Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bom tấn ‘Frozen’ bị kiện vì 18 điểm trùng hợp

Một người phụ nữ đâm đơn kiện Disney 250 triệu USD khi cho rằng hãng phim đạo cuốn hồi ký của cô cho kịch bản bom tấn hoạt hình “Frozen”.

Theo Isabella Tanikumi, hãng Disney đã đạo cuốn tự truyện Living My Truth được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2010 của cô cho bộ phim Frozen. Trước đó, theo các nhà sản xuất, bộ phim vốn được dựa trên câu chuyện Bà chúa tuyết nổi tiếng của nhà văn Hans Christian Andersen.

Một trang của đơn kiện đến từ Isabella Tanikumi.

Trong đơn kiện gửi cho Tòa án Liên bang Hoa Kỳ, Isabella Tanikumi liệt kê ra 18 điểm tương đồng giữa FrozenLiving My Truth như sau:

- Cả hai câu chuyện đều lấy bối cảnh tại ngôi làng nằm dưới chân một ngọn núi phủ tuyết.
- Cả hai câu chuyện đều có hai chị em gần tuổi nhau.
- Cả hai chị em đều yêu thương nhau sâu sắc.
- Một trong hai người chị em bị thương nghiêm trọng sau một vụ tai nạn kinh hoàng.
- Một trong hai người chị em bị mất trí nhớ về vụ tai nạn.
- Hai chị em gái của bị đơn gặp phải một cơn động đất kinh hoàng. Hai chị em gái trong Frozen mất cha mẹ sau một vụ tai nạn đắm thuyền. Cả hai bi kịch đều khiến các chị em xích lại gần nhau hơn.
- Em gái của bị đơn và Anna đều đem lòng yêu một người đàn ông cao ráo, đẹp trai.
- Hai mối tình của em gái bị đơn có tên là Hans và Cristoff. Hai mối tình của Anna trong phim có tên là Hans và Kristoff.
- Cả Cristoff và Kristoff đều kể với người phụ nữ về một người có năng lực chữa bệnh.
- Em gái bị đơn và Anna đều bị người tình phản bội.
- Em gái bị đơn và Elsa đều sống khá ẩn dật.
- Em gái bị đơn và Elsa đều cố gắng che giấu những vết thương của bản thân.
- Cả hai câu chuyện đều có một chi tiết quan trọng được lấy bối cảnh dưới ánh trăng.
- Khiếm khuyết của các nhân vật đều bị lật tẩy trước mặt những đứa trẻ.
- Bìa cuốn tựa truyện và DVD của Frozen đều có một bàn tay tung ra những ánh hoa lấp lánh.
- Cả hai câu chuyện đều sử dụng hình ảnh cánh cửa mở làm ẩn dụ.
- Cả em gái bị đơn và Elsa đều qua đời, dù sau đó Elsa được hồi sinh.
- Cả hai câu chuyện đều xoay quanh những trái tim lạnh giá.

Hãng Disney chẳng cần phải quá bận tâm đến đơn kiện có phần hài hước của Isabella Tanikumi.

Những luận điểm mà nhà văn đưa ra lập tức bị nhiều người chê cười vì nó quá chung chung và có thể tìm thấy ở bất cứ tác phẩm nào khác. Người hâm mộ Frozen bình luận rằng cô hoàn toàn có thể bổ sung thêm một vài luận điểm nữa cho đơn kiện thêm đầy đặn, chẳng hạn như việc cả kịch bản của Frozen và cuốn Living My Truth đều được viết trên giấy.

Vụ kiện chắc chắn sẽ chẳng đi tới đâu và động cơ của Isabella Tanikumi có lẽ đến từ vấn đề tiền bạc. Câu hỏi được đặt ra là liệu người phụ nữ có quan tâm tới Frozen nếu doanh thu của bộ phim chỉ là 20 triệu USD tại các phòng vé hay không. Trên thực tế, tác phẩm bom tấn tới nay thu về hơn 1,2 tỷ USD và là bộ phim ăn khách thứ năm trong lịch sử điện ảnh. Sẽ không hề ngạc nhiên nếu như Tanikumi muốn có một phần từ “chiếc bánh khổng lồ” này.

T.L.

Bạn có thể quan tâm