Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Bỏ vị trí quản lý ở Việt Nam để đến Mỹ học MBA

Học MBA, với chi phí thời gian và tiền bạc rất lớn, là một cuộc đầu tư đòi hỏi nhiều tính toán.

Năm 2017, Lê Uyên Thảo (hiện làm việc tại Amazon) từ bỏ vị trí quản lý với mức lương khoảng 30 triệu đồng ở Việt Nam để đến Mỹ theo đuổi chương trình MBA tại Đại học Rochester trong 2 năm.

Tổng học phí cho 2 năm học MBA của chị Thảo là khoảng 100.000 USD (gần 2,5 tỷ đồng). Ngoài học phí, chị Thảo ước tính chị phải bỏ thêm 30.000 USD sinh hoạt phí và khoảng 3.000-4.000 USD cho những khoản chi phí khác như bảo hiểm, phí du học sinh, phí hoạt động...

Đi học MBA là một sự đầu tư. Theo bảng xếp hạng các chương trình MBA của Financial Times năm 2022, học phí trung bình cho các chương trình MBA hàng đầu của Mỹ là 226.000 USD, trung bình 20 trường hàng đầu toàn thế giới là 189.000 USD. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của Graduate Management Admission Council (GMAC), mức lương trung bình của người có bằng MBA là 115.000 USD/năm. Số liệu của PayScale cho thấy lương trung bình của người tốt nghiệp MBA tại Mỹ là 92.000 USD/năm. Dù vậy, để đầu tư vào con đường này, người học sẽ cần một mức vốn khá lớn, trừ khi họ có học bổng toàn phần.

Anh Lê Quang Hưng, mentor của chị Thảo, nói rằng những bước đầu chuẩn bị cho việc học MBA rất quan trọng, đặc biệt trong khâu chọn trường để xin học bổng. Học phí MBA vốn đắt, nếu chuẩn bị không kỹ hoặc chọn sai trường, bạn rất khó để xin được học bổng cho 2 năm học tại Mỹ.

Chưa kể, việc chọn sai trường MBA dễ khiến bạn không có được những trải nghiệm học tập như mong muốn. Điều này cũng ảnh hưởng đáng kể đến cơ hội thực tập và tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Đối với chị Thảo, từ bỏ công việc và những cơ hội thăng tiến để học cao học là quyết định đúng đắn vì nó mở ra con đường cho chị được tuyển vào vị trí cao tại các công ty lớn tại Mỹ.

Chọn trường cũng là một thử thách

Quá trình chuẩn bị học MBA của chị bắt đầu từ việc học và thi GMAT. Sau khi có điểm thi, chị mới bắt đầu chọn trường, làm hồ sơ để xin học bổng. Chị nói rằng chị chờ có điểm GMAT rồi mới chọn trường vì đây là yếu tố quan trọng. Nếu điểm GMAT cao, chị sẽ có cơ hội vào những trường danh tiếng tại Mỹ và ngược lại. Việc có tốt nghiệp từ trường danh tiếng hay không sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến triển vọng nghề nghiệp sau này.

hoc MBA o My anh 1

Đạt 700 điểm GMAT giúp chị Thảo có thêm nhiều cơ hội chọn trường phù hợp. Ảnh: NVCC.

Năm đó, chị Thảo thi được 700/800 điểm GMAT. Đối với chị, đây là mức điểm cao, giúp chị có thêm nhiều cơ hội lựa chọn trường MBA phù hợp. Sau khi có điểm, chị bắt đầu chọn trường theo chiến lược tự xây dựng.

Chị Thảo ví việc chọn trường MBA cũng giống như việc học sinh Việt Nam đăng ký nguyện vọng vào đại học, tức là xếp nguyện vọng theo thứ tự từ trên xuống, từ những trường mong muốn nhất đến những trường ít mong muốn hơn.

Ban đầu, chị Thảo lập danh sách 10 trường MBA tại Mỹ rồi chia làm 3 nhóm. Nhóm đầu tiên gồm 2 trường có điểm GMAT trung bình cao hơn điểm thi và hồ sơ của chị cũng chưa đủ so với những yêu cầu trường đặt ra. Lý giải cho sự lựa chọn này, chị Thảo nói dù bản thân chưa đạt đủ tiêu chuẩn của trường, chị vẫn nghĩ bản thân có cơ hội trúng tuyển.

Nhóm thứ 2 chị Thảo đặt ra sẽ nhiều hơn, khoảng 5-6 trường. Khác với nhóm 1, các trường trong danh sách nhóm 2 sẽ có phần tiêu chí tuyển sinh đúng tầm khả năng của mình. Khi làm hồ sơ ứng tuyển vào những trường này, chị Thảo sẽ chăm chút hồ sơ kỹ hơn, sau đó dùng những kinh nghiệm đó để làm hồ sơ gửi đến những trường thuộc nhóm 1.

Nhóm còn lại được chị Thảo gọi là nhóm dự bị để đề phòng những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Thông thường, những trường thuộc nhóm 3 là trường có xếp hạng không quá cao, chị Thảo gần như đạt đủ tiêu chuẩn để trúng tuyển vào trường.

Về lý thuyết là như vậy, nhưng thực tế chị Thảo chỉ chọn 2 trong số 10 trường đó để nộp hồ sơ. Kết quả, chị trúng tuyển và nhận được học bổng 70%. 30% học phí còn lại chị được chính phủ Mỹ hỗ trợ vay ưu đãi dài hạn trong vòng 10 năm.

Tính toán kỹ để học phí không còn là gánh nặng

Học phí luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu khi bạn lên kế hoạch du học. Nếu không được nhận học bổng toàn phần, bạn càng phải tính toán kỹ hơn vì học phí MBA nói riêng và học phí du học tại các đại học ở Mỹ thường đắt, chưa kể phát sinh nhiều khoản khác như bảo hiểm, sinh hoạt phí, chi phí đi lại...

Investopedia nói rằng chi phí giáo dục đại học ở Mỹ tăng nhanh hơn tốc độ lạm phát. Những người học MBA tại nước này, đặc biệt tại các trường tư nhân, có nguy cơ tích lũy khoản nợ lên đến 100.000-200.000 USD.

Các trường MBA thường quảng cáo học phí chỉ khoảng 40.000 USD/năm, nhưng phần phí này chưa bao gồm 20.000 USD chi phí nội trú, tiền mua sách... Một số trường còn yêu cầu sinh viên mua máy tính, hoặc chi trả cho những chuyến tham quan tốn kém. Những khoản chi này có thể cao gấp đôi học phí.

Với những khoản tiền ngoài học phí, chị Thảo khuyên nên chuẩn bị sẵn tiền ở Việt Nam, không nên chờ đến khi sang Mỹ rồi mới kiếm việc làm thêm để trang trải chi tiêu.

Chị Thảo giải thích chương trình MBA rất bận, thời gian học lại rất ngắn. Nếu bạn qua Mỹ học mà lại gánh thêm nỗi lo về tài chính thì áp lực sẽ nhiều gấp đôi, khiến bạn khó hoàn thành việc học và tìm kiếm các cơ hội việc làm toàn thời gian.

"Nếu gia đình bạn có điều kiện, hoặc bạn có đủ tiền tiết kiệm, hoặc trường cho bạn sinh hoạt phí, vậy thì bạn không cần đi làm thêm. Bạn nên dành thời gian đó để học thêm, giao lưu hoặc kiếm công việc toàn thời gian", chị Thảo khuyên.

Cách khắc phục hồ sơ việc làm nếu không học trường top

Khi tuyển dụng, các công ty Mỹ sẽ đặt ra một số tiêu chuẩn cho ứng viên. Đầu tiên, họ sẽ xem xét ứng viên đó có từng học và làm việc trong lĩnh vực liên quan vị trí tuyển dụng, liệu công việc cũ ứng viên từng làm có giúp họ đảm nhận công việc mới hay không. Ngoài ra, công ty sẽ kiểm tra thời gian học MBA ở trường, học viên có hay không chọn những môn học giúp ích cho công việc.

Yếu tố thứ 2 các công ty đặt ra là kỹ năng giao tiếp. Ở phần này, ứng viên phải cho nhà tuyển dụng thấy bạn có khả năng giao tiếp tốt, tự tin, trình bày dễ hiểu.

Yếu tố thứ 3 và thứ 4 lần lượt là kỹ năng tư duy phản biện và cách bạn hòa nhập với công ty. Khi làm việc trong môi trường cạnh tranh, đa văn hóa, bạn phải thể hiện được bạn là người có tư duy tốt, thích ứng nhanh với môi trường và phù hợp với văn hóa công ty đặt ra.

hoc MBA o My anh 2

Lê Vũ từng bị loại vì hồ sơ không đủ mạnh, không học trường MBA top đầu. Ảnh: NVCC.

Thứ hạng của trường trên các bảng xếp hạng đại học cũng là một yếu tố quan trọng được các công ty quan tâm khi tuyển nhân sự. Thậm chí, một số công ty lớn tạo ra hệ thống lọc hồ sơ tự động, những hồ sơ không đạt đủ tiêu chuẩn về kinh nghiệm làm việc, hay đơn giản là không học trường MBA top đầu, sẽ bị loại ngay lập tức.

Lê Vũ (học MBA ở Đại học San Francisco vào năm 2019, hiện làm việc tại Qualcomm) từng gặp phải trường hợp như vậy. Vào kỳ thực tập mùa hè năm nhất, anh gửi hồ sơ đến các công ty để tìm kiếm cơ hội trở thành thực tập sinh. Một lần, anh vừa bấm gửi đơn thì hơn một phút sau anh nhận mail từ chối từ công ty vì không đáp ứng được những điều kiện qua máy lọc hồ sơ tự động.

Không học trường MBA top đầu của Mỹ là một bất lợi khi xin việc. Chị Uyên Thảo học trường Kinh doanh Simon của Đại học Rochester, được US News xếp hạng 33 trong danh sách trường đào tạo MBA của Mỹ. Trong khi đó, nơi Lê Vũ theo học chỉ được US News xếp hạng 101.

Dù học trường có thứ hạng không cao, Lê Vũ vẫn có cơ hội làm việc ở công ty lớn vì anh biết khắc phục những điểm trừ trong hồ sơ theo hai cách.

Cách đầu tiên là khắc phục bằng kinh nghiệm. Anh Vũ lấy ví dụ khi so sánh một người học Harvard Business School (hạng 5 trong xếp hạng trường MBA) nhưng chưa từng làm việc trong lĩnh vực tài chính với một người có trên 5 năm kinh nghiệm làm ở các công ty “big 4” dù chỉ học một trường top dưới, người thứ 2 vẫn có nhiều cơ hội được tuyển dụng hơn.

Kinh nghiệm 5 năm làm việc tại Việt Nam chính là điểm cộng giúp Lê Vũ làm đẹp hồ sơ và được các công ty để mắt dù không học trường MBA top đầu. Anh nói thêm khi phỏng vấn, nhà tuyển dụng chủ yếu thảo luận về hồ sơ và kinh nghiệm làm việc của ứng viên. Do đó, nếu có kinh nghiệm, bạn sẽ dễ thuyết phục nhà tuyển dụng hơn.

Cách thứ 2 là khắc phục bằng mạng lưới quan hệ. Có thể bạn không học trường top đầu, không phải người bản xứ, nhưng nếu bạn có mạng lưới quan hệ đủ mạnh, bạn vẫn có thể được giới thiệu những vị trí việc làm tốt, cơ hội được gọi đi phỏng vấn theo đó cũng khả quan hơn.

Do đó, anh Vũ khuyên những người học MBA nên học cách mở rộng kết nối, xây dựng và duy trì các mối quan hệ với những người làm việc trong cùng lĩnh vực. Đôi khi cơ hội sẽ đến từ những mối quan hệ bạn có được khi học ở Mỹ.

Lê Vũ nói thêm nhiều sinh viên MBA Việt Nam tại Mỹ không học trường top đầu nhưng vẫn nhận được nhiều công việc tốt ở công ty lớn vì họ biết khắc phục những điểm chưa tốt trong hồ sơ và tận dụng tối đa những điểm mạnh sẵn có như kinh nghiệm, mạng lưới kết nối.

Mục Giáo dục gợi ý những tựa sách hay cho những độc giả quan tâm đến vấn đề khám phá và phát triển bản thân.

Xem thêm: Phát triển bản thân cùng sách

hoc MBA o My anh 3

10 trường dạy MBA có điểm GMAT trung bình cao nhất

Điểm trung bình của thí sinh GMAT từ 2017 đến 2019 là khoảng 568/800 nhưng nhiều trường có mức trung bình từ 710 trở lên.

Thái An

Bạn có thể quan tâm