Trước chất vấn của đại biểu Quốc hội về lãng phí sách giáo khoa (SGK), Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận tình trạng này có thật.
Theo ông, một trong những nguyên nhân gây lãng phí nằm ở thiết kế SGK hiện hành có nhiều bài tập khiến học sinh viết, vẽ trực tiếp, dẫn đến không sử dụng được nhiều lần, gây lãng phí.
Bộ trưởng nhận trách nhiệm về lãng phí sách giáo khoa
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích việc thiết kế này mang tính chuyên môn, được các tác giả tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, nhưng trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo, nên chưa phù hợp và gây lãng phí.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các giải pháp nhằm hạn chế lãng phí, hướng dẫn thầy cô không cho học sinh viết vào một số sách mà ghi vào vở. Bộ cũng tổ chức tập huấn giáo viên, hướng dẫn học sinh dùng SGK bền lâu. Tuy nhiên, kết quả của những giải pháp nêu trên còn hạn chế. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm về vấn đề này.
Ông nói thêm trước phản ánh của đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận, bộ đã tiếp thu, ban hành chỉ thị 3798, chỉ đạo các cơ sở giáo dục sử dụng SGK hợp lý, hướng dẫn học sinh biết giữ gìn SGK.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng thiết kế SGK mang tính chuyên môn, được các tác giả tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, nhưng trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo, nên chưa phù hợp và gây lãng phí. Ảnh: Ngọc Duy. |
Sắp tới, khi biên soạn SGK mới, bộ yêu cầu các NXB thiết kế theo hướng hạn chế viết, vẽ trực tiếp vào sách. Đồng thời, bộ đề nghị các trường phát động phong trào giữ gìn SGK, đặc biệt là quyên góp, xây dựng thư viện SGK để học sinh được sử dụng miễn phí, hỗ trợ vùng khó khăn. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều nước.
Trước đó, trong phiên chất vấn chiều 31/10, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (đoàn Bình Thuận) đặt câu hỏi về tình trạng lãng phí SGK và đề nghị Bộ trưởng GD&ĐT cho biết thực trạng, trách nhiệm, cũng như giải pháp khắc phục.
Vấn đề này cũng nhiều lần được nhắc đến trong phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi sáng 12/9. Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết cử tri rất bức xúc vì SGK chỉ sử dụng một lần, quá lãng phí.
Riêng năm học 2018-2019, NXB Giáo dục Việt Nam phát hành 100 triệu bản SGK nhưng gần như không sử dụng được cho năm học tiếp theo, chỉ có thể bán giấy vụn. Bà cũng đặt nghi vấn về tình trạng độc quyền dẫn đến lãng phí SGK.
3 nhóm giải pháp ngăn chặn tiêu cực thi THPT quốc gia
Cũng trong sáng nay, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (đoàn Bắc Kạn) chất vấn về sơ hở trong công tác bảo mật, dẫn đến tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Bà đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về những giải pháp căn cơ nhằm đảm bảo kỳ thi đạt hiệu quả cao hơn.
Ông Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ GD&ĐT đã rà soát quy trình của kỳ thi và đưa ra giải pháp, trong đó có 3 nhóm căn cơ.
Thứ nhất, bộ cần xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa theo hướng phong phú về số lượng và nâng cao chất lượng câu hỏi để xây dựng bài thi chuẩn hóa, bám sát đánh giá năng lực của học sinh THPT và có sự phân hóa nhất định để làm căn cứ cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 29.
Tư lệnh ngành giáo dục cho rằng giải pháp này mang tính trước mắt và cả lâu dài, hết sức quan trọng, theo đúng cách làm của quốc tế.
Nhóm giải pháp thứ hai là chấm thi để không có lỗ hổng bị lợi dụng. Bộ đã thực hiện các biện pháp công nghệ với tính khả thi cao.
Nhóm giải pháp thứ ba là siết chặt quy trình tổ chức thi, đặc biệt công tác coi thi, chấm thi minh bạch, công khai.
“Với 3 nhóm giải pháp trên, chúng tôi có độ chắc chắn trong thực hiện kỳ thi THPT quốc gia theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 29 và hoàn thiện theo từng năm, tiến tới kỳ thi trung thực, khách quan, giảm áp lực cho xã hội, cũng như tạo sự công bằng cho thí sinh”, ông Nhạ khẳng định.
Không thể nói giáo dục không có triết lý
Liên quan vấn đề triết lý giáo dục, đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) hỏi: "Thưa Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, theo phó thủ tướng, nước ta có cần chính thức có một triết lý giáo dục hay không. Nếu có, bao giờ chúng ta xúc tiến việc này? Nếu không, xin phó thủ tướng cho biết tại sao?".
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói không thể nói giáo dục nước ta không có triết lý. Nước ta phát triển có triết lý, nền giáo dục cũng có triết lý.
Các nước trên thế giới đều có triết lý của mình. Một số nước đúc kết thành câu ngắn gọn, dễ hiểu để nhấn trọng tâm. Nước ta có rất nhiều câu, dễ thấy nhất là quốc hiệu, trước là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, bây giờ là “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Chúng ta tìm thấy trong đó như một triết lý.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam có triết lý giáo dục. Ảnh: Ngọc Duy. |
Phó thủ tướng khẳng định giáo dục có nhiều câu như phát triển con người đức, trí, thể, mỹ. Nước ta cũng đề cập đầy đủ 4 trụ cột giáo dục UNESCO hay 4 mục tiêu học để biết, học để làm việc, học để chung sống và học để khẳng định mình.
Gần đây, UNESCO bắt đầu đưa vào trụ cột thứ 5 học để thay đổi mình và thay đổi thế giới tốt đẹp hơn. Những điều này nằm trong Nghị quyết hay văn bản có tính chất quy phạm pháp luật.
Tới đây, khi bàn sửa Luật Giáo dục, một trong những điều đầu tiên của luật là mục tiêu giáo dục. Ông Vũ Đức Đam nói thêm Chính phủ, cũng như Bộ GD&ĐT, đã chỉ đạo nhiều cuộc thảo luận để đưa vào cô đọng nhất những vấn đề có tính triết lý của giáo dục Việt Nam.
“Tôi khẳng định lại giáo dục Việt Nam có triết lý của mình chứ không thể nói không có triết lý”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó thủ tướng kiến nghị đại biểu nếu quan tâm có thể tham gia các buổi trao đổi mà Bộ GD&ĐT và nhiều hiệp hội đang thảo luận sôi nổi để đóng góp cho Luật Giáo dục.
Trong phần tranh luận, đại biểu Nguyễn Huy Thái cho rằng nếu không chọn một câu cho triết lý giáo dục, cần có lý do. Nếu khẳng định nước ta có triết lý giáo dục, cần phải công bố chính thức để triết lý có cơ sở pháp lý. Triết lý của một quốc gia phải chính danh. Đây là câu ngắn gọn, làm định hướng vận hành cho ngành giáo dục và mọi hoạt động liên quan giáo dục.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái dẫn một số ý kiến cho rằng sở dĩ ngành giáo dục đào tạo nước ta, bên cạnh các thành tựu, còn những lúng túng, bất cập, hạn chế kéo dài hàng chục năm, là do chưa có triết lý giáo dục. Ông hy vọng sẽ sớm có hội thảo để bàn bạc và thống nhất triết lý giáo dục.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) cũng trao đổi thêm về vấn đề này. Ông đồng tình nước ta có triết lý giáo dục được thể hiện qua mục tiêu, nguyên lý, tính chất giáo dục. Tuy nhiên, triết lý này cần rút ra ở tầm triết học, vừa ngắn gọn, dễ hiểu.
Cải cách giáo dục cũng cần đi đúng hướng theo triết lý giáo dục để người dân và toàn xã hội hiểu, thực hiện nền giáo dục, đào tạo nhân lực có trọng điểm. Điều này các nước khác đã thực hiện.