Tại hội nghị tổng kết "Kế hoạch hành động về phát triển y, dược cổ truyền TP.HCM giai đoạn 2011-2020 tổ chức tại Viện Y Dược học dân tộc (TP.HCM), ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), chia sẻ nhiều vấn đề về việc quảng cáo tràn lan thuốc Đông y, kiểm định chất lượng thuốc, giấy phép hành nghề của lương y, chỉ đạo thanh, kiểm tra đối với cơ sở y học cổ truyền...
'Tôi cũng rất đau đầu'
"Thuốc y học cổ truyền hiện nay được quảng cáo khắp nơi như điều trị tận gốc, không có tác động đến sức khỏe, không có hại. Thực tế, điều này không đúng. Thuốc bao giờ có cũng có tác động đến cơ thể. Tôi cũng rất đau đầu về vấn đề này", ông Thịnh nói.
Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền nhấn mạnh bất kỳ sản phẩm thuốc nào cũng phải dựa trên khoa học, bằng chứng. Do đó, việc xây dựng và phát triển các bài thuốc gia truyền phải dựa trên yếu tố này.
Hiện tại, các cơ sở sản xuất thuốc gia truyền được sở y tế địa phương cấp phép và chỉ lưu hành trong phạm vi tỉnh. Các bài thuốc này chỉ được lưu hành toàn quốc khi được Bộ Y tế và cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý y dược cổ truyền cấp phép.
Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược Cổ truyền, Bộ Y tế. Ảnh: Huyền Mai/TTBC. |
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phát triển hơn nữa để truy xuất nguồn gốc thuốc Đông y, nguồn gốc và chất lượng dược liệu, tăng cường công tác kiểm tra ngành y dược cổ truyền tư nhân, đảm bảo các sản phẩm này phải phát triển dựa trên khoa học bằng chứng", ông Thịnh nhấn mạnh.
Cục Quản lý Y Dược cổ truyền đang đề xuất Bộ Y tế xây dựng hoàn chỉnh thông tư về phạm vi hoạt động chuyên môn của y học cổ truyền, các quy định về điều kiện sơ chế, chế biến thuốc y học cổ truyền tại cơ sở khám, chữa bệnh.
"Chúng tôi đã trình Bộ Y tế cho phép xây dựng 5 trung tâm thử nghiệm thuốc y học cổ truyền, trong đó có một cơ sở tại TP.HCM. Tuy nhiên, vấn đề này chưa xây dựng xong. Tôi mong mỏi rằng với lòng nhiệt tình, ngành y tế TP.HCM sẽ sớm xây dựng trung tâm thử nghiệm này", ông Thịnh nói thêm.
Chia sẻ với Zing, Phó chủ tịch Hội Đông y TP.HCM Trần Hữu Vinh cho biết ông thường xuyên thấy các quảng cáo thuốc Đông y chữa dứt điểm các bệnh mạn tính, chữa bệnh bằng mê tín dị đoan và không ngạc nhiên về tình trạng này.
Thành phần trong gói thuốc "chữa dứt điểm bệnh tiểu đường" của lương y Nguyễn Thị Nghê chỉ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
"Người dân khi phát hiện các cơ sở vi phạm, cá nhân lợi dụng danh nghĩa lương y để kinh doanh bất hợp phác, cần thông báo cho cơ quan chức năng mới có thể giúp ngành y tế giảm tình trạng này. Chúng tôi chỉ có thể khuyến cáo người dân không nên nghe, tin theo các quảng cáo, bài thuốc không rõ nguồn gốc trên kênh thông tin không chính thống", ông Vinh nói.
Phó chủ tịch Hội Đông y TP.HCM nhấn mạnh các bệnh mạn tính như tiểu đường, sỏi thận..., hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Các bài thuốc quảng cáo này cần được cơ quan chức năng kiểm định lại chất lượng. Thuốc Đông y đóng gói giấy không có nhãn mác cũng là không có nguồn gốc rõ ràng.
"TP.HCM thanh tra cơ sở y học cổ truyền quá ít"
Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền nhấn mạnh ngành y tế TP.HCM chưa mạnh tay cho việc thanh, kiểm tra cơ sở hành nghề y dược cổ truyền tư nhân.
"Trong năm nay, TP.HCM chỉ kiểm tra 30 trên tổng số 1.548 cơ sở y học cổ truyền tư nhân là quá ít. Trong khi đó, thuốc Đông y lại quảng cáo tràn lan khắp nơi. Sắp tới, thành phố cần tăng cường kiểm tra vấn đề này nhiều hơn nữa", ông Thịnh nói.
Dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong năm 2019, cơ quan này kiểm tra 20 cơ sở y học cổ truyền, phát hiện 2 cơ sở vi phạm, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 209,5 triệu đồng. Năm 2020, Sở Y tế TP.HCM kiểm tra 30 cơ sở y học cổ truyền, phát hiện 5 cơ sở vi phạm.
Về kiến nghị cấp chứng chỉ hành nghề cho lương y và đề xuất mã ngành đào tạo y, dược cổ truyền, ông Thịnh nhấn mạnh: "Cá nhân không đỗ bất cứ kỳ thi chứng chỉ nào thì không thể cấp chứng chỉ hành nghề được. Bộ Y tế cũng đang xây dựng lộ trình tổ chức kỳ thi Quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ trong vòng 2 năm nữa.
Ngoài ra, việc đề xuất cấp mã ngành y, dược cổ truyền tùy thuộc vào các trường đào tạo. Các trường có mạnh dạn mở ngành đào tạo cho chúng ta hay không vì sợ thực tế mở ra không có người học".