Những cô gái không nhận ra chính mình
Ngày 19/8, chị Nguyễn Thị Phượng (30 tuổi ngụ huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đã qua đời sau nhiều năm mắc phải căn bệnh lạ khiến gương mặt biến đổi như bà lão 80 tuổi.
Chị Phượng trước và sau khi hóa thành bà lõa. Ảnh: Vietnamnet |
Năm 26 tuổi, sau khi điều trị ngứa da mặt và da tay vì cho rằng mình dị ứng hải sản, da mặt và cơ thể Phương dần biến dạng, trở nên nhăn nheo vào chảy xệ. 4 năm sau, dù mới 30 tuổi nhưng nhìn chị ai cũng nghĩ đó là một bà lão đã 80 tuổi.
Nguy hiểm hơn, dù đã trải qua nhiều cơ sở y tế, nhưng các bác sĩ vẫn không thể đưa ra kết luận chính xác về căn bệnh của chị. Năm 2013, vợ chồng Phương từng được kênh Russia-1 - đài truyền hình lớn nhất nước Nga - mời tham dự chương trình y khoa quốc tế về “Hội chứng lão hóa", tổ chức tại Moscow. Tuy nhiên, tình trạng bệnh của chị vẫn không được cải thiện. Thậm chí, khi chị Phương đã trút hơi thở cuối cùng, căn bệnh của chị vẫn là một ẩn số đối với y học.
Ngoài trường hợp này, y học Việt Nam còn ghi nhận ba cô gái cũng đột nhiên biến thành bà lão.
Gần đây nhất là trường hợp chị Thạch Thị Tha Ri (29 tuổi, ngụ tại Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). Khi đang mang thai đứa con thứ hai, thấy vùng da mặt bị sần, ngứa, căng cứng, sưng, nóng, toàn thân nổi những mụn đỏ li ti, ngứa, chị tự mua thuốc để bôi. Sau khi sử dụng 4-5 tuýp thuốc, chị Tha Ri hết ngứa nhưng khuôn mặt bị biến dạng như bà lão 70.
Chị Tha Ri khi đã bị biến dạng. Ảnh: Vietnammet |
Theo kết luận ban đầu của các bác sĩ sản khoa và da liễu, chị mắc bệnh viêm nang lông do dùng thuốc bôi có chứa corticoid. Đây là chất độc bảng B theo phân loại của Bộ Y tế, gây biến chứng nguy hiểm đối với cơ thể.
Hiện tại, sản phụ Tha Ri đang nuôi con bằng sữa mẹ nên các bác sĩ chỉ cho dùng thuốc bôi để hỗ trợ các triệu chứng. Dự kiến, chị sẽ được khám và điều trị khi đứa trẻ lớn hơn.
Khác với 2 trường hợp trên, Nguyễn Thị Ngọc Mai (28 tuổi, trú tổ 4, khối Thanh Nam, phường Cẩm Châu, TP Hội An, Quảng Nam) có dấu hiệu mắc bệnh lão hóa từ khi lên 10 tuổi.
Ban đầu trên cơ thể Mai chỉ xuất hiện những vết đỏ nhỏ ở cánh tay. Sau đó, chúng ngày càng lan rộng, gây ngứa và sưng phồng, tạo thành những quầng thâm nổi khắp người. Kể từ đó, da mặt Mai dần xuất hiện nhiều nếp nhăn như bà lão dù chị mới 28 tuổi.
Chị Mai mắc phải hội chứng Werner lão hóa từ nhỏ, do. Ảnh: Người Lao Động |
Chị Mai được nhận định mắc hội chứng Werner lão hóa từ lúc nhỏ, do không được chữa trị nên bệnh ngày càng nặng. Ngoài ra, chị còn mắc nhiều chứng bệnh khác như tổn thương phổi khá nặng, đục thủy tinh thể, viêm gan siêu vi C, bất thường về cấu trúc gen.
Sau khi được các bác sĩ tại Đại học Y khoa Trung Quốc ở Đài Loan chữa trị, căn bệnh của chị Mai đã được cải thiện đáng kể. Nhưng khi hết thuốc, chị Mai bắt đầu già trở lại, thậm chí da mặt còn nhăn nheo hơn trước.
Về vấn đề này, các bác sĩ cũng khẳng định căn bệnh lão hóa không thể chữa dứt. Về lâu dài, bệnh nhân cần theo dõi của các cơ sở y tế trong nước và điều trị các chứng bệnh khác.
Cũng tại Quảng Nam, chị Nguyễn Thị Như Ý (thôn Na Kham, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn) tuy mới 25 tuổi nhưng khuôn mặt không khác những người phụ nữ ngoài 50.
Theo chia sẻ của gia đình, từ khi sinh ra đến năm 13 tuổi, chị Ý phát triển bình thường và khỏe mạnh. 14 tuổi, chị bắt đầu có những dấu hiệu không bình thường, cơ thể hay đau yếu, thường xuyên nôn ói sau khi ăn và dần bị lão hóa.
Nguyễn Thị Như Ý 25 tuổi như răng rụng, gầy yếu như bà lão. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Các bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân có thể liên quan đến đường tiêu hóa, song không loại trừ khả năng ảnh hưởng của thuốc có corticoid.
Nguyên nhân gây bệnh là gì?
Theo bác sĩ Cao Xuân Phúc, khoa Y học Lao động, Bệnh viện Quân y 103, những trường hợp bị lão hóa rất hiếm gặp trên thế giới. Trong đó, nhiều bệnh nhân vẫn chưa tìm ra bệnh và cách chữa trị.
Bác sĩ Phúc cho rằng, ngoại trừ những bệnh lý hiếm gặp, những sai lầm trong đời sống hàng ngay cũng có thể trở thành nguyên nhân khiến chúng ta bị lão hóa sớm.
Đó là việc lạm dụng thuốc có corticoid làm lão hóa da. Chất này hiện được dùng phổ biến và hiệu quả trong việc điều trị hen phế quản, viêm khớp, bệnh ngoài da, một số bệnh ung thư… Tuy nhiên, nó sẽ khiến người bệnh lệ thuộc thuốc và hiệu ứng phản hồi, tức khi dừng thuốc, vấn đề da trở lại còn nặng hơn trước.
Ngoài ra, corticoid còn làm yếu hệ thống bảo vệ của da nên dễ bị nhiễm trùng da lan rộng, làm giảm, thậm chí làm mất khả năng sinh sản của tế bào da, gây tình trạng teo, da mỏng, chảy nhão… Hai trong số 4 trường hợp nêu trên đều có liên quan đến chất này.
Bác sĩ Phúc cũng cho biết việc dùng mỹ phẩm giả cũng rất nguy hiểm vì có thể làm bong tróc da và nhiều hệ lụy khác đối với sức khỏe.
Bên cạnh đó, các yếu tố như thay đổi nội tiết, suy dinh dưỡng, thức khuya kéo dài, phơi da dưới nắng cũng có thể làm sạm, nhăn, sừng và chai sạm da, khiến chúng ta già hơn so với tuổi.
"Những nguyên nhân này ban đầu chỉ làm tổn thương da ở mức độ nhẹ, nhưng về lâu dài, chúng cũng có thể gây nên các trường hợp hy hữu như trên. Do đó, để phòng bệnh, chúng ta cần tránh xa những thói quen có hại này càng sớm càng tốt", bác sĩ Phúc khuyến cáo.