Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Y tế khẳng định dương tính với sán dây lợn chưa cần điều trị

Sau nhiều ngày người dân Bắc Ninh ồ ạt đưa con cháu lên Hà Nội xét nghiệm sán lợn, ngày 19/3, Bộ Y tế chính thức lên tiếng vụ việc tại cuộc họp báo ở Bắc Ninh.

Cục trưởng ATTP: 'Tôi xét nghiệm sán không chừng cũng dương tính' Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, Nguyễn Thanh Phong cho biết kết quả xét nghiệm dương tính trong huyết thanh, trong máu cũng không thể khẳng định trong người có sán.

Liên quan vụ việc hàng nghìn cháu nhỏ ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, được phụ huynh đưa đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (Hà Nội) xét nghiệm sán lợn, chiều 19/3, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức họp báo, trong đó có sự tham gia của ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Bo Y te yeu cau bao cao ro anh 1
Ông Nguyễn Thanh Phong chủ trì cuộc họp tại Bắc Ninh. Ảnh: G.C.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho hay: “Việc người dân lo lắng trước thông tin thực phẩm ở trường Mầm non Thanh Khương rồi tự nguyện mang con cháu ra Hà Nội xét nghiệm là sự lo lắng hết sức chính đáng. Nếu tôi có con và không có chuyên môn, ở điều kiện như vậy tôi cũng sẽ làm như vậy”, ông Phong nói.

Về việc vi phạm an toàn thực phẩm ở trường Thanh Khương có liên quan gì đến các cháu đồng loạt đi xét nghiệm và có dương tính hay không, ông Phong cho rằng chưa thể khẳng định. Bởi, các mẫu không được lưu và nếu thịt có sán nhưng được nấu chín thì không có nguy cơ lây bệnh. Theo ông, khi ở nhiệt độ 75-80 độ C, sán sẽ bị tiêu diệt nên khả năng mắc bệnh là không thể.

Bộ Y tế sớm vào cuộc khi ngay từ ngày 14/3, ông đã chỉ đạo cho tỉnh Bắc Ninh kiểm tra về an toàn thực phẩm và làm tốt.

Đại diện Bộ Y tế cho biết kết quả xét nghiệm dương tính trong huyết thanh, trong máu cũng không thể khẳng định trong người có sán. Điều này đều ghi trong tài liệu cả trong và ngoài nước. Biện pháp xét nghiệm máu chỉ là một trong những phương pháp góp phần chẩn đoán.

Người dương tính với sán dây lợn, theo phác đồ điều trị Bộ Y tế ban hành 2004 thì chưa có chỉ định điều trị. Người nhiễm sán trưởng thành có biểu hiện đi ngoài có đốt sán hoặc ấu trùng có nổi mụn hạch, khi đó bác sĩ mới chỉ định biện pháp điều trị.

"Điều trị không khó khăn, thuốc không đắt. Một liều thuốc duy nhất có thể diệt được sán. Ấu trùng có thể kéo dài nhưng có thuốc", ông Phong nói.

Đối với kết quả xét nghiệm dương tính, thay vì đề nghị sau 2 tuần khám lại, Bộ Y tế sẽ kiến nghị cán bộ của viện trong giai đoạn chờ tái khám xuống trực tiếp các địa phương, cùng y tế địa phương để kiểm tra theo dõi.

"Các cháu dương tính có biểu hiện bệnh mới điều trị. Không cẩn thận tôi đi xét nghiệm cũng dương tính", ông Phong cho hay.

Trước đó, Bộ Y tế vừa có công văn chỉ đạo gửi tới hai bệnh viện chuyên khoa điều trị bệnh.

Bo Y te yeu cau bao cao ro anh 2
Hàng trăm phụ huynh đưa con em đi xét nghiệm sán lợn từ 1-2h tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Hà Nội) sáng 19/3. Ảnh: Quỳnh Trang. 

Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh, Bộ Y tế, Nguyễn Trọng Khoa, đề nghị Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới báo cáo tình hình xét nghiệm sán và một số ký sinh trùng khác trong những ngày qua. Cụ thể là, hai đơn vị này cần tổng hợp số lượng, kết quả xét nghiệm từng loại.

Ngoài ra, các bệnh viện có trách nhiệm phân tích kết quả xét nghiệm về độ nhạy, độ đặc hiệu, vai trò trong việc chẩn đoán người bị nhiễm sán và một số ký sinh trùng đối với các trường hợp có kết quả dương tính.

Việc điều trị của người bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc âm tính cũng cần được báo cáo về Cục Quản lý Khám Chữa bệnh, trước ngày 20/3.

Theo kết quả cập nhật đến 21h ngày 17/3, gần 2.000 trẻ từ 1-10 tuổi ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, được khám sán lợn ở hai bệnh viện của Hà Nội. Trong đó, 209 bé có xét nghiệm dương tính.

Từ 18/3, Sở Y tế Bắc Ninh bắt đầu hỗ trợ lấy máu xét nghiệm tại địa phương, hàng trăm phụ huynh vẫn ùn ùn đưa con lên Hà Nội để xét nghiệm bất chấp trời mưa rét.

Sáng 18/3, trong cuộc họp với Bộ trưởng Y tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu điều động ngay các bác sĩ, lực lượng chuyên môn cùng với thiết bị về Bắc Ninh để xét nghiệm sán lợn cho học sinh các trường học ở huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh.

Thủ tướng cũng giao Bộ GD&ĐT cùng Bộ Y tế chỉ đạo các trường học trong cả nước phải thực hiện ngay các giải pháp về cung cấp thực phẩm và thức ăn cho các trường học, đảm bảo an toàn cho học sinh.

Chiều 18/3, cuộc họp giữa các cơ quan ban ngành, địa phương về vụ việc hàng trăm học sinh nhiễm sán lợn diễn ra tại Tỉnh ủy Bắc Ninh.Trích lời của Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Văn Kính, ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, cho hay đây không phải ngộ độc thực phẩm như “cháy nhà chết người ngay lập tức”. Các cháu đi khám vẫn khỏe mạnh bình thường. Đây cũng không phải dịch bệnh cấp tính. Sán lá gan mật chữa được trong từ một đến 15 ngày.

“Vì thế, chúng ta yên tâm, không hoang mang, không dao động, không có gì bất thường”, ông Chiến nói.

Hàng trăm học sinh nhiễm sán ở Bắc Ninh được phát hiện thế nào? Chuyện gì đã xảy ra trong một tháng sau khi hình ảnh đầu tiên về bữa ăn với món thịt "đầy những đốm trắng" của học sinh mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh) được phát hiện?



Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm