Vài tháng trước, chị Nguyễn Hạnh (32 tuổi, Lâm Đồng) vẫn sống và làm việc ở TP.HCM - nơi chị gắn bó hơn 10 năm.
Hiện tại, chị có cuộc sống khác hoàn toàn: ở trên núi cao 1.941 m so với mực nước biển, gần rừng nguyên sinh, nhiệt độ trung bình năm chỉ 15-20 độ C.
“Tôi về Tà Xùa từ trước Tết, bỏ công việc cũ với quần áo xúng xính để thay vào bộ đồ nông dân luôn lấm lem và bàn tay lúc nào cũng nhem nhuốc. Công việc của tôi chủ yếu là làm vườn, trồng hoa và có căn home nhỏ cho thuê. Sống thuận tự nhiên là điều tôi hướng tới”, chị nói với Zing.
Chị Hạnh chọn Tà Xùa để bắt đầu cuộc sống mới theo hướng thuận tự nhiên. |
Sống ở phố nhưng mơ về rừng
Chị Hạnh sinh ra ở vùng quê, tuổi thơ gắn liền với đồng ruộng. Lớn lên, chị học tập và làm việc ở TP.HCM hơn 10 năm nhưng vẫn luôn đau đáu về cuộc sống nơi nông thôn bình dị.
Bởi vậy, dù làm đủ công việc từ tự kinh doanh tới truyền thông sự kiện, đặt chân đến nhiều nơi xa hoa, lịch sự và gặp gỡ những người sang trọng, điều khiến chị Hạnh thấy thoải mái nhất vẫn là những buổi chợ quê giữa phố hay chuyến dã ngoại về với vườn ven đô.
Khi sinh con, chị Hạnh bắt đầu tìm hiểu về những giá trị thuận tự nhiên, hướng tới lối sống lành mạnh, trở về với truyền thống. Chị nhận ra rằng nông nghiệp bền vững chính là gốc rễ.
“Đó không chỉ là một nghề đơn thuần mà bấy lâu nay xã hội hiện đại bỏ quên, cha mẹ nông dân hướng con cái bỏ nương rẫy, ruộng vườn đi lên phố… mà chính là cái nôi nuôi dưỡng thân, tâm, trí. Tôi thầm cảm ơn những ngày tháng ở phố, đợt phong tỏa tại TP.HCM để nhìn rõ hơn mong muốn của mình”, chị nói.
Chị Hạnh tự tay cuốc đất, trồng trọt để có thể tự cung tự cấp thực phẩm. |
Vốn yêu thiên nhiên và mê cảnh sắc hùng vĩ của Tây Bắc nên từ một chuyến đi chơi Tà Xùa, chị Hạnh quyết định trở thành dân nhập cư tại đây. Hiện chị sống trong bản làng toàn người Mông.
Chị Hạnh chọn mua mảnh đất sát rừng làm trang trại nhỏ, lấy nước sinh hoạt từ đầu nguồn, tự sản xuất điện, đào ao và sống trong căn lán chỉ 9 m2 với đàn gà và những chú chó.
“Ngoài làm vườn, tôi có homestay cũng theo hướng thuận tự nhiên. Tôi sử dụng các vật liệu thiên nhiên, hạn chế hóa chất, rác nhựa dùng một lần. Tôi hy vọng có thể lan tỏa lối sống lành mạnh tới các vị khách ghé thăm”, chị nói.
Không còn quần áo là lượt như ở thành phố, chị Hạnh cảm thấy hạnh phúc khi khoác lên mình những bộ đồ giản dị. |
Nhiều chông gai
Sống giữa thiên nhiên là niềm mơ ước nhưng chị Hạnh thừa nhận bản thân gặp nhiều chông gai khi bỏ phố về rừng.
“Bình thường làm vườn đã khó khăn, làm theo kiểu thuận tự nhiên thì còn nhiều thử thách hơn nữa. Từ việc canh tác không hóa chất sẽ tốn kém tiền bạc và thời gian hơn tới việc chọn lựa chất liệu gần gũi. Thời nay, sắm đồ tiện lợi dễ hơn những thứ thủ công tự làm. Trong giai đoạn đầu, tôi vẫn phải cân nhắc đến bài toán chi phí để duy trì”.
“Làm nông vất vả, làm nông đúng nghĩa còn vất vả hơn nhiều”, chị nói thêm.
Tuy nhiên, điều chị Hạnh thích nhất khi về rừng là thực phẩm, rau, củ, quả sạch và rất tươi ngon. Cứ đi một vòng quanh vườn là chị lại có đồ ăn mang về từ chuối, ổi, cam cho tới mía, mít, rau.
Bên cạnh đó, chi phí sinh hoạt của chị Hạnh hiện tại rất nhỏ so với khi ở thành phố.
Cuộc sống bình dị của chị Hạnh khi về rừng. |
Gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của chị Hạnh vẫn thường thắc mắc “Sao lại ‘khùng’ vậy, bỏ tất cả tiện ích ở phố để đánh đổi về nơi này?”, “Đang đầy đủ vậy về đây thì sao sống nổi?” nhưng chị nói chỉ bản thân mới hiểu mình cần gì.
“Nhiều người tỏ ra ngưỡng mộ vì nơi mình sống như thiên đường. Thế nhưng đằng sau đó là cả hành trình vượt qua những ranh giới và buông đi nỗi sợ hãi”, chị nói.