Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phó thủ tướng: Đổi mới đại học khó hơn đổi mới doanh nghiệp

"Đổi mới đại học còn khó khăn hơn đổi mới doanh nghiệp bởi liên quan con người nên thời gian tới chúng ta cần có trách nhiệm hơn, quyết tâm cao hơn”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Ngày 30/9, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức hội thảo "Tự chủ đại học – cơ hội và thách thức", với sự tham dự của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga và khoảng 300 đại biểu từ các trường trên cả nước.

Bỏ nỗi sợ tự chủ

Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định giáo dục Việt Nam cần được đổi mới cân bằng và toàn diện.

Ông nêu hai thực trạng chứng tỏ nền giáo dục “đang có vấn đề”. Thứ nhất, số lượng cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ không có việc làm sau khi ra trường cao. Đương nhiên, điều này còn phụ thuộc tình hình kinh tế - xã hội nhưng rõ ràng giáo dục có vấn đề về chất lượng.

“Một nhà kinh tế từng nói với tôi rằng giả sử chúng ta có thật nhiều cử nhân ra cử nhân, kỹ sư ra kỹ sư, thạc sĩ ra thạc sĩ, tiến sĩ ra tiến sĩ, đó cũng là nguồn lực để thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn”, Phó thủ tướng nói.

Ông cũng đề cập thực trạng đáng buồn trong việc phát triển khoa học công nghệ ở nước ta hiện nay. Phó thủ tướng cho hay, Việt Nam chưa có tạp chí thuộc danh mục ISI và trong khoảng 20 nghìn tạp chí nằm trong cơ sở dữ liệu Scopus, nước ta chỉ có 3 tạp chí (không thuộc các trường đại học).

Hai chỉ số trên cho thấy nền giáo dục cần được đổi mới cân bằng, toàn diện và mạnh mẽ, phù hợp xu thế thế giới. Vì thế, tự chủ đại học là xu thế tất yếu.

tu chu dai hoc anh 1
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TN.

Tự chủ đại học đồng nghĩa việc các trường sẽ tự chủ về chuyên môn, bộ máy tổ chức nhân sự và tài chính. Nhiều trường lo ngại nếu trường tiến hành tự chủ sẽ không được Nhà nước đầu tư.

Phó thủ tướng cho biết tự chủ không có nghĩa Nhà nước ngừng đầu tư cho các trường đại học. Ông nêu trường hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam (một trong 14 trường được trao quyền tự chủ vào năm 2015) vẫn được tham gia xây dựng dự án vay vốn.

ĐH Bách khoa Hà Nội cũng được cấp khoản vốn tương tự, trong khi ĐH Kinh tế Quốc dân tiếp tục nhận hỗ trợ từ ngân sách.

“Chúng ta phải bỏ nỗi sợ là nếu tự chủ sẽ không còn vốn ngân sách. Tôi khẳng định với các đồng chí tự chủ không có nghĩa Nhà nước không tiếp tục đầu tư cho giáo dục đại học. Chỉ có điều, chúng ta phải thay đổi cách đầu tư”, ông Đam nhấn mạnh.

Hỗ trợ sinh viên nghèo

Một vấn đề đặt ra là tự chủ đại học khiến nhiều người lo các trường sẽ quy định học phí ở mức cao. Trên thực tế, đây là mối quan tâm hợp lý.

Trong đợt tuyển sinh vừa qua, không ít phụ huynh và thí sinh lo lắng trước tình trạng một số trường tự chủ “quên” công khai học phí trước khi tuyển sinh. Thông tin ngoài lề về số học phí có thể lên đến 13 triệu đồng/năm buộc họ phải suy nghĩ lại về việc ứng tuyển vào trường.

Trước băn khoăn này, Phó thủ tướng cho rằng điều quan trọng là phải nâng chất lượng giáo dục để thu hút người học. Sinh viên nghèo, con em nông dân và gia đình chính sách sẽ được hỗ trợ để tiếp cận giáo dục đại học.

Ông Đam nói thêm các trường nâng học phí cần có các suất học bổng dành cho sinh viên nghèo. Trong khả năng cho phép, Nhà nước xem xét để tiếp tục hỗ trợ về cơ sở vật chất hoặc đầu tư thông qua các chương trình nghiên cứu khoa học.

Ông khẳng định một lần nữa Nhà nước không cắt ngay tiền đầu tư vào các trường mà chỉ giảm dần để tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm của nhà trường. Ngoài ra, việc giảm này chỉ trong thời gian ngắn, về lâu dài, Nhà nước vẫn đầu tư cho giáo dục như cách các nước tiên tiến làm.

Tự chủ đại học không có nghĩa trường làm gì cũng được

"Tự chủ đại học không có nghĩa Nhà nước 'buông', các trường muốn làm gì thì làm” – Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định tại hội nghị về giáo dục sáng 18/3.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm