Từ khi bắt đầu học CFA từ năm 2019, Thu Trà, 23 tuổi và làm việc cho một công ty kiểm toán, thấy thời gian của mình thiếu hụt hơn. Cô phải "đấu tranh tư tưởng" để ngồi vào bàn học thay vì đi chơi với bạn bè. Những đợt phải thi, cô vất vả cân bằng giữa công việc và ôn thi. Sau khi hoàn thành cấp độ 1 và 2, Trà dự định tạm dừng 2 năm để hồi sức trước khi bước vào học thi cấp độ 3.
"Khó có tiếng" là cách New York Times miêu tả về các kỳ thi CFA - viết tắt của Chartered Financial Analyst (tạm dịch: Chuyên viên phân tích tài chính điều lệ). Đây là chứng chỉ chuyên môn được công nhận trên toàn cầu do Viện CFA (trước đây là Hiệp hội Nghiên cứu và Quản lý Đầu tư AIMR) đánh giá và cấp chứng nhận.
Các ứng viên muốn lấy chứng chỉ CFA phải vượt qua ba lần thi tương ứng cho ba cấp độ 1, 2, 3. Tổng cộng, ứng viên sẽ phải học 10 môn học để có đủ kiến thức làm bài thi.
Từ năm 1963 đến nửa đầu năm 2022, hơn 2 triệu ứng viên trên toàn thế giới đã tham dự kỳ thi cấp độ 1 và gần 300.000 người vượt qua kỳ thi cấp độ 3. Tính ra, chỉ khoảng 11% người học có thể lấy được chứng chỉ này. Rất ít người vượt qua cả ba kỳ thi này ngay lần đầu, và với một số người, họ mất đến 4,5 năm để hoàn thành chứng chỉ.
Tuy nhiên, khi trao đổi với Zing, những người đang học CFA đều cho rằng chứng chỉ này "đáng để học" và sẽ giúp ích đáng kể cho công việc của họ trong tương lai, dù hiện tại họ mất rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc cho nó. Những người theo đuổi CFA nhiều lần stress vì khó học, khó thi, nhưng vẫn chấp nhận đầu tư và hy vọng được hái quả ngọt.
Những người sở hữu chứng chỉ CFA được gọi là CFA charterholders (tạm dịch: Nhà quản lý danh mục đầu tư). Viện CFA thống kê mức lương trung bình của những người này rơi vào khoảng 126.000-177.000 USD/năm.
Thu Trà phải chi gần 100 triệu đồng để có được chứng chỉ CFA. Ảnh: NVCC. |
Học đắt, thi đắt
Thu Trà đăng ký học chứng chỉ CFA tại một trung tâm ở Hà Nội với giá combo cho ba cấp độ 1, 2, 3 là hơn 33 triệu đồng. Lớp học cấp độ 1 khá đông, khoảng 60-80 học viên. Lớp cấp độ 2 thì sĩ số giảm còn khoảng 25-30 người. Hàng tuần, Thu Trà tham gia hai buổi học vào buổi tối hoặc cuối tuần, mỗi buổi kéo dài khoảng 4 giờ. Mỗi đợt học để thi cho từng cấp độ bao gồm 30 buổi học và 10 buổi ôn tập lại.
10 môn để các học viên hoàn thành cấp độ 1 và 2 bao gồm: Phương pháp định lượng, Kinh tế học, Phân tích báo cáo tài chính, Tài chính doanh nghiệp, Đầu tư trái phiếu, Đầu tư cổ phiếu, Phái sinh, Quản lý danh mục đầu tư, Đầu tư thay thế, Tiêu chuẩn nghề nghiệp và đạo đức.
Toàn bộ tài liệu học đều bằng tiếng Anh nên các học viên phải có vốn ngoại ngữ ổn định mới học được.
Lệ phí thi CFA cũng khiến cô gái 23 tuổi tốn một khoản khá lớn. Trải qua hai lần thi cho hai cấp độ, Thu Trà phải đóng khoảng 44 triệu đồng, bao gồm phí đăng ký thi ban đầu. Sắp tới, khi thi cấp độ 3, cô cần đóng thêm khoảng 17-20 triệu đồng.
Như vậy, nếu tính tổng học phí và lệ phí thi, Thu Trà tiêu tốn gần 100 triệu đồng mới có thể lấy chứng chỉ.
Khác với Thu Trà, Thiên Hương, 28 tuổi và việc tại một công ty bán lẻ với vai trò chuyên viên quan hệ nhà đầu tư, không đăng ký học ở trung tâm mà chọn tự học ở nhà vì nhận thấy khả năng tự học của bản thân ở mức khá tốt, trong khi công việc của Hương lại rất bận. Với việc tự học, cô gái 28 tuổi có thể tập trung học được nhiều hoặc tự cắt giảm thời lượng ôn tập vào những lúc quá bận.
Ước tính nếu thi hết ba cấp độ, cô chỉ cần đóng khoảng 3.500 USD (tương đương 82 triệu đồng). Trong đó, 500 USD là lệ phí thi ban đầu, số tiền còn lại là lệ phí thi tiêu chuẩn, khoảng 1.000 USD/cấp độ.
Hương học từ năm 2020 và đã hoàn thành 2/3 cấp độ.
Thiên Hương tự học CFA để linh động thời gian. Ảnh: NVCC. |
Học khó, thi khó
Dù từng là sinh viên ngành liên quan kinh tế tại Đại học Ngoại thương và Đại học Kinh tế Quốc dân, cả Thu Trà và Thiên Hương đều bối rối và gặp nhiều áp lực khi học chứng chỉ CFA. Với Thiên Hương, môn khó học nhất là Phái sinh - môn học liên quan các công cụ tài chính trên thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, Thu Trà lại nhận xét Quản lý danh mục đầu tư, Tiêu chuẩn nghề nghiệp và đạo đức, Đầu tư trái phiếu khá "khó nuốt" vì các môn này không được dạy trong chương trình đại học của cô. Kiến thức khó, tài liệu học lại bằng tiếng Anh khiến Trà mông lung và căng thẳng khi học.
Dù có giáo viên kèm cặp ở trên lớp, Thu Trà vẫn phải dành 200 giờ tự học và ôn lại kiến thức cho mỗi lần thi và gần 100 giờ để làm bài tập ngoài. Kiến thức 10 môn của CFA rất rộng nên nhiều lần Thu Trà học chưa kịp hiểu bài đã quên hết.
Để tránh bị quên bài, Trà thường tập trung ôn thi vào tháng cuối (đối với kỳ thi cấp độ 1) hoặc hai tuần cuối (đối với kỳ thi cấp độ 2). Trước đó, cô sẽ chia thời gian để học từng môn, học và làm bài tập của môn này xong rồi mới chuyển qua môn khác. Cô tránh học nhiều môn cùng lúc để không bị lẫn lộn kiến thức.
Với Thu Trà, cô không chia thời gian biểu chi tiết cho việc học. Thay vào đó, cô tự xác định môn nào chưa hiểu rõ, cần luyện thêm thì sẽ dành nhiều thời gian hơn. Bên cạnh việc luyện đề trên lớp, Trà luyện thêm bộ tài liệu Schweser Notes khi tự học tại nhà.
Chia sẻ với Zing, việc học CFA khiến Thu Trà không còn nhiều thời gian rảnh như trước. Thời gian học và thi cấp độ 2 trùng với đợt đi làm, Trà áp lực vì phải tìm mọi cách để cân bằng giữa công việc và học tập. Cô cũng phải gác lại nhiều kế hoạch đi chơi, tụ tập cùng bạn bè.
"Nhiều lúc ngồi vào bàn học, mình lại đấu tranh tư tưởng nên đi chơi hay học. Vài lần học không vào mình quyết định ra ngoài cho thoải mái, nhưng hầu hết vẫn chọn đánh đổi để ngồi ở nhà luyện đề", Trà tâm sự.
Vượt qua hai lần học và thi cho hai cấp độ từ tháng 12/2020 đến nay, Trà cảm nhận rõ con đường lấy chứng chỉ không hề dễ dàng, nhưng cô không dám bỏ cuộc, chỉ tạm dừng khoảng 2 năm để "hồi sức".
Thu Trà không đặt mục tiêu học thêm chứng chỉ để được tăng lương hoặc thăng tiến trong công việc. Cô muốn học để biết thêm kiến thức và làm việc thuận lợi, hiệu quả hơn.
Thiên Hương lại đặt ra mục tiêu nhanh hơn là sẽ thi cấp độ 3 vào tháng 5/2023 nên hiện cô lại bắt tay vào việc tự học tại nhà.
Thông qua những bài viết trên mạng, Hương biết được những người thông thạo tiếng Anh khi học CFA phải dành ra ít nhất 300 giờ học cho mỗi lần thi. Nhưng với những người như Hương (tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ), cô phải dành nhiều thời gian hơn con số trung bình 300 giờ đã được thống kê.
Do không có giáo viên hướng dẫn, Hương thường lên các hội nhóm liên quan việc học CFA để xin thêm tài liệu học, đồng thời liên hệ với bạn bè từng học và thi để hỏi thêm kinh nghiệm. Cô nhận thấy những bộ tài liệu xin được từ các "tiền bối" dễ hiểu và dễ học hơn bộ tài liệu do hội đồng thi cung cấp.
"CFA là một chứng chỉ khó và nhiều thách thức vì phải học và thi 10 môn cùng lúc. Việc học dồn dập như thế thật sự rất mệt mỏi", Hương chia sẻ.
Bỏ ra một số tiền lớn lẫn quỹ thời gian khổng lồ nhưng Thu Trà không thấy tiếc. Quan điểm của cô là việc đầu tư thời gian và tiền bạc sẽ có lợi cho tương lai dài hạn. Cô tin rằng khi thị trường đầu tư tài chính đang trên đà phát triển, việc học CFA sẽ mang lại lợi thế rất lớn cho công việc của cô sau này.
Thiên Hương cũng chung quan điểm với Thu Trà. Ngoài những kiến thức áp dụng được cho công việc, CFA còn giúp Hương có thêm điểm cộng trong mắt các nhà tuyển dụng. Sau này, nếu có kế hoạch thay đổi công việc, Hương tin rằng tấm chứng chỉ sẽ giúp cô tự tin hơn khi nộp hồ sơ vào các công ty trong và ngoài nước.