Việc học CFA rất tốn thời gian và tốn tiền. Ảnh: Pexels. |
Đối với Anh Tuấn (quản lý phát triển kinh doanh tại Hà Nội) và Thanh Toàn (chuyên viên đầu tư cao cấp tại TP.HCM), việc học, thi và lấy được chứng chỉ CFA là quá trình dài và mệt.
CFA là tên viết tắt của Chartered Financial Analyst (tạm dịch: Chuyên viên phân tích tài chính điều lệ). Đây là chứng chỉ chuyên môn được công nhận trên toàn cầu do Viện CFA đánh giá và cấp chứng nhận. Mỗi học viên sẽ phải trải qua 3 cấp độ 1, 2, 3 để nhận được chứng chỉ và trở thành CFA charterholder (tạm dịch: Nhà quản lý danh mục đầu tư).
Chia sẻ với Zing, Thanh Toàn bắt đầu học CFA từ cuối năm 2018 và vừa lấy chứng chỉ vào tháng 5/2022, tức là anh dành hơn 3 năm để học và thi.
Trong khi đó, Anh Tuấn - người có sẵn nền tảng và kỹ năng vì từng du học thạc sĩ chuyên ngành Tài chính tại Anh - chỉ mất 6 tháng để vượt qua hai cấp độ đầu tiên. Nhưng anh lại trượt cấp độ 3 và phải mất một năm để ôn thi và thi lại.
Theo đuổi chứng chỉ CFA là trải nghiệm đáng nhớ đối với các "CFA charterholder" như Thanh Toàn và Anh Tuấn. Không chỉ có thêm kiến thức và những cơ hội việc làm, cả hai còn nhận được nhiều thông điệp và bài học quý giá.
CFA mang lại nhiều lợi thế cho người học, nhưng chỉ thế là chưa đủ. Ảnh: Money Crashers. |
Chỉ CFA là chưa đủ
Giống như nhiều học viên CFA khác, Anh Tuấn nhận định việc học CFA rất tốn thời gian và tốn tiền. Tuy nhiên, những khoản đầu tư này rất đáng, thậm chí “có lời” nếu người học đang đặt mục tiêu phấn đấu trong sự nghiệp liên quan tài chính, đầu tư, đặc biệt trong mảng equity management (tạm dịch: Quản lý tài sản ròng).
Với Anh Tuấn, CFA có thể coi là tấm vé ưu tiên, giúp những người sở hữu CFA (hay gọi là nhà quản lý danh mục đầu tư) có thêm cơ hội làm việc tại các tổ chức lớn trên trường quốc tế và nhận mức lương xứng đáng. Viện CFA thống kê mức lương trung bình của những người có CFA rơi vào khoảng 126.000-177.000 USD/năm.
CFA cũng mở rộng khả năng tìm kiếm việc làm với Anh Tuấn. Sau khi có CFA, anh có thêm nhiều cơ hội trong sự nghiệp, thậm chí có thêm cả nghề tay trái là giáo viên. Năm 2018, sau khi vượt qua cấp độ 3, anh trở thành giáo viên dạy CFA với mức thu nhập hấp dẫn.
Tuy nhiên, không phải ai sở hữu CFA cũng có thể trở thành giáo viên. Anh Tuấn nói rằng hiểu kiến thức CFA là một chuyện, nhưng truyền tải được những kiến thức đó cho học viên lại là chuyện khác.
Có thể nói, CFA mang lại nền tảng tốt, nhưng để phát triển sự nghiệp tương lai vững hơn, người học cần có thêm nhiều yếu tố khác. Lấy ví dụ trường hợp đi dạy CFA, bên cạnh kiến thức, người đứng lớp cũng cần có thêm kỹ năng sư phạm, kỹ năng mềm và sự kiên nhẫn.
Chung quan điểm với Anh Tuấn, Thanh Toàn cũng cho rằng CFA mang lại nhiều lợi ích riêng cho người học vì mỗi môn đều cung cấp lượng kiến thức khổng lồ để người học nắm bắt vấn đề trong công việc thực tế.
Nhưng chỉ CFA thôi chưa đủ. Một công việc tốt đòi hỏi nhiều yếu tố, kiến thức và kỹ năng khác nhau. CFA chỉ là phần nhỏ trong số đó.
Học CFA không dừng ở kiến thức sách vở hay để lấy chứng chỉ, mà học để hoàn thiện các kỹ năng. Việc học giúp bạn làm việc hiệu quả hơn và tiếp cận với những nhiệm vụ, lĩnh vực mới. Như vậy, mức độ đóng góp của cá nhân mới tăng, từ đó nâng cao thu nhập và giúp thăng tiến trong công việc.
CFA cũng không phải yếu tố làm thay đổi người học mà chỉ là một cột mốc để ghi lại những nỗ lực trong hành trình theo đuổi lĩnh vực tài chính. Do đó, bạn không thể chỉ dựa vào CFA để đòi hỏi công ty trao cho mình một vị trí hay mức lương tốt hơn. Điều này còn phụ thuộc việc bạn có kỹ năng, kinh nghiệm, đóng góp gì cho công việc đang và sẽ làm.
“Sở hữu chứng chỉ CFA không đồng nghĩa với việc bạn giỏi hơn hay sẽ thành công hơn người không có CFA. Tuy nhiên, CFA cho thấy mức độ nghiêm túc, quyết tâm của bạn trong lĩnh vực tài chính, đầu tư hoặc ít nhiều cho thấy bạn cũng có khả năng quản lý thời gian, sắp xếp công việc”, Thanh Toàn nêu quan điểm.
Lên kế hoạch học tập phù hợp giúp bạn tránh được những mệt mỏi khi học CFA. Ảnh: Bloomberg News. |
Lên tinh thần trước khi học CFA
CFA được đánh giá là kỳ thi khó có tiếng. Từ năm 1963 đến nửa đầu năm 2022, hơn 2 triệu ứng viên đăng ký thi cấp độ 1 nhưng chỉ có gần 300.000 người vượt qua cấp độ 3, tương đương 11%.
Anh Tuấn cũng từng thi trượt cấp độ 3 trong lần thi đầu tiên nên anh hiểu rõ cảm giác “đau khổ” khi phải chờ một năm rồi mới được thi lại. Để tránh mất thời gian chờ đợi và mất công thi lại, học viên phải có định hướng và mục tiêu rõ ràng.
Anh Tuấn khuyên trước khi học CFA, học viên phải cân nhắc kỹ về định hướng nghề nghiệp. Nếu bạn muốn trở thành nhà quản lý danh mục đầu tư, nhà phân tích tài chính hoặc muốn làm trong ngân hàng đầu tư hoặc tổ chức định chế tài chính quốc tế, CFA là lựa chọn phù hợp.
Yếu tố tiếp theo bạn phải cân nhắc là mức độ kiên trì với việc học. CFA không phải khó đến mức không thể học nổi, nhưng kiến thức của nó rất rộng, đòi hỏi người học phải kiên trì, dành nhiều thời gian tìm hiểu.
Ngoài tốn tiền và thời gian, học viên CFA đôi khi phải chấp nhận hy sinh những cơ hội thăng tiến trong công việc hoặc các mối quan hệ xã hội vì việc học chiếm quá nhiều thời gian. Ước tính trung bình, học viên phải bỏ ra 300 giờ học để chuẩn bị cho một cấp độ của CFA.
Với những bạn chưa có nền tảng vững về lĩnh vực tài chính hoặc tiếng Anh còn kém, Anh Tuấn đề xuất các bạn nên học cùng giáo viên hướng dẫn để được giải thích kỹ hơn về các kiến thức, thuật ngữ chuyên môn. Ngoại ngữ, tin học là yếu tố "cần và đủ" để học CFA tốt hơn.
Thanh Toàn cũng đề cập việc phải kiên trì nếu muốn học CFA. Với anh, độ khó của CFA chỉ ở mức 7/10, nhưng độ rộng và nhiều phải ở mức 11/10. Anh cho rằng tỷ lệ thi đậu và lấy CFA thấp cũng một phần do kiến thức CFA quá rộng, khiến người học dễ nản.
Mỗi cấp độ, người học phải học 10 môn khác nhau. Khối lượng giáo trình cho mỗi level đều không dưới 2.000 trang. Dù học ở trung tâm hay sử dụng những nguồn tài liệu rút gọn, lượng kiến thức cũng chỉ giảm khoảng 30-50%.
Hơn nữa, CFA không “cho phép” thí sinh bị điểm kém, dù chỉ một môn vì ngưỡng điểm đậu ở mức 70-75/100. Nghĩa là, chỉ một môn điểm kém, bạn cũng có nguy cơ thi trượt.
Do đó, người học phải nghiêm túc tuân thủ kế hoạch đặt ra và theo đuổi việc học liên tục. Nếu ngừng học giữa chừng thì học viên sẽ gặp khó khăn vì quên đi phần lớn kiến thức. Học lại cũng sẽ vất vả hơn trước.
“CFA có cái khó riêng, nhưng mình cho rằng nếu chúng ta biết sắp xếp thời gian và nghiêm túc học tập, năng lực sẽ chỉ là yếu tố thứ yếu để bạn có thể hoàn thành chương trình này”, Thanh Toàn nói.
Mục Giáo dục gợi ý những tựa sách hay cho những độc giả quan tâm đến vấn đề khám phá và phát triển bản thân.