy về nhà lấy.
-
Những loại máy tính được mang vào phòng thi
Theo công văn do Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin - Bộ GD&ĐT - Nguyễn Sơn Hải ký, các máy tính bỏ túi được phép mang vào phòng thi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ để lưu dữ liệu.
Cụ thể, danh sách các máy tính cầm tay thông dụng làm được các phép tính số học, phép tính lượng giác và các phép tính siêu việt đáp ứng được các yêu cầu trên của quy chế gồm:
- Casio FX 570 MS, FX 570 ES Plus va FX 570VN Plus, FX 500MS, FX 500 VNPlus.
- VinaCal 500 MS, 570 MS, 570 ES Plus, 570 ES Plus II.
- Vietnam Calculator VN-500RS, VN 500 ES, VN 500 ES Plus Function, VN 570 RS VN 570 ES, VN-570 ES Plus.
- Sharp EL 124A, EL 2505, EL 506W, EL 509WM.
- Canon F-788G, F-789GA.
Và các máy tính tương đương.
-
"Đưa bạn đi thi"
Sáng nay, 24 thí sinh trong chương trình "Đưa bạn đi thi" của Thành đoàn Hà Nội đã được các tình nguyện viên đưa đến trường thi. Tại điểm thi Học viện đào tạo liên tục của Đại học Bách Khoa Hà Nội, Vũ Văn Cao, học sinh trường THPT Phú Xuyên A, một trong 24 học sinh được giúp đỡ, chia sẻ, cậu sẽ cố gắng hết sức mình để thực hiện ước mơ vào đại học.
"Em chỉ có một ao ước, đỗ đại học, tìm được một công việc ổn định, có thể tự nuôi sống bản thân, không để mẹ phải lo lắng".
Cao sinh ra trong một gia đình nghèo ở Phú Xuyên, Hà Tây. Cha em tật nguyền, mất sức lao động. Bản thân em cũng bị tật nguyền di truyền từ bố, khiến sống mũi không phát triển, xương ống đồng phát triển lệch, hai bàn chân không thể đứng bằng trên mặt đất nên việc đi lại rất khó khăn. Ảnh: Ngân Giang.
-
Hơn 98% thí sinh làm thủ tục dự thi THPT quốc gia
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT tối 30/6, số thí sinh đến đăng ký thủ tục dự thi THPT quốc gia năm nay là 871.362 em, đạt 98,22%. Cụm thi có tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi thấp nhất là 95,03%.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 có 120 cụm thi (gồm 50 cụm thi tốt nghiệp và 70 cụm thi đại học). Cả nước có 1.452 điểm thi với 31.292 phòng thi.
Trong đó, cụm thi số 1 là ĐH Bách Khoa Hà Nội có gần 13.000 thí sinh dự thi. Đây là cụm thi được Bộ GD&ĐT giao cho nhiệm vụ in sao đề.
-
Mượn điện thoại giám thị gọi cho người nhà
Một thí sinh tại điểm thi ĐH Sư Phạm TP HCM quên mang máy tính. 7h30, em này mượn điện thoại giám thị gọi về nhà nhờ người thân mang đến điểm thi. Sau 7h15, một số thí sinh đến muộn, chạy đến trường thi. Tình trạng học sinh đến muộn, vội vã chạy vào phòng thi cũng xuất hiện ở một số điểm thi ở Hà Nội. Ảnh: Diệp Uyên.
-
Trung ương Đoàn động viên thí sinh, sinh viên tình nguyện
Ông Lê Quốc Phong - Bí thư thứ nhất trung ương Đoàn, ông Nguyễn Minh Triết - Trưởng Ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn đến thăm hỏi, động viên đội sinh viên tình nguyện và thí sinh, phụ huynh tại Hội đồng thi Đại học Thuỷ lợi Hà Nội.
-
7h30, thí sinh bắt đầu làm bài môn Toán
Sau khi được phát đề thi, từ 7h30, thí sinh bắt đầu làm bài môn Toán, thời gian 180 phút. Zing.vn sẽ cập nhật nhanh và chính xác bài giải môn thi này. Ảnh: Anh Tuấn.
-
Ba cho con thi tốt nghiệp, đại học
Những ngày qua, trong căn nhà nhỏ, lụp xụp ở ấp 5, xã Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn, TP HCM), 3 cha con ông Văn Bá Thọ (51 tuổi, quê Quảng Nam) ,Văn Bá Chương (22 tuổi, đã tốt nghiệp THPT) và Văn Thiên Tường (19 tuổi, học sinh Trung tâm GDTX huyện Hóc Môn, TP HCM) chăm chỉ ôn thi THPT quốc gia.
Ông Thọ cho biết mình đăng ký thi để xét tuyển vào ngành Y học cổ truyền thuộc ĐH Y dược TP HCM. Con trai lớn Văn Bá Chương thi để xét tuyển vào ngành công nghiệp thực phẩm (năm ngoái thiếu 0,75 điểm). Cậu con út Thiên Tường cũng dự định thi vào ngành Y như cha nhưng năm nay Tường chỉ thi để lấy bằng THPT, chuẩn bị kiến thức cho năm sau thi xét tuyển đại học. Sáng nay, ba cha con ông Thọ đi thi từ rất sớm. Ảnh: Thanh Tùng. Video: Trương Khởi
-
Chúc các thí sinh thi tốt
Sáng nay, nhiều khoảnh khắc đẹp về các bạn sinh viên tình nguyện được chia sẻ trên mạng xã hội. Bạn Nguyễn Như Phượng (21 tuổi, Sơn La) cho hay: "Năm ngoái mình cũng tham gia làm tình nguyện, trời nắng cháy hết da nhưng thấy rất vui và ý nghĩa. Đó là kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời sinh viên".
Rất nhiều cư dân mạng đã gửi lời chúc tới các thí sinh dự thi THPT quốc gia năm nay. Ngô Khánh Linh (sinh năm 1997) - Hoa khôi Học viện Ngoại giao - viết: "Hãy cố gắng hết sức có thể cho bài thi nhé. Mình chúc các bạn may mắn, làm bài thật tốt, kết quả rực rỡ".
Lệ Giang (sinh năm 1996, quê Sơn La) chia sẻ: "Chúc các em tự tin làm bài và đạt kết quả cao. Chị từng trải qua kỳ thi quan trọng như vậy, cũng có những nỗi đau xé lòng khi ngày thi gần kề nhưng không sao vì mọi chuyện đã qua rồi. Bản thân đã có tấm bằng đỏ trên tay và tự tin đi xin việc. Chúc các em thành công!".
-
Suýt trễ thi
7h25, 5 phút trước khi trường thi đóng cổng, vẫn còn thí sinh ở THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội mới chạy đến nơi. Thí vội vàng để lại đồ dùng cho mẹ. Đội xung kích và thanh niên tình nguyện thúc giục thí sinh nhanh chóng vào phòng thi.
-
Bộ trưởng GD&ĐT động viên thí sinh, phụ huynh
Sáng 30/6, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi phụ huynh, lực lượng sinh viên tình nguyện tại cổng trường ĐH Thủy lợi Hà Nội. Bộ trưởng trò chuyện với một phụ huynh ở quận Đống Đa, hỏi thăm phụ huynh sáng nay đi có tắc đường không và nhắn nhủ gia đình yên tâm về kỳ thi này.
Bộ trưởng nhắn nhủ, gia đình hãy tạo điều kiện, động viên cho phụ huynh thi tốt, xem kỳ thi nhẹ nhàng, là cơ hội để đánh giá kiến thức, giảm áp lực cho học sinh. Ảnh: Quyên Quyên.
-
Những lưu ý thí sinh trong phòng thi
Năm 2015, gần 700 thí sinh bị đình chỉ vì vi phạm quy chế kỳ thi THPT quốc gia. Đặc biệt, số thí sinh bị đình chỉ vì mang điện thoại di động vào phòng tăng cao. Vì vậy, thí sinh đặc biệt chú ý không để xảy ra những điều đáng tiếc trong phòng thi.
-
Tự nguyện góp tiền tiếp sức thí sinh
Tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam nhiều bạn trẻ trong câu lạc bộ tiếng Nhật Quảng Nam đã tự nguyện đóng góp tiền để tiếp sức thí sinh và người thân. Anh Phạm Văn Tài - Đội trưởng đội tiếp sức mùa thi của CLB tiếng Nhật Quảng Nam, trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi, đội sẽ mua nước uống, khăn giấy, bàn ghế đặt trước điểm thi trường THPT Trần Cao Vân để sĩ tử cùng phụ huynh nghỉ ngơi sau những giờ thi căng thẳng. Đội cũng tính đến chuyện hỗ trợ cơm cho những thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
"Ngoài ra, các thành viên trong câu lạc bộ còn nhường khoảng 10 phòng trọ của mình cho thí sinh nghèo và chở thí sinh đi tìm phòng trọ miễn phí, giá rẻ. Việc các thành viên góp tiền hỗ trợ thí sinh và người thân với mong muốn giúp đỡ được càng nhiều sĩ tử thì càng tốt", Tài chia sẻ.
-
Hai cặp sinh đôi thi cùng một phòng
Anh em sinh đôi và chị em sinh đôi cùng ở xã, huyện Cần Giuộc, Long An, chơi thân với nhau. Họ thi cùng một phòng ở cơ sở thi ĐH Sài Gòn. Đó là Trương Nhật Trường - Trương Nhật Bình (sinh ngày 10/11/1998) và Nguyễn Ngọc Phương Trúc - Nguyễn Phương Nhã Trúc (sinh ngày 5/9/1998). Đây là một trong những điều khá thú vị của kỳ thi năm nay. Ảnh: Hải An.
-
Hình ảnh nhà sư Lưu Hạnh, thí sinh thi khối C đăng ký dự thi tại điểm thi ĐH Sư phạm TP HCM được đăng tải trên mạng thu hút sự chú ý của nhiều người. Ảnh: Hồng Duyên/Fanpage Tiếp sức mùa thi - TPHCM.
-
Cha vừa đi bán cau, vừa đưa con đi thi
Đó là trường hợp của ông Lê Văn Tú (50 tuổi, ở khu phố 8A, xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Nhiều người dân và thí sinh tại điểm thi Cao đẳng Điện lực miền Trung (TP Hội An, Quảng Nam) bày tỏ cảm động trước việc làm và hoàn cảnh của ông Lê Văn Tú.
Nhà ở cách xa địa điểm thi khoảng 5 km, hai cha con ông Tú có mặt từ rất sớm tại điểm thi. Đứng bên con gái, ông ân cần, dặn dò trước giờ thi đại học. Khuôn mặt ông cháy đen vì nắng nhưng trên môi luôn nở nụ cười tươi. Bàn tay thô ráp của người cha nắm chặt đôi tay nhỏ bé của con như muốn nhắn nhủ lời yêu thương. Chờ đến khi con gái bước qua cổng trường thi, rồi khuất dần sau hàng cây xanh, ông mới trở lại chiếc xe máy cũ của mình.
Trên chiếc xe, ngoài những đồ đạc, áo quần của con để lại, còn có một chiếc bao đựng đầy những quả cau. Ông cười hiền cho biết: Vừa chở con gái đi thi, vừa tranh thủ mang cau đi bán, kiếm tiền trang trải qua ngày, nhất là có thêm chút tiền bồi bổ sức khỏe cho con gái trong những ngày thi vất vả. Ảnh: Đoàn Nguyên.
-
Những hot teen tham dự kỳ thi THPT quốc gia
Năm nay, nhiều gương mặt nổi tiếng cộng đồng mạng cũng tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT như nữ diễn viên Lê Tam Triều Dâng, "bông hồng lai" Trinh Tây, hot girl nói 7 thứ tiếng Khánh Vy, hot girl Olympia Lan Thy…
Trên trang cá nhân, Tam Triều Dâng chia sẻ cảm xúc trước ngày thi. Cô gái sinh năm 1998 quyết định không sử dụng điện thoại, khoá tài khoản cá nhân và tạm gác việc tham gia các hoạt động nghệ thuật để tập trung học tập.
Bên cạnh đó, nữ diễn viên trẻ cũng không quên gửi lời chúc tốt đẹp tới chính bản thân và bạn bè cùng tham gia kỳ thi tốt nghiệp năm nay.
Hot girl Olympia Phạm Tường Lan Thy cho biết cô cũng chuẩn bị kỹ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2016. Tuy nhiên, "hot girl ống nghiệm" Lan Thy vẫn khá e dè trước những câu hỏi hóc búa của môn Toán.
Lan Thi trong ngày đến làm thủ tục dự thi. Ảnh: Trương Khởi. -
Phát cơm miễn phí cho sĩ tử
Các sinh viên tình nguyện chuẩn bị cơm miễn phí cho thí sinh tại điểm thi Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, Tịnh thất Hương Thiền hỗ trợ 200 phần cơm chay và ĐH Tây Nguyên cũng nấu cơm và phát cho sĩ tử. Ảnh: Minh Quý.
-
Đi thi noi gương cho con cháu
Tại Đà Nẵng mặc dù đã lớn tuổi nhưng có 3 thí sinh vẫn tham gia kỳ thi. Họ quan niệm, việc thi và học là suốt đời để con cháu noi gương.
Chị Tâm (41 tuổi, trú tại Quảng Nam) có mặt trước cổng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Đà Nẵng từ rất sớm với ánh mắt đầy lo lắng. Chị sinh ra và lớn lên trong thời kỳ gian khó, là con của liệt sỹ nên được đặc cách học nghề khi mới chỉ học xong lớp 9. Đến 22 tuổi, chị đi làm nghề dược cho đến nay.
“Tôi làm nghề rất giỏi, nhưng lỡ ai biết mình chưa tốt nghiệp 12, họ cười cho, dù mình không làm gì sai trái. Mùa thi năm nay còn đặc biệt hơn khi tôi có “cô bạn” đồng hành là cô con gái 18 tuổi, hiện là học sinh một trường THPT tại Đà Nẵng. Sáng nay, 2 mẹ con cùng đến trường thi, bé nhắn “mẹ ráng thi nha”, nghe thiệt ngộ. Nghe con động viên, mình càng có thêm động lực để “vượt vũ môn”, chị tâm sự.
Thí sinh Lê Văn Tâm (38 tuổi, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) cũng là một trong 3 thí sinh lớn tuổi đặc biệt của điểm thi Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh Lê Văn Tâm chỉ có điều kiện học đến lớp 9 rồi đi làm “thợ đụng” (đùng gì làm đó – PV) kiếm sống. Mặc dù phải vật lộn với cuộc sống, nhưng trong anh luôn mong muốn được trở lại với phấn trắng, bảng đen, nhất là được đi thi tốt nghiệp THPT như bao người.
Vượt qua những gian khó, năm 2013, anh theo học lớp 10 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Cẩm Lệ. Một năm sau, anh được nhận vào làm dân quân tự vệ tại UBND phường Hòa Phát. Công việc yêu cầu anh phải có bằng tốt nghiệp THPT nên anh càng có chí hướng phấn đấu. “Phải học, phải thi để còn làm gương cho con mình”, anh Tâm cười vào nói trước khi vào phòng thi.
Tương tự, anh Phan Thế Tâm (35 tuổi, phường Bình Thuận, quận Hải Châu) cũng lần đầu tiên đi thi tốt nghiệp THPT. Anh là học sinh của Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Cẩm Lệ và hiện đang làm bộ phận điều hành của một hãng taxi.
Thí sinh Lê Văn Tâm. Ảnh: Bình An.
-
Mắc võng chờ con thi đại học
Ông Nguyễn Đình Thành (sinh năm 1973) sống tại Nhổn (Từ Liêm, Hà Nội), đưa con gái đi thi từ 4h30 sáng. 6h, hai bố con mới đến nơi vì không biết đường, đi lạc. Vợ anh đã chuẩn bị sẵn nước và đồ hộp, nhưng anh dự định sẽ tìm nhà nghỉ cho con nghỉ ngơi.
"Mình mang sẵn cái võng đi, nằm cho đỡ mệt. Chẳng biết con cái bên trong thi cử thế nào nhưng bố mẹ ngoài này oải quá", ông chia sẻ. Ảnh: Ngân Giang.
-
Thí sinh ra sớm nhất điểm thi ĐH Bách Khoa Hà Nội
Thí sinh tên Hải là người ra sớm nhất tại cụm thi ĐH Bách Khoa Hà Nội. Theo quy định, Hải không được phép mang đề thi ra ngoài. Nam sinh đánh giá, về cơ bản, đề thi vừa sức.
. -
Đề thi môn Toán
-
Thí sinh nhận xét đề thi môn Toán
-
Nhiều thí sinh hoàn thành làm bài thi môn Toán
9h30ph, tại điểm thi Đại học Thuỷ Lợi có những thí sinh ra sớm. Các em được sinh viên tình nguyện vỗ tay chào mừng. Ảnh: Việt Hùng.
Tuấn Anh, học sinh trường THPT Cao Bá Quát (Quốc Oai) Hà Nội cho biết đề thi có độ khó tăng dần từ câu 1 đến câu 10. Tuấn Anh làm được khoảng 6 điểm. Sau đó thấy mình không thể làm thêm được nữa nên ra sớm. Câu khó nhất là câu 10 về bất đẳng thức. Ảnh: Việt Hùng.
-
10h25, 5 phút trước khi kết thúc giờ thi, phụ huynh đứng chờ con kín cổng điểm thi THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội. Xe máy, ôtô đậu kín hai bên vỉa hè khiến đoạn đường Phan Đình Phùng, Cửa Bắc tắc nghẽn. Cảnh sát giao thông và đội tình nguyện viên phải giải tỏa ách tắc. Tại điểm thi này, chỉ có 2-3 thí sinh ra sớm, hầu hết các bạn ở lại làm bài hết giờ thi.
-
Phát cơm miễn phí cho thí sinh
Tại nhiều điểm thi trên cả nước, các tổ chức Đoàn, hội, tình nguyện chuẩn bị cơm trưa cho thí sinh. Đoàn viên tỉnh Cà Mau tham gia phát cơm miễn phí cho thí sinh nghèo trước cổng trường THPT Cà Mau. Tại TP Cà Mau có 7 điểm phát cơm cho thí sinh như vậy.
Tại Đắk Lắk, Tịnh thất Hương Thiền hỗ trợ 200 suất cơm chay và nước uống miễn phí cho các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Theo đại diện Tịnh thất mỗi địa điểm thi đơn vị hỗ trợ 30 phần.
Tịnh thất Hương Thiện phát cơm chay tại Đắk Lắk. Ảnh: Minh Quý
-
Đề thi có sự phân hóa
Nhiều thí sinh nhận định, đề thi có sự phân hóa rõ ràng. Nếu ôn thi cơ bản, học sinh sẽ đạt 5-6 điểm. Với học sinh khá giỏi, đạt 7-8 điểm không khó. Đề thi có câu hình học hỏi về lăng trụ khiến các em bất ngờ, phần lớn bỏ qua câu hỏi này.
-
Giám đốc Trung tâm Đào tạo Thủ khoa nhận định đề thi
-
Các thành viên Trung tâm Đào tạo Thủ khoa Việt Nam giải đề thi môn Toán
Bạn Nguyễn Thị Huyền Trang - giải nhì giải Toán Casio 2012, giải nhất học sinh giỏi tỉnh Thanh Hóa môn Toán 2012 - tham gia giải đề thi THPT quốc gia 2016 tại Zing.vn. Ảnh: Hoàng Hà. Bạn Đinh Quang Cường - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Thủ khoa Việt Nam (bên trái) và bạn Phạm Văn Tú - giải ba quốc gia môn Toán năm 2012. Ảnh: Hoàng Hà.
-
Thí sinh ở điểm thi trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn ĐHQG TP HCM trao đổi sau khi kết thúc môn Toán sáng 1/7.
-
Thầy giáo dạy chuyên Toán: Đề thi có 3 câu khó
Thầy giáo Hồ Sỹ Hùng, giáo viên Toán - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, nhận định: Đề thi năm nay bám sát chương trình sách giáo khoa, có tính phân loại cao. Các câu từ 8 – 10 là câu khó. Các câu còn lại nhẹ nhàng vừa phải.
Về câu để có điểm 10 năm nay dễ ăn điểm hơn năm ngoái dù cùng một dạng đề bất đẳng thức. Trong 2 ý của câu, nếu thí sinh làm được ý 1 sẽ giải quyết được ý 2 để ăn trọn điểm.Trong đề thi có câu xác suất (câu 6, ý 2) là câu gắn với đời sống nói về việc sử dụng bảng thiết kế. Tuy nhiên, câu này không khó.
Với đề này, học sinh có điểm trên 5 sẽ nhiều. Học sinh muốn có điểm 10 cũng không khó bởi cấu trúc đề quen thuộc, học sinh đã luyện nhiều. Tuy nhiên, học sinh phải bình tĩnh và tính toán cẩn thận.
-
Thí sinh gãy tay có người chép hộ
Sáng nay Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do thứ trưởng Bùi Văn Ga dẫn đầu đã đến kiểm tra, làm việc tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG TPHCM. Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Trần Linh Thước, hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường dốc toàn bộ lực lượng tổ chức thi, trong đó có 1.155 người coi thi trực tiếp, 134 người chấm thi môn toán và hỗ trợ các cụm thi khác chấm thi môn này. Trường tập huấn kỹ cho cán bộ coi thi để tránh sai sót. Có 17.000 thí sinh thi tại 16 điểm thi, trong đó có 371 trường hợp điều chỉnh, chủ yếu liên quan đến CMND.
Đặc biệt tại điểm thi này có 2 trường hợp thí sinh bị gãy tay được tổ chức thi tại phòng riêng, có người hỗ trợ viết bài cho thí sinh. Cũng trong sáng nay, có một thí sinh thi tại điểm thi ĐH Nguyễn Tất Thành nhưng đi nhầm qua ĐH Khoa học tự nhiên ĐHQG TP HCM, nhà trường đã cử lực lượng sinh viên tình nguyện chở thí sinh này qua đúng địa điểm thi trước lúc phát đề 25 phút.
Về vấn đề chấm thi, thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, bộ lo lắng về việc chấm thi ở TP HCM vì các cụm thi đều đưa bài về TP HCM chấm nên lượng bài thi sẽ nhiều hơn năm ngoái. Đại diện nhà trường cho biết sẽ chấm thi và công bố thi vào khoảng ngày 15/7.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga kiểm tra tình hình coi thi, làm bài của thí sinh tại Giảng đường lớn của trường ĐH Khoa học tự nhiên. Đây là giảng đường được nhà trường dùng dây ngăn để chia thành 3 phòng thi. Ảnh: Phước Tuần.
-
Nữ sinh gãy chân vẫn quyết tâm thi tốt
Thí sinh đặc biệt này là Lê Thị Oanh, học sinh lớp 12Q, Trường THPT Thanh Chương 1, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Oanh cho biết, ngày 28/6, khi đi hoàn thiện các giấy tờ chuẩn bị xuống TP Vinh làm thủ tục dự thi kỳ thi THPT quốc gia thì em bị tai nạn ngã xe máy gãy chân.
Thí sinh này sau đó được người nhà đưa đến bệnh viện huyện bó bột. Bị thương trước ngày thi nên Oanh vô cùng lo lắng. Khi chân được cố định nữ sinh và gia đình đã xin phép các bác sĩ ra về để xuống TP Vinh làm thủ tục dự thi.
Đến điểm thi, Oanh và cha được các bạn sinh viên tình nguyện giúp đỡ, hỗ trợ đưa em đến phòng thi, đồng thời động viên để em vững vàng tâm lý làm bài thi.
Ông Lê Văn (cha của Oanh) cho biết, hai cha con ông thuê nhà ở trên đường Nguyễn Phong Sắc, ở khá gần điểm thi. Trước ngày thi lại gặp tai nạn, mặc dù lo lắng nhưng Oanh vẫn động viên cha sẽ cố gắng làm bài tốt để không phụ lòng người thân.
Năm nay, Oanh thi vào Học viện Tài chính.
Sáng nay, sau giờ làm bài, Lê Thị Oanh được các bạn sinh viên tình nguyện hỗ trợ đưa ra xe để cha chở về. nữ sinh này cho biết làm bài khá tốt. Oanh chia sẻ khi mới bị tai nạn em rất lo lắng nhưng nhp72 ôn luyện tốt nên phần nào đó cũng đỡ hồi hộp hơn.