Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng GD&ĐT: Nhiều trường đại học chất lượng kém

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng số lượng trường đại học ở Việt Nam không lớn nhưng nhiều trường chất lượng kém. Các trường cần tự chủ để tăng sức cạnh tranh.

Ngày 30/12, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết đề án đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường đại học (ĐH) giai đoạn 2008-2015.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đề án này được đưa ra và triển khai trong bối cảnh nước ta còn hạn chế nên không thể dàn trải cho tất cả các ngành, trường mà ưu tiên cho những ngành, chuyên ngành cần thiết cho nền kinh tế đất nước. Đây cũng là những ngành có nền tảng, đã được đầu tư theo hướng vươn cao.

'Bỏ tiền ra, phải tính hiệu quả'

Tại hội nghị, bộ trưởng yêu cầu các ban, đơn vị đánh giá chương trình một cách khách quan, thẳng thắn nhằm rút kinh nghiệm cho giai đoạn tới.

dao tao chuong trinh tien tien anh 1
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Bộ GD&ĐT.

Theo ông, mục tiêu đào tạo và tính bền vững của cơ sở đào tạo là hai vấn đề cần được tập trung đánh giá.

Tư lệnh ngành giáo dục cũng nhấn mạnh vấn đề tài chính. Ông thông tin Nhà nước đã cấp lượng tiền không nhỏ, khoảng 54% tổng kinh phí của chương trình.

Bộ trưởng cho rằng có nhiều cách để tiết kiệm chi phí từ ngân sách như thu hút người tài, chuyên gia nước ngoài thay vì bỏ tiền nhà nước để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

Ông nêu quan điểm chương trình quốc tế theo hướng tiên tiến phải giảng dạy bằng tiếng Anh và phải thu hút được sinh viên nước ngoài.

“Chúng ta phải tính hết, bỏ tiền ra là phải tính đến hiệu quả. Những câu hỏi này phải được làm rõ và có sức thuyết phục, chúng ta mới có cơ sở để xây dựng giai đoạn hai. Nếu không rõ, tôi cũng không dám trình giai đoạn hai”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu.

Trong thời gian tới, nước ta sẽ tái cơ cấu mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Vai trò của đại học trở nên to lớn. Người đứng đầu ngành giáo dục nhận áp lực bởi nghịch lý giữa yêu cầu rất cao với điều kiện cung ứng còn chưa đủ.

Hiện tại, cả nước có 271 trường đại học, học viện nhưng mặt bằng chất lượng chưa đảm bảo.

Bộ trưởng khẳng định số lượng sinh viên ở nước ta không lớn, điểm yếu của giáo dục đại học là trường không nhiều nhưng tỷ lệ trường có chất lượng kém lại lớn, hữu sinh vô dưỡng.

Ông thông tin chỉ vài trường tư thục có ngành đào tạo tốt, phần lớn đang khó khăn về tuyển sinh. Trong số gần 200 trường ĐH công lập, 28 trường ĐH địa phương, đa phần được nâng cấp từ CĐ nên khó trông cậy được chất lượng.

“Tên hoành tráng lắm, có vị còn đặt tên Tây nhưng điều kiện đảm bảo chất lượng vô cùng khó khăn. Thậm chí, Thủ tướng đã nói rồi, cũng khó ra hồn”, ông Nhạ nhấn mạnh.

Do đó, nhiệm vụ đặt ra là phải tự chủ đại học, chuyển sang dịch vụ, các trường phải chấp nhận áp lực cạnh tranh.

Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở đại học công lập và ngoài công lập cạnh tranh bình đẳng, thay đổi theo hướng cấp phát theo đặt hàng, nghĩa là ai có sức mạnh thì cạnh tranh. Song, quá trình đó phải đảm bảo tính bình đẳng, tránh trường hợp trường tư thục có ngành tốt nhưng không được hỗ trợ, lại bao cấp những ngành, trường công lập không cần thiết.

Những ngành khoa học cơ bản cũng cần được chú trọng đầu tư nhưng phải thay đổi phương thức. Bộ trưởng nêu quan điểm ngành này cần chất lượng hơn số lượng.

'Thí sinh đạt 9 điểm ba môn cũng có thể đỗ đại học'

Một số chuyên gia giáo dục nhận định nếu Bộ GD&ĐT bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, những thí sinh chỉ đạt 9 điểm cũng có thể đỗ đại học.

Đã đến lúc phải thẳng thắn

Ông Phùng Xuân Nhạ cũng nói đây là “Hội nghị Bình Than” để những người có trách nhiệm trong giáo dục đại học ngồi lại, bàn bạc với nhau.

Ông cho rằng đã tới thời điểm mọi người phải thẳng thắn, bàn kỹ làm thể nào để cải thiện chất lượng. Đây là câu hỏi mà hiệu trưởng, giám đốc các đại học, học viện phải trả lời.

“Tôi có thể thay mặt các hiệu trưởng trả lời trước Quốc hội chứ không thể thay mặt hiệu trưởng trả lời trước xã hội”, ông Nhạ khẳng định.

Nhiệm vụ trước mắt của giáo dục đại học là rà soát nhu cầu kinh tế theo hướng tăng cường các ngành mũi nhọn, bám sát cuộc cách mạng công nghệ, 8 nhóm ngành di chuyển ASEAN để ưu tiên đầu tư.

Ông đề xuất chọn ra từ 35 ngành đào tạo chương trình tiên tiến. Đương nhiên, nhiều ngành không nằm trong 35 ngành này mà đáp ứng yêu cầu vẫn được đưa vào.

Một trong những tiêu chí là ngành đó phải đào tạo phù hợp nhu cầu của thị trường lao động tương lai. Một số ngành như Công nghệ Thông tin, Di truyền phải được chú trọng đầu tư. Việc đầu tư phải diễn ra đồng bộ, tránh kiểu xôi đỗ. Nghĩa là, một cơ sở đào tạo mà có nhiều chương trình tiên tiến hoạt động hiệu quả sẽ được xây dựng thành đẳng cấp.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tự chủ đại học trong thời gian tới. Tự chủ phải gắn với trách nhiệm giải trình, kiểm định, nhưng công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học hiện nay còn nhiều bất cập.

Ông cũng kêu gọi các thầy cô, đại biểu tham dự hội nghị kiến nghị với Bộ GD&ĐT về hướng đi sắp tới cho giáo dục đại học.

“Không nhất thiết câu nệ, hình thức phải trao đổi thắng thắn, thật những gì chúng ta suy nghĩ. Tôi cũng muốn lắng nghe các vị đại biểu từ đơn vị sử dụng lao động, chuyên gia việc làm, phản biện thẳng thắn”, ông khuyến khích đại biểu.

Ông nói thêm bộ tổ chức hội nghị không để xem lại quá khứ làm thế nào mà là nhìn quá khứ và tập trung trí tuệ bàn về tương lai. 

Theo nội dung hội nghị tổng kết đề án đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường ĐH giai đoạn 2008-2015, đến năm 2012, cả nước có 23 trường ĐH triển khai thực hiện 35 chương trình đào tạo của 22 trường ĐH trên thế giới.

Trong quá trình triển khai đề án, 123 phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành được đầu tư, nâng cấp với tổng kinh phí 181,17 tỷ đồng. Tổng cộng 1.002 giảng viên được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ở nước ngoài.

Sau đợt tuyển sinh năm 2015, đề án đã tuyển sinh và đào tạo cho 13.270 sinh viên.

Theo thống kê của các trường, hầu hết sinh viên tìm được việc làm hoặc học tiếp lên trình độ cao hơn sau 6 tháng tốt nghiệp.

Đề án vẫn còn những hạn chế như khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh của giảng viên chưa cao, chưa áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, thiếu thốn trang thiết bị thực hành.

10 sự kiện giáo dục tiêu biểu năm 2016

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 và đổi mới phương án thi 2017, TP.HCM cấm dạy thêm, đề án ngoại ngữ 9.000 tỷ không đạt mục tiêu... là những sự kiện giáo dục đáng chú ý trong năm.

Huệ Nguyễn - Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm