Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Cách ôn thi GMAT trong mùa chạy deadline

Do bận rộn công việc, Lê Vũ chỉ dành được 2 giờ mỗi tối để ôn thi GMAT. Anh phải thi 3 lần mới có thể vượt qua kỳ thi này.

Do bận công việc, nhiều người không đủ thời gian để ôn GMAT. Ảnh: Shutterstock.

Năm 2019, anh Lê Vũ (Giám đốc cấp cao phụ trách phát triển chiến lược và kinh doanh tại một tập đoàn công nghệ ở Mỹ) nhận học bổng Fulbright cho chương trình thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) tại Đại học San Francisco (Mỹ). Để chuẩn bị cho việc du học, anh bắt tay vào việc luyện thi GMAT.

GMAT là viết tắt của Graduate Management Admission Test (tạm dịch: Kỳ thi tuyển sinh quản lý sau đại học). Đây là kỳ thi được thiết kế đặc biệt cho những thí sinh muốn học lên cao học để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh. Do đó, các chương trình MBA hoặc chương trình thạc sĩ Kế toán, Tài chính thường yêu cầu GMAT như một tiêu chuẩn đầu vào.

Bài thi GMAT kéo dài trong 3 giờ 7 phút, gồm các phần Viết phân tích (1 chủ đề kéo dài trong 30 phút), Định lượng (31 câu hỏi về toán kéo dài trong 62 phút), Ngôn ngữ (36 câu hỏi kéo dài trong 65 phút).

Theo Investopedia, từ năm 2012, GMAT thêm một phần mới là Lý luận tích hợp, gồm 12 câu hỏi kéo dài trong 30 phút. Phần thi nhằm kiểm tra kỹ năng đánh giá của thí sinh khi xử lý thông tin thu thập được từ nhiều nguồn, đồng thời giúp kiểm tra khả năng làm việc của thí sinh trong bối cảnh công nghệ hóa.

Hàng năm, khoảng 200.000 thí sinh trên toàn thế giới tham dự GMAT. Do tính chất phổ biến của kỳ thi, lịch thi GMAT gần như có quanh năm và có thể thi lại sau 16 ngày. Tuy nhiên, thí sinh không được phép thi quá tổng cộng 8 lần và không được quá 5 năm lần trong vòng 12 tháng.

Chạy deadline công việc, chạy nước rút ôn thi

Investopedia thống kê hầu hết thí sinh phải trải qua khoảng 2 lần thi GMAT mới đủ điều kiện nộp hồ sơ vào các chương trình MBA. Lê Vũ cũng không phải ngoại lệ. Do thời gian nộp hồ sơ gấp rút, không đủ thời gian ôn GMAT, anh phải thi 3 lần mới đạt được kết quả như mong muốn.

Thời điểm bắt đầu ôn thi GMAT, anh Vũ vừa được thăng chức ở công ty và đảm nhận quản lý một dự án lớn. Do công việc bận rộn, mỗi ngày anh chỉ có thể tranh thủ học từ 22h đến 0h và học thêm vào hai ngày cuối tuần.

on thi GMAT anh 1

Lê Vũ ôn thi GMAT trong 80 giờ, vừa chạy deadline công việc vừa luyện đề. Ảnh: NVCC.

Anh Vũ tự học GMAT bằng tài liệu chính thức của hội đồng thi và chỉ nhờ bạn kèm riêng vài buổi để hiểu dạng đề phần Ngôn ngữ. Anh dành 40% thời gian để luyện phần Định lượng và 60% thời gian còn lại dành cho việc ôn tập Ngôn ngữ. Anh nhận thấy Ngôn ngữ là phần hầu hết người Việt Nam còn yếu nên tập trung ôn nhiều hơn.

Ước tính, anh Lê Vũ đã chạy nước rút trong 80 giờ để chuẩn bị cho kỳ thi GMAT. Do thời gian ôn không đủ nhiều, kết quả thi của anh không quá cao. Phải trải qua 3 lần thi, anh mới đạt được 650/800 điểm - mức đủ để anh nộp hồ sơ vào chương trình MBA tại Đại học San Francisco.

“Nếu được làm lại, mình sẽ học GMAT từ sớm hơn. Mình nghĩ mình cần luyện ít nhất 200-300 giờ trở lên mới đạt được điểm số cao hơn”, anh Vũ chia sẻ.

Theo anh Quang Hưng, giáo viên dạy GMAT tại TP.HCM, độ tuổi trung bình của học viên GMAT anh từng dạy là 26-28 tuổi, một số người theo đuổi kỳ thi này lúc đã 35-36 tuổi.

Nhìn chung, học viên GMAT hầu hết là những người đã đi làm nhiều năm và lên cấp quản lý. Nhiều người đã có gia đình nên họ càng khó khăn hơn vì vừa phải làm việc, vừa phải chăm sóc gia đình và dành chút thời gian ít ỏi trong ngày để luyện thi. Anh Hưng kể lại nhiều học viên của anh tận dụng một giờ nghỉ trưa để tranh thủ ôn bài hoặc phải đến nửa đêm mới có thời gian luyện đề.

Cái khó của những người học GMAT ở độ tuổi đi làm là khó sắp xếp thời gian vì họ thường gặp những công việc phát sinh như tăng ca, đi công tác. Thời gian công tác có thể vài ngày hoặc kéo dài cả tháng. Kiến thức GMAT lại rộng, người học chỉ cần bỏ 1-2 buổi là sẽ bị chững lại, không thể theo kịp chương trình.

Hơn 7 năm dạy GMAT cho người Việt, anh Quang Hưng nhận thấy cân bằng giữa công việc và học GMAT là điều rất khó, không phải ai cũng làm được. Lý giải cho điều này, anh nói rằng với những người đi làm, quỹ thời gian không nhiều, họ buộc phải rút ngắn thời gian nghỉ ngơi để dành cho việc học.

“Với người Việt Nam - tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ - việc học GMAT sẽ khó hơn người Mỹ. Do đó, trung bình mỗi người phải mất 6-8 tháng ôn tập mới đạt kết quả như mong muốn. Những người có nền tảng toán và tiếng Anh kém, thời gian học sẽ dài hơn, thường là một năm hoặc hơn”, anh Quang Hưng nói với Zing.

Chăm chỉ là chưa đủ

Trải qua 3 lần thi GMAT, anh Lê Vũ nhận định GMAT là một kỳ thi nhiều thử thách. Kỳ thi này cần bỏ nhiều thời gian, công sức để ôn luyện và cũng phải có chiến lược ôn thi đúng đắn. Nếu ôn thi không đúng cách, hoang mang (đặc biệt là khi ôn thi trong thời gian ngắn) là điều không thể tránh khỏi.

Chung quan điểm với anh Lê Vũ, anh Quang Hưng nói rằng GMAT là bài thi liên quan tư duy, không phải cứ học chăm chỉ là sẽ giỏi lên, mà phải biết học đúng cách, biết nắm bắt tư duy của người ra đề.

Đề GMAT thường có rất nhiều “bẫy” và chúng ta không thể kiểm soát những yếu tố đó trong đề thi. Nếu không hiểu cách ra đề hoặc không chịu thay đổi lối tư duy theo đề thi, thí sinh dễ “mắc bẫy” và làm sai liên tục. Anh Hưng nói đây cũng là một phần lý do khiến nhiều người học cả năm trời, thi 2-4 lần vẫn không đạt được số điểm như mong muốn.

Khác biệt của đề thi GMAT là nhiều câu hỏi chỉ mang tính tương đối, khiến thí sinh không thể xác định đâu là đáp án đúng. Do đó, thí sinh buộc phải loại những đáp án “có vẻ không đúng” để chọn ra đáp án “có vẻ đúng nhất”.

Hội đồng thi GMAT đặt ra những câu hỏi như vậy cũng có lý do. Anh Quang Hưng lấy ví dụ trong một công ty, bạn đưa ra 4 phương án chạy quảng cáo trên mạng xã hội. Khi đó, bạn không thể biết đâu là phương án đúng nhất mà buộc phải dựa trên những tiêu chí cụ thể để loại đi phương án không phù hợp, chọn phương án phù hợp hơn. Việc làm những đề thi như vậy giúp bạn biết cách tìm giải pháp phù hợp khi làm việc thực tế.

Một điều nữa là thí sinh GMAT không được mang máy tính hoặc các thiết bị tính toán vào phòng thi, buộc phải tính nhẩm hoàn toàn. Đây chính là thử thách của những thí sinh không giỏi toán, không giỏi tính nhẩm nhanh. Do đó, thay vì học chăm chỉ, thí sinh cần biết học giải đề ngắn gọn, nhanh chóng, như thế mới kịp thời gian làm đề.

Bên cạnh học đúng cách, thí sinh cũng phải biết chuẩn bị tâm lý vững khi bước vào phòng thi. Không ít người gặp phải tình trạng cứ bước vào phòng thi lại căng thẳng, hồi hộp, mất tập trung, dẫn đến việc quên hết những kiến thức đã ôn luyện trước đó.

Anh Lê Vũ và anh Quang Hưng đều nói rằng giữ tinh thần thoải mái khi thi là điều quan trọng. Khi tâm lý không vững, thí sinh dễ gặp những lỗi sai căn bản và khó hoàn thành tốt bài thi. Do đó, những người hay căng thẳng khi thi nên luyện trước tâm lý, học cách giữ bình tĩnh khi đối mặt với sức ép trong phòng thi.

“10 câu đầu ở mỗi đề, bạn nên làm thật cẩn thận. Tuy nhiên, nếu gặp câu quá khó, bạn không nên tốn quá nhiều thời gian vào những câu đó để tránh mất thời gian và ảnh hưởng tâm lý”, anh Vũ đưa ra lời khuyên.

Mục Giáo dục gợi ý những tựa sách hay cho những độc giả quan tâm đến vấn đề khám phá và phát triển bản thân.

Xem thêm: Phát triển bản thân cùng sách

on thi GMAT anh 2

10 trường dạy MBA có điểm GMAT trung bình cao nhất

Điểm trung bình của thí sinh GMAT từ 2017 đến 2019 là khoảng 568/800 nhưng nhiều trường có mức trung bình từ 710 trở lên.

Thái An

Bạn có thể quan tâm