Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Tư pháp nói về vụ tiệm vàng bị tịch thu 20 viên kim cương

Đại diện Bộ Tư pháp nói tiệm vàng Thảo Lực bị xử phạt 70 triệu về hành vi kinh doanh kim cương không rõ xuất xứ nên bị tịch thu tang vật.

Liên quan vụ một công dân ở Cần Thơ đổi 100 USD ở tiệm vàng bị phạt 90 triệu đồng, chiều 29/10, bà Nguyễn Thị Minh Phương (Phó cục trưởng Cục xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp) cho biết sẽ đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp cơ quan liên quan sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 96/2014 - văn bản quy định mức xử phạt hành chính hành vi mua bán ngoại tệ tại điểm không được phép thu đổi ngoại tệ.

Theo bà Hương, mức phạt 90 triệu đồng cho hành vi mua bán ngoại tệ tại điểm không được phép thu đổi ngoại tệ và bị tịch thu tang vật là đúng quy định pháp luật. Theo điểm a khoản 24 Nghị định 96/2014, chế tài xử phạt hiện nay không căn cứ số lượng ngoại tệ bán ra. Cá nhân mua bán nhiều hay ít ngoại tệ tại điểm không được phép thu đổi ngoại tệ đều bị xử phạt theo mức 80-100 triệu đồng.

Trước việc khung xử phạt không căn cứ giá trị, số lượng tang vật hay mức độ hành vi người liên quan, đại diện Bộ Tư pháp nói nghị định thay thế hoặc sửa đổi Nghị định 96/2014 cần quy định các mức phạt khác dựa trên số lượng, giá trị tang vật.

Tich thu 20 vien kim cuong cua tiem vang anh 1
NHNN phải báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý vụ việc trước ngày 30/10. Ảnh minh họa.

Về việc Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) ký lệnh khám xét, thu giữ 20 viên kim cương của tiệm vàng liên quan vụ thu đổi, lãnh đạo Cục xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật cho biết do không có hồ sơ vụ việc nên Bộ Tư pháp không có cơ sở đánh giá tính hợp pháp về trình tự thủ tục xử phạt.

Theo hồ sơ Bộ Tư pháp có được thì Chủ tịch UBND căn cứ Nghị định 96, Nghị định 185 và các quy định khác về đo lường, chất lượng hàng hóa để phạt tiệm vàng Thảo Lực 295 triệu đồng và tịch thu 20 viên kim cương. Trong đó, có 70 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ xuất xứ.

Theo Bộ Tư pháp, quy định xử phạt hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ xuất xứ có hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật. Chính phủ có nghị định quy định trình tự xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, trong đó có tang vật vụ việc hành chính.

Vụ việc khởi nguồn cuối tháng 1/2018, khi ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ở Cần Thơ) bị bắt quả tang khi đổi 100 USD tại tiệm vàng Thảo Lực. Sau đó, ông Rê bị tịch thu gần 2,3 triệu đồng đã đổi được và phạt 90 triệu đồng vì mua bán ngoại tệ tại nơi không được thu đổi ngoại tệ. Tiệm vàng Thảo Lực cũng bị xử phạt hành chính, sau đó khám xét thu giữ 20 viên kim cương.

Sự việc nhận được sự quan tâm của dư luận. Ngày 27/10, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tính hợp pháp, hợp lý của việc UBND TP. Cần Thơ phạt người đổi 100 USD ở tiệm vàng và có kiến nghị cần thiết, phù hợp.

Về việc này, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết đơn vị đang có kế hoạch sửa đổi Nghị định 96/2014 trong năm nay theo hướng phân loại mức vi phạm để đưa ra mức xử lý.

Còn Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Cần Thơ nói sẽ đề xuất miễn, giảm tiền phạt cho ông Cà Rê và trả lại 100 USD cho người này. "Riêng đối với việc xử phạt tiệm vàng Thảo Lực là đúng quy định do nơi đây không được phép đổi ngoại tệ nhưng đã mua bán ngoại tệ và bị bắt quả tang", vị này nói.

Đề xuất trả tang vật và miễn giảm tiền phạt vụ đổi 100 USD ở Cần Thơ

Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Cần Thơ, lý do đề xuất miễn giảm tiền phạt và trả lại 100 USD vì ông Rê là thợ điện, kiến thức hiểu biết pháp luật hạn chế.

Bá Chiêm

Bạn có thể quan tâm