Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Bỏ văn phòng, cô gái 9X làm quản lý công ty Anh từ xa, kiếm gấp 3 lần

Nguyễn Tuyết Nhi (29 tuổi) làm việc online cho một doanh nghiệp có trụ sở tại Anh, hài lòng vì nhận lương USD tiêu tiền Việt, tận dụng thời gian linh hoạt để đi du lịch.

Tuyết Nhi đảm nhiệm vị trí SEO manager cho một doanh nghiệp tại Anh.

Trong cuộc trò chuyện với Tri Thức - Znews, Nguyễn Tuyết Nhi (sinh năm 1996, Hà Nội) chia sẻ về hành trình chuyển đổi từ vị trí nhân viên công sở sang nhân sự từ xa cho doanh nghiệp nước ngoài, cho biết nhận được lương cao và phúc lợi tốt, không muốn trở lại văn phòng.

Khác với nhiều nhân sự bắt đầu làm việc tại nhà trong giai đoạn đại dịch Covid-19, tôi tiếp cận với công việc từ xa vào năm 2023, gắn bó với vị trí này trong suốt 2 năm qua. Hiện nay, tôi đảm nhiệm vị trí SEO manager (quản lý SEO) cho một công ty chuyên về Content & Digital Marketing tại Anh.

Công ty đặt trụ sở chính ở London, nhưng thuê nhân sự trên toàn thế giới, mở rộng nguồn lực lao động. Với mức lương cao đến gấp 3 lần so với vị trí tương tự ở thị trường trong nước, đãi ngộ tốt, tôi hoàn toàn hài lòng, cũng không gặp rào cản lớn về chênh lệch múi giờ hay pháp lý.

Lương cao là lý do chính

Trước khi bắt đầu công việc hoàn toàn từ xa cho doanh nghiệp tại Anh, tôi làm việc trực tiếp cho một công ty Mỹ có chi nhánh tại Việt Nam. Tại đó, chúng tôi tập trung vào thị trường Mỹ.

Đến năm 2023, sau khi nghỉ việc, tôi tìm kiếm cơ hội mới trên mạng xã hội việc làm LinkedIn. Đây là nền tảng cho phép nhân sự tiếp cận với công việc tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Sau khi so sánh, tôi nhận thấy lương của công ty nước ngoài đặt trụ sở tại đất nước đó thường cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp trong nước hoặc tập đoàn đa quốc gia phát triển chi nhánh ở Việt Nam. Nhìn chung, thu nhập là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến quyết định chuyển đổi môi trường làm việc của tôi.

Đặc biệt, việc nhận lương theo USD và tiêu tiền Việt rất có lợi do chênh lệch tỷ giá. Bên cạnh thu nhập cao gấp 2-3 lần công việc trong nước, tôi còn hưởng nhiều lợi ích khác từ việc làm từ xa.

Đối với tôi, khả năng tiết kiệm thời gian tham gia giao thông mỗi ngày cũng là điều quan trọng. Với khoảng thời gian dôi ra, tôi hoàn toàn có thể hoàn thành nhiều đầu việc khác, tránh được cảnh mắc kẹt hàng tiếng đồng hồ trên đường với tiếng ồn và khói bụi.

Trước đây, nhiều ngày tôi tốn đến 1 tiếng lái xe, di chuyển vì tắc đường, dù nhà riêng chỉ cách văn phòng vỏn vẹn 5 km. Những ngày mưa nắng, việc ra đường càng trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra, sự thoải mái, linh động về mặt thời gian cũng là lý do giúp tôi gắn bó với công việc này. Tôi hoàn toàn có thể đi cà phê lúc 10h sáng, không chịu sự ràng buộc của khung giờ hành chính như nhân viên công sở.

Môi trường làm việc tương đối thoải mái, tôn trọng nhân viên và đặc biệt đa dạng văn hóa do nhân sự đến từ những quốc gia khác nhau. Từ đó, tôi có cơ hội tiếp cận với nhiều góc nhìn, quan điểm, luồng ý kiến khác biệt.

Doanh nghiệp châu Âu cũng đặc biệt quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân sự. Tôi được hưởng chế độ nghỉ ốm và nghỉ do áp lực, căng thẳng có lương, không giới hạn thời gian. Bên cạnh các ngày nghỉ giống Việt Nam, tôi cũng có thêm một tuần nghỉ Giáng sinh và một ngày nghỉ sinh nhật.

Ngoài ra, doanh nghiệp tại Anh của tôi trả lương vào ngày cuối cùng của tháng thay vì ngày 5 hoặc ngày 10 giống phần lớn công ty Việt Nam. Quy định này giúp nhân sự thuận tiện chi trả các khoản phí thường phải thanh toán vào đầu tháng.

Về công việc, công ty tôi không tổ chức họp vào Thứ 6 hàng tuần, giúp nhân sự có thời gian nghỉ ngơi trọn vẹn, tránh tạo áp lực vào ngày làm việc cuối cùng. Ngoài ra, tình trạng micro management (quản lý vi mô) cũng không xảy ra, đặc biệt đối với nhân sự quốc tế, làm việc từ xa như tôi.

Không ham hố YEP, team building

Tôi làm việc cho doanh nghiệp châu Âu, nên chỉ bị chênh lệch múi giờ 5-6 tiếng. Tất cả cuộc họp diễn ra vào buổi sáng tại trụ sở (tức là buổi chiều tại Việt Nam).

Vì vậy, khi tôi làm việc theo giờ hành chính tại Việt Nam, chúng tôi vẫn có 4-5 tiếng trao đổi thông tin mỗi ngày. Đó là lý do tôi có thể theo đuổi công việc này đến hiện nay.

Tôi cũng chưa từng gặp rào cản với các thủ tục pháp lý khi sống tại Việt Nam và làm việc cho công ty Anh.

nhan su tu xa,  doanh nghiep Anh,  cong ty Anh,  viec remote,  tuyen dung remote anh 3

Tuyết Nhi gặp gỡ đồng nghiệp tại Pháp trong chuyến đi châu Âu.

Vì doanh nghiệp của tôi không có trụ sở ở Việt Nam, nên không thể đóng bảo hiểm cho nhân viên. Tuy nhiên, công ty vẫn cộng phí bảo hiểm sức khỏe, khám bệnh vào lương hàng tháng.

Về thuế thu nhập cá nhân, tôi tìm hiểu 2 phương pháp nộp thuế, bao gồm hình thức tiền lương, tiền công khai báo theo tháng hoặc quý giống với nhân sự làm ở công ty Việt Nam và hình thức đăng ký kinh doanh nếu cung cấp nhiều dịch vụ. Các thủ tục đều rất đơn giản, không gây trở ngại.

Trong khi nhiều nhân sự cần các hoạt động gắn kết như YEP (viết tắt của “year end party”, tạm dịch: “tiệc tất niên”) hay team building, tôi không hứng thú với các sự kiện này. Tôi cũng gần 30 tuổi rồi, nên không còn ham hố những sự kiện giao lưu như vậy nữa.

Trước đây, khi làm nhân viên văn phòng, tôi cũng khá ngại tham gia các hoạt động này. Hơn nữa, tôi và đồng nghiệp hiện nay vẫn đặc biệt gắn kết dù làm việc theo hình thức online.

Khi đồng nghiệp đến Việt Nam hoặc tôi sang thăm đất nước các bạn, chúng tôi vẫn gặp gỡ, trò chuyện với nhau. Tôi từng gặp Head of Client Services (trưởng bộ phận Dịch vụ khách hàng) khi đến Lyon (Pháp).

Sau khoảng 2 năm gắn bó với công việc từ xa cho doanh nghiệp châu Âu, tôi không muốn trở lại văn phòng nữa. Công việc này cho phép tôi tự do di chuyển, thoải mái đi du lịch đến những địa điểm mong muốn, vừa làm việc vừa trải nghiệm văn hoá địa phương.

Thỉnh thoảng, tôi nhận công việc phụ nếu có thời gian, nhưng nhìn chung vẫn muốn cân bằng công việc - cuộc sống.

Cô gái TP.HCM làm thực tập sinh gần 2 năm, lương chỉ 3 triệu/tháng

Chấp nhận mức hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng gần 2 năm làm thực tập sinh ở hai doanh nghiệp, H.N. (TP.HCM) nhiều lần mong mỏi được nhận chính thức, nhưng cuối cùng phải rời đi.

Ưu tiên nhân viên tài năng hay thâm niên?

Có bao nhiêu người trong số nhân viên của bạn mà nếu tuyển dụng lại bạn sẽ chọn họ? Bao nhiêu trong số họ chỉ dừng ở mức tầm trung và bao nhiêu người bạn chỉ đang chịu đựng? Đó cũng là câu hỏi khiến hai tác giả Andreas Krebs và Paul Williams phải băn khoăn trong cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại.

Linh Vũ

Bạn có thể quan tâm