Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Giáo dục: 'Đưa tin tiêu cực khiến thí sinh sốc'

Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận đề nghị báo chí cần thận trọng, vừa nghe đã vội đưa tin, như chuyện học sinh đưa lên mạng lộ đề, chưa kiểm chứng sẽ gây sốc đối với em khác đang làm bài.

Bộ trưởng Giáo dục: 'Đưa tin tiêu cực khiến thí sinh sốc'

Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận đề nghị báo chí cần thận trọng, vừa nghe đã vội đưa tin, như chuyện học sinh đưa lên mạng lộ đề, chưa kiểm chứng sẽ gây sốc đối với em khác đang làm bài.

Sáng nay (21/5), bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có giải thích với báo chí xung quanh văn bản 2998/2013 do chính ông ký gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013 nêu rõ người đứng đầu chính quyền tỉnh thành phải có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan truyền thông trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi đăng tải các thông tin nhạy cảm liên quan đến thi cử như lộ đề, đề thi có sai sót, tiêu cực trong kỳ thi... (nếu có).

 
 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội sáng 21/5.

- Dư luận, người trong ngành giáo dục và báo giới cho rằng văn bản số 2998 do ông ký gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 là “bó chân” báo chí trong phản ánh kịp thời tiêu cực trong thi cử, thưa ông?

-  Không ai nói là cấm đăng tin, tôi vẫn quyết định cho mang phương tiện ghi âm, ghi hình và phản ảnh, đưa tin. Các bạn phóng viên nhận được những thông tin đó thì cứ đăng, thậm chí là phản ảnh với trường, với Bộ. Nơi nào đó tiếp nhận mà không xử lý thì báo chí cứ phản ảnh và đăng cả những thông tin chúng tôi đã phản ảnh mà cơ quan này, ông này bà kia không xử lý thông tin thấu đáo về những tiêu cực trong giáo dục.

Tôi đề nghị các địa phương trao đổi để các cơ quan báo chí cân nhắc việc đó để phối hợp và không có giới hạn việc đưa thông tin sai phạm trong thi cử lên mặt báo. Báo chí phản ảnh sẽ tạo nên sức ép để cả xã hội đấu tranh với chuyện tiêu cực trong giáo dục một cách sát sao. Nhưng tôi cho rằng khi báo chí đưa tin cần thận trọng, nhiều khi nghe thông tin là đưa ngay, nhất là lúc các em học sinh đang làm bài mà tiếp nhận được thông tin ấy là sốc, không làm được bài.

Tôi cho rằng báo chí có thể trao đổi với công an và cơ quan thanh tra về GD-ĐT và phối hợp điều tra, xác minh, bóc tách để xử lý. Nếu các bạn đã cung cấp rồi và chỗ nào đó nhận tin mà ỉm đi và không xử lý, các bạn đăng lên là chúng tôi đã báo cáo chỗ này, chỗ kia nhưng không xử lý thì Bộ không bao giờ bao che. Chúng ta nên chống tiêu cực trong giáo dục một cách có trách nhiệm, chất lượng để đảm bảo môi trường thi cử cho các em học sinh được yên tĩnh và chúng ta không bị những thông tin của những người hoặc vô tình hoặc cố ý làm mất ổn định môi trường sư phạm.

Bộ GD-ĐT đã có thông báo chỉ đạo các cơ quan báo chí trao đổi kỹ với cơ quan có trách nhiệm trước khi đăng tin về những sai phạm, tiêu cực trong thi cử là để cân nhắc cho kỹ và định hướng dư luận cho chuẩn. Vì đã có hiện tượng báo này, báo kia, nhất là các báo “mạng”, nghe là đăng, xong mai sự việc không có thật lại đăng là không có. Việc này để lại hậu quả cho các em học sinh vì không có môi trường yên tĩnh để làm bài thi bởi những thông tin sai sự thật về tiêu cực, gian lận trong thi cử.

- Thông tin cần có nhiều thời gian để xử lý, thẩm định kỹ, theo ông là sao?

- Không có gì vội trong vấn đề xử lý sai phạm, xử lý thông tin về sai phạm. Nếu đã có chứng cứ thì một hai ngày sau xử lý chứ có mất gì đâu. Còn nếu sau một ngày mà không thể xác minh được nữa thì đó là chúng ta phải rút kinh nghiệm về mặt nghiệp vụ. Đưa ngay lên để người ta sốc thì không có lợi.

- Năm nay là năm đầu tiên ngành giáo dục thực hiện việc phòng chống gian lận thi cử bằng quy định cho phép mang các thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi, ông đánh giá tác động của việc thực hiện vấn đề này?

- Tác động trước hết về mặt tâm lý, rằng tất cả những điều quy định trong quy chế thi cử cho tới thời điểm hiện nay đều với một giả thiết là thầy giáo và cán bộ quản lý tốt, khi giám sát học sinh nghiêm chỉnh.

Thực tế có thầy giáo cũng vi phạm và cán bộ quản lý, chỉ đạo cũng vi phạm. Tuy nhiên, quy chế hiện nay chưa có giám sát này, mới chỉ có cách ly vòng ngoài, vòng trong nhưng các vòng này không tốt.

Theo tôi, việc cho phép mang các thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi là chúng ta tạo nên một sự giám sát thôi. Học sinh cũng là một chủ thể của nhà trường, cũng có thể có những gian lận vi phạm của học sinh, nhưng học sinh nhiều em tốt, trung thực và đấu tranh thì không có lý gì chúng ta không sử dụng lực lượng đấy. Thầy cô giáo cũng cảm thấy trên đầu có một sự giám sát, một chiếc camera vô hình nào đó, nhất định sẽ phải nghiêm chỉnh.

Mặt khác, những học sinh trung thực, dám đấu tranh chống tiêu cực phải động viên các cháu. Chúng ta tôn vinh những học sinh tốt nhặt của rơi trả người mất, học giỏi, chăm ngoan thì cũng phải biểu dương, bảo vệ những em học sinh dám đấu tranh với tiêu cực.

Việc học sinh phát hiện tiêu cực có thể không thể hiện được ở con số vụ bắt được, nhưng có giá trị vô hình đối với các thầy cô giáo có ý định tiêu cực. Tôi được phản ảnh thầy cô giáo cũng đã không đứng nói chuyện và quy định không được ra ngoài nói chuyện với giám thị hành lang trong khi trông thi. Nếu đứng ra túm tụm, học sinh quay cho lên hình là thầy cô sợ ngay. Như vậy là có một sự giám sát đối với lực lượng thực thi công vụ, không phải lực lượng thực thi công vụ giám sát các cháu học sinh.

- Những vụ tiêu cực trong thi cử mà báo chí nêu lên trong thời gian vừa qua đã được Bộ xử lý như thế nào?

- Phần lớn những vụ tiêu cực chúng tôi xử lý vừa rồi là do báo chí đưa tin. Nhiều nhà báo cung cấp cho chúng tôi cả băng ghi âm, bài viết và nhiều tư liệu và báo chí cũng công nhận Bộ đã xử lý rất nghiêm túc những sai phạm.

Báo chí là lực lượng đắc lực phục vụ cho công cuộc đấu tranh chống tiêu cực của ngành giáo dục. Tôi đã có lời cảm ơn chính thức với các cơ quan báo chí. Những phát hiện do ngành giáo dục tự chủ động phát hiện sai phạm còn ít. Gần đây, Bộ đã bắt đầu rút kinh nghiệm và kiểm tra xử lý một số trường sai phạm.

- Ông nói trong ngành giáo dục chưa phát hiện được những sai phạm thì nên làm thế nào để tự ngành đấu tranh với tiêu cực?

- Chúng tôi đang triển khai mạnh mẽ việc này và trong khi nó chưa có hiệu quả thì đã phải sử dụng vấn đề khác là báo chí phát hiện, cung cấp thông tin cho ngành giáo dục.

- Các văn bản mới quy định chống tiêu cực trong thi cử đã được ban hành, ông hy vọng kỳ thi tới sẽ như thế nào?

- Phải từng bước một đấu tranh, tất nhiên là “vỏ quýt dày móng tay nhọn”, bởi khi ta đưa ra chính sách đấu tranh chống tiêu cực, những kẻ tiêu cực lại có thủ đoạn khác để đối phó. Cho nên, phải kiên trì, không thể có phương thuốc chữa hết bệnh ngay được.

Chúng ta phải đưa ra các giải pháp, theo dõi tình hình thực tế. Nếu thấy phù hợp thì tiếp tục đẩy mạnh, thấy chỗ nào chưa phù hợp lại tiếp tục điều chỉnh. Nếu bộc lộ hiện tượng mới, phải cập nhật và bổ sung, nhất là trong điều kiện công nghệ mới. Chúng ta không chỉ đấu tranh về mặt đạo đức, mà phải cả về công nghệ, kỹ thuật và trách nhiệm. Bên cạnh đó, phải kiên trì cập nhật, phân tích tình hình tiêu cực để xử lý.

- Bộ đã thành lập cơ quan nào để báo chí và mọi người dân cung cấp thông tin những tiêu cực, sai phạm trong giáo dục?

- Bộ có Thanh tra thường trực vấn đề này. Vào kỳ thi, có Thường trực Ban chỉ đạo thi và công bố công khai các số điện thoại của cơ quan và người có trách nhiệm tiếp nhận thông tin để xử lý. Đấu tranh chống tiêu cực mà hành chính hóa là không ổn, có thể bằng công văn, thư, mail, điện thoại để cung cấp thông tin về tiêu cực trong giáo dục. Chúng tôi thực hiện đúng theo quy định của báo chí là không bao giờ lấy thông tin về cá nhân người cung cấp tin và chỉ lấy sự kiện vi phạm để xử lý, phối hợp với phóng viên và các báo để điều tra tiếp. Tôi biết đã có những phóng viên đóng vai người học vào ngồi học để cung cấp tài liệu về tiêu cực cho chúng tôi và chúng ta phải bảo mật người cung cấp tin.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Bộ GD-ĐT kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực trong thi cử, không loại trừ cả cơ quan quản lý và thầy cô giáo.

Mặc dù thầy cô giáo phản đối nhưng Bộ đã họp với thầy cô hiệu trưởng các trường và quyết định cho mang phương tiện ghi âm, ghi hình vào phòng thi và chỉ không được phát trực tiếp thôi. Việc làm này nhằm lấy chứng cứ tiêu cực để xử lý kiên quyết.

 

Theo Người Lao Động

 

Theo Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm