Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tự chủ đại học không có nghĩa trường làm gì cũng được

"Tự chủ đại học không có nghĩa Nhà nước 'buông', các trường muốn làm gì thì làm” – Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định tại hội nghị về giáo dục sáng 18/3.

Sáng nay, cuộc họp tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động cơ sở giáo dục đại học công lập, do Văn phòng Chính phủ tổ chức, diễn ra tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

Trước đó, tháng 10/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết 77 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017. Đến nay, 13 trường đại học công lập trực thuộc các Bộ, ngành trung ương được Thủ tướng phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, tự chủ.

Những vướng mắc

Đại diện các trường đã đề cập một số vấn đề cần xem xét, bàn luận. Trong đó, hai vấn đề được quan tâm nhiều nhất là tự chủ tài chính và quy định về tỷ lệ giáo viên thỉnh giảng khi các trường đại học tự chủ.

Các trường kiến nghị Bộ GD&ĐT cần hướng dẫn rõ hơn về việc quyết định các mức chi (cao hay thấp hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước) phù hợp điều kiện cụ thể của các trường; cần có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nguồn thu lãi từ tiền gửi ngân hàng được sử dụng để lập quỹ hỗ trợ sinh viên…

tu chu dai hoc anh 1
Hiệu trưởng nhiều trường đại học tham gia hội nghị. Ảnh: Quyên Quyên.

Một vấn đề khác được quan tâm là những bất cập trong quy định về tỷ lệ số giảng viên cơ hữu (cố định) trên sinh viên của Bộ GD&ĐT. Các trường đề xuất xem xét nghiên cứu áp dụng tỷ lệ nhất định đối với đội ngũ giảng viên thỉnh giảng để làm căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Bởi nếu áp dụng máy móc theo quy định số giảng viên cơ hữu trên sinh viên, nhiều đơn vị không thể mở ngành.

Trong khi đó, các trường ĐH quốc tế tại Việt Nam thiếu giảng viên cơ hữu vẫn mời giảng viên ở nước ngoài theo chế độ thỉnh giảng để dạy.

Trả lời câu hỏi của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết nếu “thả cửa” cho các trường sử dụng giảng viên thỉnh giảng với số lượng lớn, sẽ dẫn đến tình trạng tuyển giảng viên ồ ạt để mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định.

Theo quan điểm của ông Trần Tuấn Anh – Thứ trưởng Bộ Công thương: Bộ GD&ĐT nên cởi trói thật sự chứ không phải tạo sự nửa vời. Điều cam kết là chất lượng đầu ra được xã hội và các tổ chức thẩm định.

Một giáo sư dạy nhiều trường hay không do công việc lãnh đạo nhà trường và khả năng giáo sư quyết định.

Lúc đó, Bộ GD&ĐT khó quản lý chất lượng đào tạo, khi các trường chạy theo lợi nhuận. Việt Nam khó quản lý giảng viên thỉnh giảng vì nếu một người ghi danh thỉnh giảng ở 10 trường thì không quản nổi. 

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT - cũng khẳng định, Bộ không quản lý được số giảng viên thỉnh giảng, vì những người này sẽ làm việc ở nhiều vị trí khác nhau và dạy cho nhiều trường. Vì vậy, nếu tính chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên số lượng này rất khó đảm bảo chất lượng.

“Hiện nay, quy định mở ngành của Bộ GD&ĐT cần 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ đối với đại học và sau đại học là 5 tiến sĩ (trong đó, 3 tiến sĩ chuyên ngành). Một số trường hợp đặc biệt, Bộ GD&ĐT làm việc với cơ quan chủ quản để có cách tính khác. Ví dụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ít giảng viên chức danh nên có thể tính giáo viên thỉnh giảng trong phạm vi quản lý được”, bà Phụng nhấn mạnh.  

Trường tự chủ không có nghĩa Nhà nước "buông"

Trước những thắc mắc trên, Văn phòng Chính phủ ủng hộ phương án tính thêm lực lượng giảng viên ngoài cơ hữu, có năng lực, trình độ làm việc cho các trường để xét quy mô tuyển sinh.

Việc quy định cứng một mức trần số lượng chỉ tiêu tuyển sinh của tất cả các trường (khi mỗi trường có quy mô, năng lực, chất lượng khác nhau) là chưa hợp lý, chưa phù hợp yêu cầu thực tiễn.

Chủ trì và lắng nghe các ý kiến tại hội nghị liên quan việc triển khai nghị quyết 77 của Chính phủ về việc thí điểm tự chủ tổ chức sáng 18/3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phần lớn các trường đều chưa dùng hết quyền tự chủ của mình nên còn nhiều vướng mắc.

“Trường đại học tự chủ là con đường tất yếu phải làm, không vội vàng nhưng cần khẩn trương, quyết liệt với quan điểm lớn nhất là nâng cao chất lượng đào tạo. Tự chủ không có nghĩa Nhà nước 'buông', các trường muốn làm gì thì làm” – Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, tự chủ phải gắn liền trách nhiệm giải trình, kiểm định công khai và chặt chẽ tất cả các trường, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt nặng hơn. Bộ GD&ĐT phải ra quy định cho các trường tự chủ công khai, không được giấu diếm theo tinh thần "nói ra sự thật mới là cách để tháo gỡ".

Sẽ hết thời đại học 'lấy mỡ nó rán nó'

Với quy định mới về chỉ tiêu tuyển sinh, giáo dục đại học sẽ qua thời "ăn đong" theo kiểu "lấy mỡ nó rán nó". Có thể không tránh khỏi hệ lụy "xin - cho", nhưng là tín hiệu tốt.

Đề nghị Bộ GD&ĐT tạo ngân hàng đề thi cho các trường

Đại diện Đại học Kinh tế Quốc dân nêu ý kiến, năm 2015, tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Việc xét tuyển vào đại học chính quy hiện nay khiến các trường đại học thí điểm tự chủ gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Điều này đòi hỏi các trường cần cân nhắc có phương án xét tuyển riêng, phù hợp đặc điểm của từng ngành đào tạo.

Vì vậy, nhiều trường đề nghị Bộ GD&ĐT có đơn vị chuyên môn đảm nhận cung cấp dịch vụ đề thi, tổ chức thi lấy kết quả nhiều đợt trong năm.

Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đề nghị Bộ GD&ĐT sớm hoàn thành và công bố việc xếp hạng các trường đại học để người học và xã hội thấy sự khác biệt giữa các trường, từ đó đồng thuận với mức thu học phí của trường đại học tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.

Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội có ý kiến đề nghị có hướng dẫn cho trường đại học công lập hoạt động theo mô hình không có cơ quan chủ quản.

Phó thủ tướng chỉ đạo tổ chức cụm thi quốc gia ở các tỉnh

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ GD&ĐT tổ chức các cụm thi ở tất cả tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tránh tình trạng thí sinh phải di chuyển sang tỉnh khác dự thi.


Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm