Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sớm xây dựng luật giáo viên

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, nhiệm kỳ này, ông sẽ sớm xây dựng luật giáo viên, giao quyền tự chủ hoạt động cho các trường đại học, tập trung đào tạo lại đội ngũ giáo viên.

Chiều 7/6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác Bộ GD&ĐT làm việc, kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại ĐH Sư phạm TP HCM. 

Tại buổi làm việc, ông Phùng Xuân Nhạ thông tin đến toàn thể cán bộ nhân viên nhà trường, Bộ đang đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Hiện nay, cả nước có 117 cơ sở đào tạo ngành sư phạm. Tuy nhiên, tình trạng hơn 70.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp là dấu hỏi lớn cho việc đào tạo.

Bộ trưởng Giáo dục cho biết, thực tế, giáo viên vẫn thiếu đội ngũ chuyên môn cao. Tiêu chuẩn giáo viên hiện nay đã khác, đòi hỏi cao hơn so với trước. Sắp tới, Bộ sẽ sớm quy hoạch nhóm các trường sư phạm để nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên. Từ 117 cơ sở đào tạo có thể rút xuống 89 cơ sở đạt tiêu chuẩn. 

Xay dung luat giao vien anh 1
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trồng cây lưu niệm trong chuyến thăm làm việc tại ĐH Sư phạm TP HCM. Ảnh: Phước Tuần.

Đối với hơn 1,3 triệu giáo viên và quản lý giáo dục hiện nay, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, bồi dưỡng và đào tạo lại giáo viên phổ thông chưa đạt chuẩn; xây dựng các bài giảng điện tử, phục vụ khóa đào tạo bồi dưỡng, đặc biệt là đào tạo lại giáo viên phổ thông. 

Khi một giảng viên đề cập trọng tâm, định hướng thay đổi giáo dục mà Bộ trưởng hướng đến, ông Nhạ cho biết đã bắt tay ngay vào việc thay đổi giáo dục toàn diện.

"Trong nhiệm kỳ của tôi, Bộ sẽ sớm xây dựng luật giáo viên để quản lý, hỗ trợ công tác giảng dạy của đội ngũ giáo viên, chứ hiện nay luật công chức chưa đầy đủ cho lực lượng này. Tôi cũng quyết tâm trả lại quyền tự chủ hoạt động cho các trường. Chắc chắn 5 năm tới, nhiều trường đại học không còn trực thuộc Bộ GD&ĐT như mô hình của Đại học Quốc gia", ông Nhạ nhấn mạnh. 

Theo người đứng đầu ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên ngoài biên chế rất lớn, nên không thể áp dụng luật công chức để quản lý được, cần xây dựng luật giáo viên để quản lý tốt hơn. 

Cũng trong buổi làm việc hôm nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung đổi mới 8 vấn đề trọng tâm. Ngoài nâng cao đội ngũ giáo viên, đào tạo lại lực lượng giáo viên, Bộ GD&ĐT rất quan tâm câu chuyện phân luồng học sinh, hướng học sinh đi học nghề để giảm áp lực cho các trường đại học, cao đẳng và đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Bộ cũng sẽ đẩy mạnh giáo dục môn tiếng Anh trong trường học, phấn đấu học sinh tốt nghiệp THPT phải sử dụng được tiếng Anh, khi ấy sẽ giảm gánh nặng cho các trường đại học. Đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục, áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Sáng 7/6, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ làm việc với lãnh đạo TP HCM, bàn về công tác phát triển giáo dục của TP. Người đứng đầu ngành giáo dục rất đồng tình với chỉ đạo giám đốc Sở GD&ĐT chấm dứt hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường của Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng. 

Ngày 6/6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT làm việc với ĐH Công nghệ TP HCM, trường THPT Lê Quý Đôn và tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm tại TP HCM.

Sẽ giao quyền công nhận tốt nghiệp THPT cho địa phương

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét phương án giao các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12.

Phước Tuần

Bạn có thể quan tâm