Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Y tế 'kiện' Bộ Giáo dục

Cho rằng chất lượng nhân lực ngành kém là do việc mở ngành không có sự giám sát của mình, Bộ Y tế đã gửi công văn tới Bộ Giáo dục.

Mở ngành ồ ạt, chuyên gia y tế đứng ngoài

Trong công văn, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường đặt vấn đề về thực trạng quá nhiều cơ sở đào tạo, kể cả các trường đa ngành cùng tham gia đào tạo nhân lực y tế.

Bộ GD-ĐT có quy định việc mở ngành đào tạo do sở GD-ĐT địa phương thẩm định các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Ông Cường cho rằng, khi không có sự tham mưu về mặt chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế thì việc thẩm định mã ngành đào tạo nhân lực ngành này sẽ không đảm bảo chất lượng.

Một giờ học điều dưỡng.

"Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo cần có quy định chặt chẽ khi mở ngành đào tạo nhân lực y tế, trong đó việc thẩm định cần có sự tham gia về mặt chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế để đảm bảo chất lượng", ông Cường đề xuất.

Một bất cập khác dưới góc nhìn của Bộ Y tế là chuyện các trường ngoài công lập cũng tham gia thị phần đào tạo này. Mới đây, Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y dược Việt Nam đã họp và phản ánh việc nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh số lượng khá lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế. Điều này dẫn đến điểm tuyển sinh vào các trường ngoài công lập rất thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Từ đó, Bộ Y tế đã đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét chỉ đạo việc giao chỉ tiêu đào tạo nhân lực y tế cho các cơ sở đào tạo ngoài công lập cần căn cứ vào tiêu chí năng lực chuyên môn và cơ sở thực hành. Đồng thời , cần có khuyến cáo tình trạng thừa nhân lực đối với các ngành nói trên để thí sinh có định hướng lựa chọn.

Bộ trưởng nói gì?

Tại hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện đổi mới giáo dục ĐH, ông Nguyễn Minh Lợi, đại diện Bộ Y tế đã đề cập đến thực trạng mở ngành đào tạo y dược tại một số ĐH đa ngành.

Ông Lợi nêu quan điểm, y là một ngành đặc thù nên quá trình đào tạo phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và các bệnh viện. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc thẩm định mở ngành quá dễ dãi khiến một số trường ĐH đa ngành, ngoài công lập được phép đào tạo y dược trong điều kiện không đảm bảo.

"Thiết bị thực hành thiếu, bệnh viện lại cách xa trường học đến vài chục cây số. Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc giảng dạy mà còn khiến chất lượng đào tạo không đạt yêu cầu", ông Lợi phân tích.

Về vấn đề này Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận, tại hội nghị đào tạo nhân lực y tế đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương có ý chê trách Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế về việc thẩm định các trường đào tạo ngành y.

Họ cho biết, việc này tưởng như rất bài bản, đúng quy trình nhưng trên thực tế có chuyện các cơ sở đào tạo nhân lực y tế không đủ thiết bị thí nghiệm, thiết bị thực hành đã thuê của các đơn vị phân phối. Sau khi đoàn kiểm tra rời đi, họ đem đi trả. Chất lượng đào tạo của những trường này cũng rất kém.

"Tôi đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ thẩm định việc này và đề nghị Bộ Y tế tổ chức kiểm tra đột xuất, định kỳ lại các trường vừa cấp phép, đặc biệt là các trường khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nếu trường nào không đủ điều kiện thì xử lý, có thể đóng cửa hoặc đình chỉ tuyển sinh", lời Bộ trưởng Luận.

Ông Phạm Vũ Luận cũng cho rằng, cả hai bộ cần phối hợp chặt chẽ để có một quy trình thẩm định nghiêm túc, thực chất nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Nếu cần thiết sẽ có văn bản quy định riêng đối với ngành y vì đây là ngành đào tạo đặc biệt.

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm