Công điện nêu rõ, trong đợt tuyển sinh đại học, cao đẳng nguyện vọng 1 đang diễn ra, nhiều trường và sở GD&ĐT đã thể hiện tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”. Các thầy, cô giáo đã khắc phục nhiều khó khăn, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh đủ thông tin để đăng ký xét tuyển và thay đổi nguyện vọng.
Dự kiến trong những ngày cuối của đợt xét tuyển, từ 17 đến 20/8, số lượng thí sinh đến các trường để nộp, rút đăng ký xét tuyển có thể rất đông.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường huy động đủ nhân lực, tập trung phương tiện kỹ thuật, tăng thời gian làm việc hàng ngày… để tiếp nhận và rút hồ sơ đăng ký xét tuyển theo yêu cầu của thí sinh trong các ngày từ 17-20/8.
Các trường chỉ đạo cán bộ tham gia công tác tuyển sinh chủ động phân loại, sắp xếp, quản lý hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh có điểm thấp hơn mức điểm trong phạm vi chỉ tiêu tuyển sinh để việc rút hồ sơ được thuận lợi, nhanh chóng.
Các trường kịp thời phản ảnh về Bộ GD&ĐT (qua Vụ Giáo dục Đại học và Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng) các vấn đề phát sinh để có giải pháp.
Trước đó, báo chí phản ánh nhiều thí sinh vất vả nộp - rút hồ sơ đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Những em ở vùng sâu, xa phải lên thành phố thuê nhà trọ để rút và nộp hồ sơ, rất tốn kém.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD&ĐT đã tính toán đến khả năng thí sinh rút hồ sơ nhiều, tuy nhiên chỉ diễn ra ở một số trường đại học lớn. Các em nên liệu sức mình để nộp vào trường phù hợp để khỏi phải nộp - rút nhiều lần.
"Dù các em đã được tư vấn, định hình nghề nghiệp trong tương lai, nhưng vẫn còn một số thí sinh chọn nghề theo số đông. Những em này khi đỗ vào trường học sẽ rất vất vả, dẫn đến nản chí và bỏ học giữa chừng", ông Ga cảnh báo.
Đại diện Bộ GD&ĐT cũng khuyên các em không nên chọn ngành theo điểm số mà trước tiên cần dựa vào sở trường, sở thích. Khi đã chọn được ngành học theo sở thích, các em vẫn còn rất nhiều lựa chọn. Bởi cùng một ngành sẽ có nhiều trường đào tạo, các em nên chọn những trường có điểm trúng tuyển phù hợp với mức điểm của mình.