Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng GD&ĐT, cho hay việc bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên nằm trong kế hoạch rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của bộ.
Cụ thể, điều này nằm trong Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Với thông tư mới, giáo viên phổ thông không cần có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Ảnh minh họa: Việt Hùng. |
"Chúng tôi nghiên cứu trên căn cứ chương trình đào tạo giáo viên đã tuân theo khung trình độ quốc gia, có yêu cầu về tin học, ngoại ngữ. Với giáo viên phổ thông đang dạy, chúng tôi sẽ đưa vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên", ông Sơn nói.
Ông cho biết sau khi nhận ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT đưa việc bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học vào sửa đổi thông tư này. Thông tư này đã được thẩm định.
Theo kế hoạch, bộ sẽ ban hành trong tháng 12. Sau 45 ngày, tức từ tháng 2/2021, thông tư có hiệu lực.
Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định ngày 26/11, nhiều cử tri bày tỏ mong muốn về việc xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ đối với giáo viên nói chung và chứng chỉ ngoại ngữ 2 đối với giáo viên dạy tiếng Anh.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã làm việc với Bộ Nội vụ để đi tới thống nhất xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên. Ông khẳng định việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên.
Trong quá trình đào tạo, giáo viên đã được bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau. Việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là chưa thiết thực. Những nội dung về ngoại ngữ, tin học tới đây sẽ được tính toán để đưa vào chương trình đào tạo giáo viên một cách phù hợp.
Sau đó, ông Đặng Văn Bình, Phó cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT, cho biết thêm Bộ Nội vụ đã có ý kiến chính thức tại công văn số 4853 ngày 16/9/2020 và công văn số 5646 ngày 27/10/2020.
Ông cho hay trong thông tư mới, mục tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sẽ không còn yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; không quy định giáo viên dạy ngoại ngữ phải có ngoại ngữ 2; không quy định giáo viên dạy vùng dân tộc thiểu số phải có chứng chỉ dạy tiếng dân tộc.