Trong vòng 7 ngày (29/4-4/5), Việt Nam ghi nhận 37 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Dịch xuất hiện tại 6 tỉnh, thành gồm Hà Nam (14), TP.HCM (1), Hà Nội (4), Vĩnh Phúc (14), Đà Nẵng (2), Hưng Yên (2).
Sáng 4/5, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đã có công văn khẩn gửi giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật các tỉnh, thành liên quan việc cách ly tập trung.
Theo đó, các tỉnh, thành tạm thời chưa giải quyết kết thúc và cho ra khỏi khu cách ly tập trung với tất cả trường hợp đã đủ điều kiện hết cách ly (tối thiểu 14 ngày, xét nghiệm 2 lần âm tính). Thời gian bắt đầu thực hiện là 0h ngày 4/5, áp dụng cả khu cách ly tập trung của quân đội, dân sự quản lý.
Nguyên nhân là thời gian gần đây, Việt Nam ghi nhận một số trường hợp hết cách ly tập trung vẫn có kết quả dương tính với SASR-CoV2, làm lây lan dịch Covid-19 ra cộng đồng.
Phải đi bằng xe riêng từ nơi cách ly tập trung về nhà
Trước đó, theo Hướng dẫn Cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng chống dịch Covid-19 (ban hành kèm Quyết định số 879/QĐ-BYT ngày 12/3/2020), Bộ Y tế đã quy định những người được phép cách ly tại nhà gồm F2; người đã được cách ly tập trung có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; các nhóm khác…
Thời gian cách ly tại nhà phải đủ 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm.
Việc di chuyển từ cơ sở cách ly tập trung về nhà phải tuân thủ nghiêm quy định theo Công văn số 425 Hướng dẫn bàn giao, quản lý sau khi hoàn thành cách ly tập trung của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ngày 19/1.
Đơn vị quản lý khu cách ly tập trung phải hướng dẫn cụ thể cho người đã hoàn thành cách ly tập trung tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tại nhà, nơi lưu trú. Khi di chuyển, người cách ly hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, hạn chế đến nơi đông đúc; thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế và các biện pháp phòng hộ cá nhân khác.
Nếu đi bằng phương tiện vận tải đường bộ, người hết cách ly tập trung phải đi bằng xe riêng. Xe phải được đăng ký trước với đơn vị quản lý khu cách ly tập trung, không tổ chức đưa đón đông người (chỉ gồm lái xe, người giám sát đi cùng).
Người hoàn thành cách ly, lái xe hoặc người đi cùng (nếu có) phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển, sử dụng thường xuyên dung dịch sát khuẩn tay khi lên, xuống xe và trong suốt quá trình di chuyển; cài đặt và mở ứng dụng truy vết (Bluezone) liên tục và áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân theo quy định.
Đặc biệt, quá trình di chuyển phải đảm bảo hạn chế tiếp xúc gần (dưới 2 m) với người khác; hạn chế dừng, đỗ ăn uống dọc đường, tốt nhất đi thẳng từ khu cách ly tập trung về nhà, nơi lưu trú.
Nếu di chuyển bằng phương tiện vận tải hàng không, tàu, đơn vị vận chuyển cần được thông báo trước về trường hợp đã hoàn thành cách ly tập trung, có phương án bố trí các biện pháp phòng chống dịch (vị trí chỗ ngồi, các biện pháp phòng chống lây nhiễm...) khi sử dụng phương tiện.
Nhân viên y tế hướng dẫn trường hợp F1 điền tờ khai y tế. Ảnh: Việt Linh. |
Không tổ chức gặp mặt, tiếp xúc nhiều người trong thời gian tự cách ly tại nhà
Hai văn bản trên của Bộ Y tế cũng nêu rõ người cách ly tại nhà tốt nhất nên ở phòng riêng. Nếu không có phòng riêng thì giường ngủ phải được cách ly xa với các thành viên khác trong gia đình.
Yêu cầu về phòng cách ly là thông thoáng khí, không sử dụng điều hòa nhiệt độ, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng. Chúng ta nên chọn phòng ở cuối dãy, cuối hướng gió, xa khu vực đông người qua lại; có nhà vệ sinh, xà phòng rửa tay, nước sạch; thùng rác có nắp đậy.
Người trên 15 tuổi khi cách ly tại nhà cần chấp hành ý thức tự giác, đúng thời gian quy định và cam kết với chính quyền địa phương bằng văn bản. Mỗi ngày, người cách ly tại nhà phải tự đo thân nhiệt và theo dõi sức khỏe, ghi chép kết quả vào phiếu, thông báo cho nhân viên y tế cấp xã.
Nếu có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, đau họng, khó thở, người cách ly cần báo ngay cho nhân viên y tế.
Đặc biệt, trong thời gian cách ly tại nhà, người cách ly phải hạn chế ra khỏi phòng riêng, không tiếp xúc trực tiếp với thân nhân, người khác; không ra khỏi nơi ở, nơi lưu trú trong suốt thời gian cách ly.
Ngoài ra, những người này cũng cần thực hiện vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn khác; không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân (bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt...); không ăn chung, ngủ chung với người thân.
Người tự cách ly tại nhà cần đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe và ghi chép lại hàng ngày. Ảnh: Duy Hiệu. |
Các thành viên trong gia đình người cách ly tại nhà có trách nhiệm hạn chế tiếp xúc, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi cần tiếp xúc. Người thân cần thường xuyên lau nền nhà, bề mặt dụng cụ, tay nắm cửa ở nơi ở, nơi lưu trú hàng ngày bằng các chất tẩy rửa thông thường hoặc dung dịch khử trùng; cung cấp xuất ăn riêng cho người thuộc diện cách ly.
Khi người đang cách ly tự ý rời khỏi khu cách ly hoặc có triệu chứng nghi ngờ như sốt, ho, đau họng, khó thở, người thân cần thông báo cho nhân viên y tế, chính quyền địa phương.
Đặc biệt, thân nhân của những người đang tự cách ly tại nhà không được tổ chức liên hoan ăn uống, hoạt động đông người ở nơi ở, nơi cư trú.
Chùm ca bệnh Covid-19 tại Hà Nam có nguồn lây ban đầu là BN2899 (28 tuổi, nam, nhiễm nCoV sau khi hết thời gian cách ly tại Đà Nẵng). Sau trở về nhà, anh tham dự tiệc liên hoan, tiếp xúc nhiều người.
Khi bệnh nhân có kết quả dương tính với nCoV, số lượng F1, F2 cần phải truy vết rất lớn, trải dài ở nhiều địa phương. Bằng chứng là tại TP.HCM, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam đã xuất hiện ca mắc Covid-19 liên quan BN2899. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hà Nam, tính đến tối 4/5, tổng số người liên quan mà cơ quan này truy vết tại địa phương đã lên tới gần 4.000.
Đây không phải lần đầu tiên dịch Covid-19 tại Việt Nam tái bùng phát vì trường hợp tự cách ly tại nhà vi phạm quy định. Cuối năm 2020, khi ở khu cách ly tập trung, D.T.H. (29 tuổi, nam tiếp viên hãng hàng không Vietnam Airlines) tiếp xúc 2 đồng nghiệp. Khi về cách ly tại nhà, người này tiếp tục gặp gỡ một người khác và từ đây, dịch Covid-19 lan rộng tại TP.HCM. Tháng 3, bệnh nhân trên đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự với 2 năm tù treo về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.