Ngày 1/2, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016.
Theo đó, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến của các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, hoàn thiện và sớm công bố phương án thi THPT năm 2016.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam động viên phụ huynh đứng chờ con trước cổng trường trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Hoàng Anh. |
Ngành giáo dục có giải pháp khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập trong công tác tổ chức thi, công bố kết quả thi và sử dụng kết quả thi để tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu tổ chức các cụm thi ở tất cả tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tránh tình trạng thí sinh phải di chuyển sang tỉnh khác dự thi. Đối với một số địa bàn giáp ranh, thí sinh có thể đăng ký dự thi ở cụm của địa phương thuận lợi hơn.
Công văn cũng đề cập việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin ở tất cả các khâu, nhất là liên quan tuyển sinh đại học, cao đẳng; đề cao trách nhiệm, tính tự chủ của các trường đại học, cao đẳng trong việc tuyển sinh, không để tình trạng thí sinh phải đi lại, thay đổi nguyện vọng, hồ sơ…
Bộ GD&ĐT cũng được yêu cầu chú trọng làm tốt công tác thông tin và chỉ đạo các trường đại học (nhất là các trường đông thí sinh đăng ký xét tuyển), cung cấp đầy đủ, kịp thời, dễ hiểu thông tin liên quan và sử dụng kết quả kỳ thi trong tuyển sinh; theo dõi sát diễn biến, có phương án xử lý kịp thời, không để xảy ra tình trạng căng thẳng (như ở tại một số trường đại học năm 2015), gây bức xúc xã hội.
Trước đó, trong phiên họp thường kỳ tháng 1 của Chính phủ ngày 29/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo phải tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ tốt nhất cho học sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2016, giảm chi phí, tốn kém nhưng vẫn bảo đảm chất lượng.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT sớm công bố kế hoạch thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016, tiếp tục thực hiện đổi mới thi cử theo đúng chủ trương của Trung ương và trên tinh thần nghiêm túc, cầu thị, tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho phụ huynh, học sinh, song phải bảo đảm chất lượng, giảm chi phí, ít tốn kém cho Nhà nước và nhân dân.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, mỗi tỉnh nên có ít nhất một cụm thi, tạo thuận lợi cho địa phương, chứ không chỉ có 38 cụm thi quốc gia như năm ngoái.