Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin về giải pháp để hạn chế các vụ ngộ độc tập thể. Ảnh: VGP/Quang Thương. |
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/6, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết 5 tháng đầu năm, trên cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. Trong đó, trên 2.100 người mắc, 6 người tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ giảm 10%, số người tử vong giảm 46%. Những tỉnh xảy ra nhiều nhất là Đồng Nai, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc...
Sau khi tiến hành truy xuất nguồn gốc cùng các đơn vị liên quan, Bộ Y tế thấy rằng một trong những nguyên nhân là một số cơ sở sản xuất kinh doanh cung cấp lương thực, thực phẩm đã được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm nhưng vẫn còn hiện tượng thu gom nguyên liệu thực phẩm trôi nổi từ bên ngoài không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một số thực phẩm bị nhiễm Salmonella.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 về tăng cường công tác an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Chính phủ đã liên tiếp có nhiều chỉ đạo về an toàn vệ sinh thực phẩm, các bộ, ban ngành và chính quyền địa phương đã vào cuộc, bước đầu đã có kết quả trong công tác đảm bảo an toàn và phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Trẻ nhập viện điều trị trong vụ ngộ độc bánh mì tại Long Khánh, Đồng Nai. Ảnh: CTV. |
Bên cạnh đó, còn có hai nội dung quan trọng trong lĩnh vực này cũng đã được triển khai và hướng dẫn cụ thể.
Thứ nhất là về thể chế đã có Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 15 hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các văn bản quy phạm pháp luật của các ban, ngành liên quan...
Thứ hai là về tổ chức thực hiện cũng có đầy đủ hướng dẫn từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt ở cơ sở...
"Sau khi xảy ra các vụ ngộ độc tập thể, Bộ Y tế đã chỉ đạo ngay cơ sở y tế trên địa bàn tập trung cứu chữa, hạn chế bệnh nhân mắc chuyển nặng, bệnh nhân nặng bị tử vong. Chỉ đạo đình chỉ ngay các cơ sở cung cấp thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để tiến hành kiểm tra, cùng với đó, truy xuất nguồn gốc, tìm nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm", ông Đỗ Xuân Tuyên nói.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh các địa phương cần kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm hoạt động; kiểm soát chặt chẽ theo chức năng từng bộ ngành có liên quan; các địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể.
Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm cần công khai để tuyên truyền và có tính răn đe; đề nghị ban quản lý khu công nghiệp, chế xuất kiên quyết không ký hợp đồng với các cơ sở cung ứng không đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm; tuyên truyền để chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở cung ứng thực phẩm, người tiêu dùng, nâng cao kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm và biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
'Vệ sĩ' vô hình của con người
Nếu có hệ miễn dịch ổn định, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, virus gây nên. Bạn sẽ khỏe mạnh mà không cần tới thuốc men. Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.