Mở màn phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sáng nay, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho hay đã nhận được 18 câu hỏi về đào tạo, tuyển sinh, sinh viên thất nghiệp, quyết toán ngân sách giáo dục đại học, giáo dục đạo đức lối sống, thi tốt nghiệp THPT, đăng ký thi tốt nghiệp môn Lịch sử, đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Nhiều câu hỏi đã được Bộ trưởng trả lời bằng văn bản.
Trước câu hỏi về việc tại sao Bộ GD&ĐT lại quy định môn Ngoại ngữ từ bắt buộc sang tự chọn trong khi trình độ của học sinh, sinh viên đang rất yếu kém, Bộ trưởng Luận bày tỏ: "Sau khi khảo sát các môn học, chúng tôi nhận thấy rằng cách dạy học, thi Ngoại ngữ của giáo dục Việt Nam không giống ai trên thế giới. Chúng ta dạy chủ yếu ngữ pháp, vì vậy học hết phổ thông các học sinh cũng không thể giao tiếp với người nước ngoài. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ lại chưa đạt chuẩn, nhiều cháu đi học thêm tại các trung tâm, phát âm rất chuẩn nhưng về lớp học lại bị cô chê".
Vì vậy, thời gian tới, Bộ Giáo dục tập trung vào đào tạo lại giáo viên, xây dựng chương trình, sách giáo khoa, cách dạy và học mới. Đến khi nào công việc được thực hiện đầy đủ, đúng hướng có thể Bộ sẽ bắt buộc học sinh phải thi Ngoại ngữ.
Nêu thực trạng nhiều học sinh THCS chưa đọc thông, viết thạo nhưng vẫn được lên lớp, thậm chí xếp loại khá và tỷ lệ học sinh khá giỏi ngày càng nhiều, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi: "Liệu kết quả đó có phản ánh chất lượng giáo dục?"
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thẳng thắn thừa nhận, kết quả này có liên quan đến bệnh thành tích. Vì vậy, Bộ Giáo dục đã loại bỏ các quy định đánh giá giáo viên, cơ sở giáo dục dựa vào thành tích của người học. Ngoài ra, ngành giáo dục đã triển khai giảng dạy chương trình tiếng Việt mới, đảm bảo các học sinh hết lớp 1 có thể viết đúng chính tả, hết lớp 2 không tái mù chữ, viết đúng câu, kể cả con em người dân tộc thiểu số.
Sẽ tiếp tục đổi mới thi tốt nghiệp THPT
Vấn đề đổi mới thi tốt nghiệp THPT được nhiều đại biểu quan tâm và cho rằng, việc Bộ Giáo dục cho học sinh tự chọn, giảm số lượng môn thi sẽ dẫn đến tình trạng học lệch, phát triển không toàn diện.
Phản bác lại ý kiến này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, việc đổi mới này sẽ chú trọng tới sự phát triển của học sinh. Hơn nữa việc đánh giá tốt nghiệp THPT gồm quá trình học và kết quả thi nên sẽ khắc phục tình trạng dạy và học đối phó, định hướng nghề nghiệp và phát huy năng lực của các em.
"Kỳ thi tốt nghiệp vẫn sẽ tiếp tục được thay đổi, điều chỉnh nội dung đề thi để kiểm tra tốt hơn năng lực học sinh. Việc làm này sẽ tiến tới tổ chức một kỳ thi quốc gia làm cả hai nhiệm vụ đánh giá tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Bộ sẽ sớm công bố những thay đổi này để không gây sốc, bất ngờ cho thí sinh", lãnh đạo ngành Giáo dục chia sẻ thêm.
Theo ông Luận, đối với hiện tượng hội đồng chỉ có một thí sinh, cần cân nhắc để thay đổi việc tổ chức thi đạt hiệu qua cao hơn, nhưng điều đó biểu hiện quá trình dạy và học đã thay đổi: giáo viên sẽ chú ý hơn đến năng lực từng học sinh, thay vì dạy cho cả lớp.
Nhận trách nhiệm 72.000 cử nhân thất nghiệp
Trả lời câu hỏi về trách nhiệm liên quan đến hơn 72.000 cử nhân thất nghiệp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thẳng thắn: "Bộ GD&ĐT và các trường nằm trong phần cung của thị trường lao động. Vì vậy, để một lượng lớn sinh viên thất nghiệp có trách nhiệm của Bộ do trong thời gian dài đã chú trọng quy mô mà chưa đảm bảo chất lượng, các ngành đào tạo lại chưa gắn liền với thực tế sản xuất".
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Giáo dục hạn chế việc mở ngành mới trong các lĩnh vực thị trường đã bão hòa nhân lực như kinh doanh, tài chính, ngân hàng, sư phạm. Ngoài ra, các điều kiện để thành lập trường mới được nâng cao, kiểm tra thường xuyên. Vừa qua, Bộ cũng đã có quyết định dừng tuyển sinh nhiều ngành để yêu cầu củng cố cơ sở vật chất, giảng viên cơ hữu. Đồng thời, Thủ tướng đã chấp nhận việc điều chỉnh tỷ lệ 450 sinh viên/1 vạn dân xuống còn trên 200 sinh viên/1 vạn dân.
Không bỏ điểm sàn thi đại học, cao đẳng
Ba tuần trước kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2014, nhiều đại biểu băn khoăn việc bỏ điểm sàn liệu có gây ra tình trạng các trường ế thí sinh sẽ tuyển ồ ạt, ảnh hưởng đến chất lượng và nguồn nhân lực sau này.
Bộ trưởng Luận lập tức trấn an: "Chúng tôi không bỏ điểm sàn đại học cao đẳng mà chỉ thay đổi thành nhiều mức khác nhau. Tuy nhiên, mức tối thiểu cũng không hạ thấp tiêu chuẩn, yêu cầu so với các năm trước. Việc này sẽ giúp phân tầng giáo dục đại học thành các mức chất lượng khác nhau để thông báo cho xã hội".
Chính sách cho sinh viên sư phạm không còn hấp dẫn
Nhìn nhận đội ngũ giáo viên là nhân tố quan trọng của quá trình đổi mới, nhưng gần đây số lượng người giỏi học ngành sư phạm ngày càng ít, nhiều trường, thí sinh chỉ cần đạt 13-14 điểm là đỗ vào ngành này, đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, nguyên nhân là do chính sách với các trường cũng như sinh viên sư phạm đã lạc hậu.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Bộ đã có ý kiến với Quốc hội phải thay đổi chính sách dành cho đối tượng này. "Việc miễn giảm học phí trước đây rất hiệu quả bởi trình độ phát triển xã hội khi đó còn thấp, nhưng gần đây, chính sách này không còn hấp dẫn. Vì vậy, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát lại mạng lưới đào tạo sư phạm cả nước để đưa ra giải pháp phù hợp", ông nói thêm.
Không rút ngắn chương trình phổ thông 12 năm
Sau giờ giải lao, 14h chiều nay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp tục giải đáp các thắc mắc của đại biểu Quốc hội. Bàn về thực trạng bệnh thành tích trong giáo dục, ông thừa nhận: “Việc nâng điểm bệnh thành tích trong giáo dục vẫn còn nhưng đã giảm và có biểu hiện tích cực”.
Nụ cười hiếm hoi đã xuất hiện trên khuôn mặt Bộ trưởng Luận khi ông chỉ ra những ví dụ điểm hình chứng minh sự thay đổi trong nhận thức của giáo viên, học sinh, phụ huynh về bệnh thành tích. Đó là việc phụ huynh phản đối giáo viên nâng điểm môn Lịch sử cho học sinh, hay trường sẵn sàng công bố lớp có 100% học sinh yếu kém.
Trả lời đại biểu Trịnh Ngọc Phương về đề nghị "rút ngắn chương trình phổ thông 12 năm", ông Luận cho hay, thời gian qua Bộ đã tổ chức rất nhiều hội thảo về vấn đề này. Việc xây dựng hệ thống giáo dục phải phụ thuộc vào mục tiêu. Học sinh phải được cung cấp kiến thức, kỹ năng đang thiếu như tin học, kỹ năng mềm nên thời gian tới vẫn tiếp tục duy trì hệ thống giáo dục quốc dân 12 năm.
Rồi ông lấy ví dụ, trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Philippines, người đứng đầu nước này cho biết sẽ chuyển hệ thống giáo dục từ 11 năm sang 12 năm. Điều đó khẳng định trên thế giới có nhiều xu hướng khác nhau trong việc xây dựng hệ thống.
Dưới hội trường, nhiều đại biểu, trong đó có Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng cười và gật đầu tỏ vẻ đồng tình với lập luận của vị tư lệnh ngành Giáo dục.
Vụ 34.000 tỷ đồng: giải thích để tránh bị hiểu lầm
Mặc dù được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời riêng bằng văn bản nhưng đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) vẫn chưa hài lòng và tiếp tục đặt câu hỏi: "Dư luận cho rằng Bộ trưởng đã không kiểm soát được tình hình trong vụ trình đề án sách giáo khoa và con số 34.000 tỷ. Không kiểm soát được vì Thứ trưởng là lãnh đạo Bộ nói mà Bộ trưởng lại bảo không phải ý kiến của Bộ. Đây là một đề án chưa đúng đã trình ra. Giải thích của Bộ trưởng chưa thuyết phục. Bộ trưởng dự kiến khi nào sẽ trình đề án?”.
Từng giải thích vấn đề này ở chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời nên trong phiên trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Luận tiếp tục khẳng định: “Không có con số 34.000 tỷ trong hồ sơ của Bộ GD&ĐT trình Ủy ban thường vụ Quốc hội”.
Rồi lãnh đạo Bộ Giáo dục giải thích: "Con số này xuất hiện khi Ủy ban yêu cầu thảo luận, chất vấn giải trình rõ nội dung, và đại biểu Trương Thị Mai hỏi về vấn đề kinh phí. Trong tay Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lúc đó cũng không có con số này, mà do một đồng chí cấp vụ ngồi sau đưa lên một tờ giấy. Anh em dự một phiên họp trang nghiêm nên bị khớp, đọc lên con số 34.000 tỷ dù chưa bàn bạc thống nhất bên dưới. Sau đó, Bộ đã họp báo để giải trình rõ 34.000 tỷ là gồm nhiều việc không chỉ có đổi mới sách giáo khoa nhưng lại không khéo léo, gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận hy vọng, việc một lần nữa làm rõ vấn đề này trước Quốc hội và cử tri cả nước sẽ tránh bị hiểu lầm là “vẽ ra đề án để thất thoát tiền của nhân dân”. Những chia sẻ thật thà này của Bộ trưởng GD&ĐT khiến cả hội trường không nhịn được cười.