Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng GD&ĐT nhận trách nhiệm bất cập xét tuyển

Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã nhận trách nhiệm trước xã hội về những vấn đề vướng mắc nảy sinh trong quá trình xét tuyển năm nay.

Chiều nay (21/8), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ GD&ĐT và một số bộ, ban, ngành về những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác xét tuyển đại học, cao đẳng. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những cố gắng của Bộ GD&ĐT, cũng như đóng góp của người dân, cấp ủy chính quyền các cấp và toàn thể xã hội trong việc tổ chức kỳ thi quốc gia THPT về cơ bản đạt mục tiêu như chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Tuy nhiên việc sử dụng kết quả kỳ thi vẫn chưa tốt. Mục tiêu ban đầu của kỳ thi là tạo thuận lợi, công bằng cho thí sinh nhưng vẫn còn để nhiều người dân và thí sinh phiền hà, rất vất vả, hoang mang.

“Qua đánh giá của Bộ GD&ĐT, ý kiến phát biểu của cơ quan chức năng và dư luận, Bộ phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, bám sát tình hình trên tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của chuyên gia, dư luận, học sinh để có ngay những giải pháp phù hợp, rõ ràng, dễ hiểu, khả thi. Ngay sau cuộc họp này Bộ GD&ĐT phải thông tin ngay cho dư luận, xã hội”, Phó thủ tướng nói.

Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã nhận trách nhiệm về những vấn đề vướng mắc nảy sinh trong quá trình xét tuyển năm nay.

Việc đăng ký xét tuyển đợt 1 vừa qua đã bộc lộ một số bất cập, như cho thí sinh đăng ký 4 ngành và được điều chỉnh nguyện vọng trong một thời gian dài (20 ngày). Các quy định liên quan hồ sơ đăng ký xét tuyển chưa được hợp lý dẫn đến sự lo lắng, căng thẳng của nhiều thí sinh và phụ huynh. Tình trạng phải đi lại, chờ, chực ở các trường đại học, cao đẳng gây tốn kém, phiền hà. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, trong đó, trách nhiệm lớn của Bộ GD&ĐT là chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của các giải pháp trong tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cam đoan sẽ nghiêm túc khắc phục những bất cập này, không để xảy ra ở đợt 2.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, hết ngày 20/8, cả nước có 569.843 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (phần lớn đạt trên điểm sàn). Số lượt thí sinh phải thay đổi nguyện vọng gần 43.000 em, chiếm tỷ lệ 8,1% tổng số thí sinh xét tuyển. 

Việc thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển chủ yếu tập trung khoảng 30 trường top trên.

Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định, trong đợt xét tuyển thứ hai, các thí sinh sẽ không phải đăng ký nhiều lần mà dùng một phiếu đăng ký xét tuyển ghi tất cả nguyện vọng của mình, gửi về các trường thông qua sở GD&ĐT, trường THPT các em đang học, đường bưu điện; gửi trực tiếp đến các trường đại học, cao đẳng mà mình đăng ký. 

Bộ GD&ĐT đảm bảo tất cả phiếu đăng ký của thí sinh qua các kênh trên đều sẽ được chuyển nhanh chóng, trực tiếp, chính xác đến các trường mà các em có nguyện vọng đăng ký.

Bà Lâm Phương Thanh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, các đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương đã có cuộc thăm dò dư luận xã hội về kỳ thi THPT quốc gia 2015. Đa số dư luận xã hội đánh giá kỳ thi cơ bản đã đạt được 2 mục tiêu lớn là tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội và giảm áp lực thi cử cho phụ huynh và học sinh.

“Đây là cố gắng lớn của Bộ GD&ĐT trong việc thực hiện chủ trương đổi mới về giáo dục để thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương. Bước đầu thực hiện rất tốt nhưng việc sử dụng kết quả trong tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, Bộ GD&ĐT làm chưa tốt”, bà Lâm Phương Thanh nhận định.

Lãnh đạo Ban tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị Bộ GD&ĐT nên lắng nghe ý kiến góp ý của các nhà khoa học, các trường, học sinh, phụ huynh, từ đó có giải pháp khắc phục để việc xét tuyển đợt 2 làm tốt hơn.

Trước đó, trả lời báo chí, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, trong quá trình xét tuyển, Bộ có những giải pháp để kịp thời điều chỉnh các tình huống xảy ra, tuy nhiên, vẫn có những vấn đề Bộ không lường trước được như: Tâm lý của người nhà và thí sinh luôn muốn đến trường để rút - nộp hồ sơ. Bởi vậy, đã có rất nhiều thí sinh phải đi xa vất vả, điều này khiến Bộ GD&ĐT rất áy náy và cũng rất chia sẻ.

PGS Văn Như Cương: Nhiều thí sinh trượt đại học oan

Theo PGS Văn Như Cương, thí sinh bị động trong khâu xét tuyển, cuống cuồng rút - nộp hồ sơ và đăng ký xét tuyển bừa trong ngày cuối để mong đỗ đại học.

Lê Phan - Quyên Quyên

Clip: VTV

Bạn có thể quan tâm