Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề xuất không gộp 3 môn thành một bài thi THPT quốc gia 2017

Theo TS Tăng Thị Thùy, khi chưa tích hợp được môn học, Bộ GD&ĐT không nên gộp ba môn thành một bài thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2017.

TS giáo dục Tăng Thị Thùy tốt nghiệp ĐH Chi Nan (Đài Loan, Trung Quốc), nghiên cứu sâu về đo lường đánh giá.

Nữ tiến sĩ có những chia sẻ với Zing.vn xung quanh dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2017, trong đó có thi trắc nghiệm môn Toán và gộp các môn học thành bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

Nút thắt của bài trắc nghiệm là đề thi

- Gần đây, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo thi tốt nghiệp và xét vào đại học năm 2017, bà đánh giá như thế nào về dự thảo?

- Những năm gần đây, Bộ GD&ĐT liên tục có những thay đổi về phương án thi tốt nghiệp phổ thông và xét vào đại học với mong muốn tốt hơn cho người học, giảm áp lực thi cử. Xét về mặt nội dung của dự thảo này, tôi ủng hộ hướng đi của Bộ Giáo dục.

Đây cũng là xu hướng của các nước trên thế giới khi tổ chức các kỳ thi lớn. Tuy nhiên, thay đổi phải dựa trên những nghiên cứu liên quan và có lộ trình rõ ràng.

- Bộ GD&ĐT chuyển các môn (trừ Ngữ văn) thi theo hình thức trắc nghiệm gây nhiều tranh luận, nhất là với môn Toán và Lịch sử. Ý kiến của bà về vấn đề này thế nào?

- Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh có nhiều hình thức khác nhau, bài thi trắc nghiệm là một trong những hình thức đó. Theo tôi, vấn đề quan trọng là cách thức ra đề như thế nào. Đề thi trắc nghiệm tốt phải đáp ứng yếu tố về độ tin cậy và chính xác. Nút thắt của bài thi trắc nghiệm chính là khâu biên soạn đề thi.

Do vậy, bộ phận ra đề có trách nhiệm rất lớn và phải làm tốt nhiệm vụ này. Ở một số nơi, đơn vị phụ trách biên soạn đề thi là độc lập. Như ở Đài Loan (Trung Quốc), nơi tôi học tập và nghiên cứu, đơn vị phụ trách khâu này hoạt động như một tổ chức phi chính phủ.

du thao phuong an thi 2017 anh 1
TS Tăng Thị Thùy cho rằng thay đổi giáo dục phải dựa trên những nghiên cứu và có lộ trình rõ ràng. Ảnh: NVCC

 

Trên thế giới, nhiều quốc gia hoặc vùng lãnh thổ còn đưa một phần trắc nghiệm vào đề thi môn Ngữ văn. Chẳng hạn như ở Đài Loan (Trung Quốc), môn Ngữ văn trong kỳ thi năng lực phổ thông có 50% trắc nghiệm và 50% tự luận. Tuy nhiên, phần tự luận của học sinh được khống chế số lượng từ nhất định để tránh tình trạng thí sinh viết quá dài dòng, gây khó khăn cho việc chấm thi.

Đối với môn Toán, đề thi gồm 68% câu hỏi một lựa chọn, 12% câu hỏi nhiều lựa chọn và 20% câu hỏi tính toán (điền kết quả).

Môn Lịch sử chỉ được thi trong kỳ thi tuyển sinh đại học (vào tháng 7 hàng năm), còn kỳ thi năng lực phổ thông (tháng 1 hàng năm), câu hỏi liên quan Lịch sử nằm trong môn Khoa học xã hội.

Chưa thực hiện được xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học

- Cách thi trắc nghiệm này có phù hợp kỳ thi với hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học?

- Việc kết hợp hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học vào một bài thi không nằm ở vấn đề trắc nghiệm hay tự luận. Tôi ủng hộ việc giữ kỳ thi đại học.

Tuy nhiên, trong tình huống hiện nay, với sự thay đổi liên lục, chúng ta không nên làm cho vấn đề phức tạp hơn. Giữ kỳ thi tốt nghiệp là nhấn mạnh tầm quan trọng của nó, tức là lấy kết quả của kỳ thi này để xét vào đại học.

Như vậy, đề thi sẽ nghiêng về trắc nghiệm chuẩn hóa để phù hợp mục đích kỳ thi. Nếu nhìn lại hai năm kỳ thi THPT quốc gia dựa trên phổ điểm của từng môn, bạn sẽ thấy mục đích này chưa đạt được, đáng chú ý là môn tiếng Anh.

- Nhiều người lo lắng cách thi này sẽ khiến trường đại học không tuyển được người giỏi?

- Việc chọn giữ kỳ thi tốt nghiệp, nếu các trường muốn có chất lượng đầu vào tốt, nên có phương án tuyển sinh riêng. Với tình hình như hiện nay, việc thi riêng sẽ gặp nhiều khó khăn đối với các trường tốp dưới nên đa số chỉ dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.

Hiện nay, một số nước cũng áp dụng nhiều hình thức xét tuyển, chẳng hạn dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp và phỏng vấn sau khi thí sinh viết một bài luận về kế hoạch học tập của mình.

Có nhiều phương án tuyển sinh, các trường muốn tuyển được học sinh giỏi không phải quá khó. Tuy nhiên, một câu chuyện khác tôi xin không bàn ở đây là chất lượng đào tạo. Đầu vào tốt nhưng sau quá trình đào tạo ra trường, sinh viên vẫn không làm được việc.

Thi đại học thay đổi thế nào sau hơn 45 năm?

Tính từ năm 1970, kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) có nhiều thay đổi. Trong đó, hình thức thi "3 chung" do Bộ GD&ĐT chủ trì áp dụng hơn 10 năm.

- Mặc dù thay đổi hình thức thi, cách dạy và học tại Việt Nam vẫn chưa thay đổi. Theo bà, điều này có gây khó khăn cho học sinh khi chỉ còn 9 tháng nữa là thi THPT quốc gia?

- Thay đổi hình thức thi trắc nghiệm không ảnh hưởng cách dạy và học, vì bài thi trắc nghiệm là một trong những công cụ để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, cũng giống các hình thức kiểm tra tự luận, vấn đáp…

Hơn nữa, trong quá trình học, các em cũng được làm quen đề thi trắc nghiệm trong bài kiểm tra trên lớp, cuối kỳ. Tôi không nghĩ điều này sẽ gây khó khăn cho học sinh. Vấn đề ở đây là sự thay đổi liên lục khiến các em hoang mang, tâm lý lúc nào cũng bị vào thế “chuột bạch”.

Tôi muốn nói thêm về việc tích hợp các môn thi trong môn Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên. Vì học sinh chưa có môn học tên gọi như vậy trong chương trình phổ thông hiện nay nên có thể sẽ thấy lạ, dù cho trong đề án nói rõ Khoa học xã hội sẽ gồm các môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Môn Khoa học tự nhiên gồm Vật Lý, Hoá học, Sinh học.

Tôi cũng muốn đề cập Đề án đổi mới chương giáo dục phổ thông về việc tích hợp các môn học thành môn Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên. Tích hợp các môn học phải căn cứ giao điểm của các môn trong đó chứ không phải ghép nối các môn với nhau. Do vậy, nếu chưa tích hợp được thành môn học thì không nên gộp lại như vậy trong kỳ thi lần này.

- Bà có đề xuất phương án nào cho Bộ G&ĐT về hình thức thi tuyển phù hợp?

- Câu hỏi này cũng rất nhiều người hỏi tôi. Tất nhiên, không thể trả lời ngay lập tức được, vì khi đưa ra phương án nào cũng cần có sự nghiên cứu kỹ.

Tôi nghĩ nếu Bộ GD&ĐT cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia giáo dục thì không khó. Hiện nay, rất nhiều người tâm huyết với giáo dục, Bộ lên tiếng chắc chắn sẽ có nhiều người sẵn sàng.

Về quan điểm cá nhân, tôi ủng hộ việc thi trắc nghiệm đối với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, nhưng để đảm bảo chất lượng đầu vào, thi đại học vẫn quyết định. Tôi nhấn mạnh kỳ thi đại học ở đây tức là các phương án tuyển sinh riêng của từng trường.

Thứ trưởng GD&ĐT: Thi tự luận không thể hội nhập thế giới

Theo Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, thi trắc nghiệm giúp thí sinh rèn kỹ năng thi cử ở môi trường quốc tế. Hiệp hội trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng ủng hộ phương thức thi này.


Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm