“Tất cả đứng im”, trinh sát ập vào quán cà phê hô lớn, giọng đanh thép. Một nam cảnh sát trong bộ đồ thường phục bất ngờ kẹp cổ và bẻ quặt tay Sáng ra sau.
Nam thanh niên 19 tuổi sững sờ, chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Một phút trước, Sáng vẫn đinh ninh rằng mình sắp có món hời sau chuỗi ngày ế ẩm.
Bùi Quang Sáng là một đầu mối quan trọng trong đường dây buôn bán tiền giả mà Zing theo dõi hơn 1 tháng.
Công khai
“Bạn đang gặp khó khăn. Chúng tôi sẽ giúp bạn. Dịch vụ đổi tiền giả không cọc. 1 triệu đổi 10 triệu. Nhận hàng thanh toán. Giao hàng tận nơi nhanh chóng”, tài khoản Tiền Ngọc *** rao bán, không quên để lại số điện thoại ở cuối bài.
Giống thật 99%. Không cần đặt cọc. Giao hàng toàn quốc. Thanh toán khi nhận hàng. Đó là điểm chung của hầu hết bài rao bán tiền giả trên mạng xã hội với các mệnh giá từ 50.000 đồng đến 500.000 đồng. Chỉ có tỷ lệ quy đổi tiền giả của các con buôn này là khác nhau, dao động 10-12 triệu tiền giả lấy 1 triệu tiền thật.
Không chỉ mua bán dễ dàng, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất là việc công khai của loại dịch vụ này.
Dù nhiều nhóm lừa đảo buôn bán tiền giả đã bị phát hiện, các đường dây sản xuất tiền giả liên tục bị công an triệt phá, những lời mời chào vẫn xuất hiện dày đặc trên Facebook, như thể đang quảng cáo về một món hàng bình thường.
Dưới những bài đăng này là hàng chục bình luận hỏi về tỷ lệ quy đổi, cách thức giao dịch và số lượng hàng sẵn có. Thậm chí, nhiều nhóm trên Facebook chuyên mua bán tiền giả hoạt động công khai, dễ dàng gia nhập. Hầu hết là tài khoản ảo.
Một nơi mua bán tiền giả sôi động của những người “giả”.
Sau đợt dịch Covid-19 đầu tiên hồi tháng 4, tần suất những bài đăng mời chào mua tiền giả ngày càng dày đặc do nhiều người phải gánh những khoản nợ. Chúng tôi quyết định tiếp cận một số đầu mối buôn bán tiền giả.
“[…] Khi trả tiền đám cho vay nặng lãi, tụi nó có nhận ra không”, một người dò hỏi qua điện thoại với đầu mối bán tiền giả có số 0898…
“Không có máy soi không phát hiện đâu”, đầu dây bên kia khẳng định, rồi vồn vã như sợ con mồi chạy mất. “Em ở đâu? Nếu em đặt hàng thì có người của shop giao tận nơi. 1 thật đổi 12 giả. Khi hàng tới thì em sẽ được kiểm tra thoải mái trước khi nhận”, người này chủ động.
Giả của "giả"
Sau cuộc điện thoại chóng vánh, chúng tôi hẹn gặp người bán tại một quán cà phê. Bên bán hẹn không nhận tiền mặt mà chỉ nhận tiền qua thẻ game và giải thích “bán cái này không ai nhận tiền mặt hết”.
9h sáng, chúng tôi chờ tại quán cà phê với chiếc thẻ game 100.000 đồng.
Đúng giờ, chuông điện thoại phá vỡ sự căng thẳng của cả nhóm. Đầu dây bên kia yêu cầu chúng tôi gửi trước hình ảnh những thẻ game đã mua để “đảm bảo không bị lừa”, làm tin trước khi giao hàng. Chúng tôi cự lại rằng nếu chụp ảnh, người này sẽ biết được mã số trên thẻ và “bùng hàng”.
Sau khi thỏa thuận, hai bên thống nhất quay phim thẻ, che 3 số cuối rồi gửi cho gã bán tiền. Qua điện thoại, người này xác nhận “ok” và cử người tới đưa tiền.
Chúng tôi tiếp tục chờ đợi, nhưng suốt 2 tiếng sau vẫn không thấy tên này xuất hiện. Khi chúng tôi gọi lại, số điện thoại này đã "thuê bao".
Biết "mối" này đã hỏng, cả nhóm quyết định ra về. Lần thứ 2, chúng tôi mất dấu của đường dây buôn bán tiền giả.
Trong thị trường mua bán tiền giả, người mua không chỉ là con mồi của người bán tiền giả mà còn của những tên lừa đảo. Hoạt động phạm pháp này trở thành mỏ vàng cho tội phạm lừa đảo qua mạng khi người bán và người mua đều không muốn biết mặt nhau, mọi giao tiếp ưu tiên trực tuyến.
Dù bị lừa thật, cả người mua lẫn người bán không dám tố cáo lên cơ quan công an. Những “điểm mù” trong hoạt động kinh doanh các mặt hàng cấm như tiền giả dẫn đến thực tế người bán thì ít, lừa đảo thì nhiều.
Tiếp tục thâm nhập vào hoạt động buôn bán tiền giả trên mạng xã hội, chúng tôi liên tục bị đứt đầu mối. Sau màn dạo đầu hấp dẫn, người bán dần lộ ra sơ hở trong quá trình giao dịch và nhận ra chúng tôi không phải những con mồi "dễ ăn". Họ tự cắt đứt liên lạc bằng cách chặn số hoặc khóa tài khoản mạng xã hội của phóng viên.
Gọi điện. Trao đổi. Hẹn giao dịch và chặn số. Kịch bản lặp đi lặp lại. Sau hơn 30 ngày tìm kiếm, việc thâm nhập đường dây bán tiền giả dường như đi vào ngõ cụt.
“Mình đổi tiền tỷ lệ 1/4 (1 triệu tiền thật đổi 4 triệu tiền giả - PV), giao dịch trực tiếp ở TP.HCM. Nhận hàng đếm tiền”, bài đăng của tài khoản Quang Le trên nhóm Facebook “Tien gia…” khiến chúng tôi chú ý.
Lần theo dấu vết Quang Le trên mạng xã hội, chúng tôi nhận thấy gã này hoạt động rất tích cực trong các nhóm bán tiền giả. Điểm khác biệt của người này so với những con buôn khác là tỷ lệ đổi rất thấp – 1 triệu tiền thật chỉ đổi tối đa 4 triệu tiền giả - và chấp nhận giao dịch bằng tiền mặt. Chúng tôi quyết định tìm hiểu.
Mua không cọc, ship tận giường
Một ngày. Hai ngày.
Tài khoản Quang Le vẫn không một hồi âm. Chúng tôi đã nghĩ đây có thể lại là một mối hụt.
5h sáng ngày thứ 3, tài khoản này bất ngờ trả lời tin nhắn. Chúng tôi lập tức phản hồi, hỏi chuyện mua bán.
“Giá đắt lắm. Giao dịch trực tiếp trên 3 triệu mới bán”, Quang Le thăm dò. Anh ta khẳng định khách không cần đặt cọc, kiểm tra từng tờ rồi mới lấy tiền và lập tức chốt giá qua tin nhắn.
Nếu khách mua 20 triệu thì tỷ lệ là 1 triệu tiền thật đổi 2 triệu tiền giả (1 đổi 2), trên 10 triệu thì để giá 1 đổi 1,7. Quang Le còn phân trần rằng đã mua vào với giá 1 đổi 1,8 nên không thể tăng tỷ lệ thêm.
Trước tỷ lệ đổi chỉ bằng một nửa so với lời rao bán ban đầu, chúng tôi bày tỏ nghi ngờ về sự chênh lệch này cũng như việc mua tiền giả quá dễ dàng. Quang Le tỏ ra thật thà, tâm sự rằng đăng bài như vậy để hút khách và mời chào nếu mua càng nhiều, tỷ lệ đổi sẽ càng cao.
“Không có lừa đảo. Anh quăng địa chỉ, số điện thoại, tui ship tận giường”, Quang Le trấn an chúng tôi qua tin nhắn.
Tài khoản bán tiền giả khẳng định sẽ ship "hàng" tới tận giường nếu chúng tôi yêu cầu. |
Để chúng tôi yên tâm, người này còn khẳng định xem tiền giả xong mà không mua thì chỉ cần cho anh ta tiền xăng xe. Quang Le cũng hướng dẫn chúng tôi vô số tiểu xảo để tiêu thụ tiền giả.
Sau khoảng vài chục phút trao đổi, chúng tôi đề nghị hẹn gặp anh ta vào hôm sau để xem "hàng". Thế nhưng, người này lập tức yêu cầu giao hàng trong sáng cùng ngày.
Đúng lúc này, phóng viên bất ngờ nhận cuộc gọi video từ tài khoản của Quang Le.
Không ai chuẩn bị cho tình huống này và cũng chưa lường trước được gã này gọi điện nhằm mục đích gì. Dù vậy, chúng tôi vẫn nhấc máy.
- Đây. Tiền giả đây. Có sẵn đây nhé – Một giọng nam nói và quay camera về phía những chồng tiền giả được xếp dưới sàn nhà.
Tên này không để lộ mặt. Qua giọng nói trầm nhưng thanh, chúng tôi đoán gã là người miền Bắc và còn khá trẻ. Những giây đầu, phóng viên cũng chỉ để máy quay bao quát một phần cằm, không để lộ khuôn mặt.
Thế nhưng, sau đó gã bán tiền giả liền yêu cầu: "Mặt đâu rồi, cho xem mặt cái nào".
Không còn lựa chọn nào khác, chúng tôi quay cả mặt để gã này thấy. Sau khi xem xét chừng 2 giây, người này bình luận “thấy mặt thế này mới yên tâm” và chốt rằng sẽ giao dịch trực tiếp trong một vài giờ nữa.
Cuộc điện thoại chưa tới 1 phút. Sau đó, hai bên hẹn gặp tại một quán cà phê ở quận Thủ Đức vào khoảng 9-10h sáng. Quang Le nhất định không cho số điện thoại và chỉ chấp nhận liên hệ qua tài khoản Facebook.
Sa lưới
10h sáng. Trời nắng như đổ lửa. Mồ hôi chạy dọc lưng áo của cả nhóm phóng viên lẫn trinh sát Công an quận Thủ Đức.
Hơn 1 giờ trôi qua kể từ lúc hẹn, Quang Le vẫn “biệt vô âm tín”.
Chốc chốc, chúng tôi lại ngó về phía cửa ra vào duy nhất của quán nước, tìm kiếm một bóng dáng khả nghi. Đáp lại gần 20 cuộc gọi liên tiếp của chúng tôi chỉ là tiếng đổ chuông lặp đi lặp lại.
Quán cà phê vườn nằm khuất trong con hẻm nhỏ ở quận Thủ Đức hầu như không có khách, chỉ có tiếng thìa inox liên tục khuấy vào ly cà phê khiến cả nhóm càng sốt ruột.
Chúng tôi kiên nhẫn chờ đợi. Ai nấy ở yên vị trí vì nghĩ Quang Le và đồng bọn đang quan sát để kiểm tra người mua hàng.
11h10, chúng tôi gọi lại một lần nữa. Lần này, Quang Le bắt máy.
“Sao muộn quá vậy”, chúng tôi ra vẻ tức giận.
“Tôi ngủ quên. Đợi chút, tôi tới liền”, đầu dây bên kia giải thích và hứa sẽ tới trong 10 phút nữa.
11h20, một thanh niên trẻ, tuổi không quá 20, mặt hốc hác, da ngăm đen, nhỏ thó trên chiếc xe máy đỗ xịch ở quán. Hắn bỏ 2 tay vào túi quần, ngó dáo dác xung quanh. Vì đã video call từ trước, Quang Le lập tức nhận diện được một người trong số chúng tôi.
Ngồi xuống ghế, anh ta nhìn chúng tôi một cách dò xét rồi móc từ túi quần ra một xấp tiền các mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng và 100.000 đồng.
“Tiền giả chỉ có thể giống thật 80% thôi”, nam thanh niên rào trước và khẳng định “không thấy công nghệ nào in đẹp hơn nữa”. Quang Le còn tiết lộ tiền giả được in tại một cơ sở ở Biên Hòa (Đồng Nai) và chuyển lên TP.HCM.
Xấp tiền được anh ta giới thiệu là giả có màu sắc, họa tiết khá giống với tiền thật. Tuy nhiên, khi chúng tôi cầm lấy một tờ vò lại thì tiền nhàu đi nhanh chóng và không bung ra như tiền thật. Thấy vậy, gã trai nhỏ thó lập tức đưa tay ngăn cản, lấy lại tờ tiền.
“Anh đừng có vò, vò vậy là sai cách rồi. Nếu muốn vò là phải kiếm quyển sách ép lại, chứ nó không bung ra ngay được đâu. Nó chỉ được 80% thôi”, Quang Le vừa giải thích, vừa dùng tay vuốt lại tờ tiền.
Để đảm bảo an toàn, anh ta mách chúng tôi mỗi lần xài chỉ để trong túi một tờ, đem ra các khu vực giáp ranh thành phố, ngoại thành mà sử dụng. Sau khi đổi thành công thì về lấy tiếp, không nên mang quá 2 tờ một lúc.
“Nó để tôi là 1,8 rồi, tôi bán cho anh lấy mối nên để lại cho anh cũng tỷ lệ 1,8. Mấy bữa nay toàn những mối hỏi mua lắt nhắt 1-2 triệu, tôi chẳng muốn bán”, Quang Le than thở.
Đúng lúc này, 10 trinh sát mật phục sẵn từ nhiều phía ập vào khống chế Quang Le. Bị bất ngờ, Quang Le không kịp bỏ chạy hay kháng cự. Gã buôn tiền giả ngơ ngác nhìn chúng tôi, vẫn chưa hiểu chuyện gì vừa xảy ra.
Sau khi các trinh sát đưa ra tấm thẻ công an, Quang Le mới biết mình đã sa lưới pháp luật. Vai anh ta sụp xuống, ánh mắt thất thần nhìn về xấp tiền giả trên bàn.
Quang Le khai tên thật là Bùi Quang Sáng (19 tuổi, quê Nam Định).
Sáng thừa nhận mua số tiền giả nói trên của một người ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) rồi đem về bán lại kiếm lời. Nghi phạm khai đã thực hiện trót lọt vài vụ trước khi bị cảnh sát bắt.
Số tiền giả Sáng mang theo trong người là 19 triệu đồng.
Ngoài ra, kiểm tra trên người nghi phạm, cảnh sát tìm thấy một thẻ màu đỏ ghi dòng chữ “chứng minh nhân dân công an”. Sáng thừa nhận từng bị đánh trong quá trình giao dịch tiền giả trước đó nên in thẻ này với mục đích phòng thân.
Công an sau đó đưa Sáng cùng toàn bộ tang vật về trụ sở công an để điều tra.
Từ những chứng cứ Zing cung cấp và lời khai của nghi phạm, Công an TP.HCM đã mở rộng vụ án và triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán tiền giả quy mô lớn, cung cấp hàng cấm tại nhiều tỉnh thành phía nam.
Ngoài Sáng, những người còn lại trong đường dây bị bắt giữ gồm: Văn Tuấn An (22 tuổi, quê Đồng Nai), Thạch Ngọc Tuấn (27 tuổi, quê An Giang), Nguyễn Văn Bình (32 tuổi, quê Tiền Giang) và Lê Tiến Khang (33 tuổi, ngụ quận 8).