Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng GD&ĐT muốn đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai

Bộ trưởng GD&ĐT khẳng định, cần tạo nên sự thay đổi dần dần để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai, dù chưa biết chính xác thời gian nào thực hiện được.

Mới đây, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 đề án Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 tại 6 điểm cầu: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Tây Nguyên, Nghệ An. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong quá trình triển khai đề án thời gian vừa qua do đặt mục tiêu quá cao dẫn đến việc không bám sát đề án.

Việc áp dụng còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Nhiều địa phương còn thiếu giáo viên hoặc giáo viên chưa đạt chuẩn. 

tieng anh la ngon ngu thu hai anh 1
Toàn cảnh hội nghị diễn ra tại các điểm cầu. Ảnh: Bộ GD&ĐT. 

Sau khi lắng nghe 12 ý kiến góp ý từ các điểm cầu trên cả nước, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tóm lược các nội dung cần thực hiện sớm.

Thứ nhất, tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên, nhất là các trường Sư phạm. Nếu những thầy cô yếu quá, khả năng đạt chuẩn quá xa thì chuyển công tác khác.

Thứ hai, tập trung vào cơ sở học liệu, phù hợp với điều kiện, yêu cầu của Việt Nam và đào tạo từ xa, tạo điều kiện cho các giáo viên có thể học mọi lúc mọi nơi, hình thành các trung tâm, không có liên doanh liên kết trong đào tạo ngoại ngữ.

Thứ ba, củng cố nâng cao dạy ngoại ngữ. 

Ngoài ra, đề án 2020 không phải để phục vụ mọi người nâng cao trình độ ngoại ngữ mà là xương sống, tạo môi trường để học ngoại ngữ, tạo cú hích cho toàn dân.

Người đứng đầu ngành giáo dục chia sẻ: “Nếu bây giờ không đặt ra và bắt đầu làm thì chẳng bao giờ đạt được. Ở Singapore, từ khi Lý Quang Diệu có ý tưởng đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai, phải mất 38 năm sau đất nước này mới đạt được mức độ trung bình trong việc sử dụng tiếng Anh".

Mục tiêu của Việt Nam không thể đạt được trong vòng 10-20 năm nhưng khoảng thời gian này sẽ là sự chuẩn bị dần. Nhiệm vụ của năm học tới là củng cố, rà soát những việc đang làm. Đây là công việc dài hơi, mỗi bước đi cũng cần có nhìn nhận thấu đáo để tránh tình trạng đi nhanh nhưng không bền vững, hiệu quả thấp.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh về chương trình, sách giáo khoa tiếng Anh, bằng cách chọn lựa bộ sách giáo khoa chất lượng của một nước nào đó rồi về chỉnh sửa cho phù hợp với chương trình phổ thông.

Đối với các trường ĐH, CĐ, Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích dùng luôn giáo trình đó. Bộ sẽ quy hoạch những chuyên ngành và trường trọng điểm, tăng cường dạy tiếng Anh tiếp cận chuẩn quốc tế.

Qua quá trình làm việc với một số NXB của Hàn Quốc, Singapore, Bộ GD&ĐT nhận thấy các đơn vị này có những học liệu hỗ trợ, những video clip rất hay đưa lên mạng. Vì vậy, các đơn vị phải tăng cường đưa công nghệ hỗ trợ việc học mọi lúc mọi nơi.

Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (gọi tắt là Đề án 2020) đã có 7 năm triển khai trên toàn quốc.

Trong giai đoạn tiếp theo, Đề án 2020 sẽ tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ nhằm đảm bảo đến năm 2020 đại đa số học sinh đạt chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ khi tốt nghiệp.

Đến năm 2025, đại đa số thanh niên Việt Nam, cán bộ công chức, viên chức, nguồn nhân lực có đủ năng lực ngoại ngữ để sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc.

Đề xuất không gộp 3 môn thành một bài thi THPT quốc gia 2017

Theo TS Tăng Thị Thùy, khi chưa tích hợp được môn học, Bộ GD&ĐT không nên gộp ba môn thành một bài thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm