Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bóc tách khối bướu trong ổ bụng nặng 7 kg, chèn ép nội tạng

Hai nam bệnh nhân mang khối bướu nặng 7 kg, khiến bụng đau, khó thở đã được các bác sĩ phẫu thuật bóc tách thành công.

Chiều 13/9, Bệnh viện Chợ Rẫy, (TP.HCM) cho biết các bác sĩ vừa phẫu thuật lấy 2 khối bướu lớn trong bụng 2 bệnh nhân.

Trước đó, ông Quy (60 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) được đưa đến bệnh viện khám trong tình trạng bụng to, đau và khó thở. Qua chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ phát hiện một khối bướu lớn sau phúc mạc, diện tích khoảng 56x30 cm. Khối bướu choán hết ổ bụng, xâm lấn, đẩy nội tạng bệnh nhân về phía trước. Sau 5 giờ bóc tách, các phẫu thuật viên đã lấy được khối bướu nặng 6,7 kg.

Cùng thời điểm, anh Thọ (30 tuổi, ở tỉnh Sóc Trăng) cũng được đưa đến bệnh viện trong tình trạng tương tự. Bệnh nhân cho biết, khoảng 4 tháng trở lại đây bụng to bất thường, khó chịu.

Qua chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ phát hiện một khối bướu chiếm trọn vùng bụng bên phải. Khối bướu quá to nên đẩy hai quả thận về một bên. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật, lấy ra khối bướu có diện tích 53x35 cm, nặng 7,3 kg.

Mo khoi buou khung anh 1
Khối bướu nặng 7,3 kg trong bụng bệnh nhân 30 tuổi trước khi mổ. Ảnh: Khánh Trung.

Theo TS.BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu, các ca mổ này tương đối khó, đòi hỏi bác sĩ phải hết sức tỉ mỉ, cẩn thận. Khối bướu đã xâm lấn vào các mạch máu tăng sinh, chỉ cần sơ suất nhỏ cũng có thể để lại hậu quả nặng nề. Khi mở ổ bụng bệnh nhân, các bác sĩ phải vén ruột qua một bên mới lấy được khối bướu ra ngoài.

Thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy trung bình một năm, các bác sĩ phẫu thuật cho khoảng 70-80 bệnh nhân bị bướu sau phúc mạc và không rõ nguyên nhân. Lúc đầu, các khối bướu thường nhỏ như nắm tay, sau đó to dần lên.

Y văn cũng ghi nhận chủ yếu từ trung mô, tế bào thần kinh, tế bào mầm gây nên 90% bướu ác tính, tỷ lệ tái phát cao (60-70%). Phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật, hóa trị và xạ trị ít tác dụng.

“Do tâm lý e ngại bệnh ung thư, một số bệnh nhân không dám đến điều trị tại các bệnh viện chuyên về ung bướu. Thay vào đó, người dân tự ý điều trị bằng Đông y nên khối bướu càng ngày càng lớn”, bác sĩ Sâm nói.  

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Bé gái mang bướu ‘mai rùa’ ở lưng chưa từng thấy ở Việt Nam

Theo các chuyên gia y tế, bé Thắm mắc bệnh bướu hắc tố bẩm sinh (tên khoa học là Congentinal melano citye Nevi) kích thước lớn chưa từng thấy tại Việt Nam.

Khánh Trung

Bạn có thể quan tâm