Theo danh sách của tổ chức giáo dục QS, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM xếp hạng 801-1.000. Đại học Tôn Đức Thắng xếp hạng 1001-1200, Đại học Bách khoa Hà Nội đứng thứ 1201+.
So với xếp hạng năm 2021, thứ hạng của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM vẫn giữ nguyên. Năm ngoái, Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Bách khoa Hà Nội đều xếp hạng 1001+, nhưng năm nay tụt bậc.
Thứ hạng của 4 đại học Việt Nam trong danh sách năm nay. |
Đặc biệt, đây là năm thứ tư liên tiếp Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM nằm trong top 1.000 đại học hàng đầu thế giới do QS xếp hạng. Năm 2019 và 2020, Đại học Quốc gia TP.HCM xếp hạng 701-750, sau đó tụt xuống nhóm 801-1.000.
Theo QS, xếp hạng năm 2022 có sự góp mặt của 1.029 đại học trên toàn thế giới. Bốn năm liên tiếp, Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng. Đại học Oxford (Anh) từ hạng 5 vươn lên vị trí số 2. Trong khi đó, Đại học Standford (Mỹ) và Đại học Harvard (Mỹ) đều tụt hạng.
Trong số 100 đại học hàng đầu, Mỹ có 26 đại diện, Anh có 18 đại diện. Tuy nhiên, phần lớn đại học của Anh và Mỹ đều tụt hạng so với năm trước, điểm đánh giá của các trường này thấp hơn mọi năm do chỉ số sinh viên quốc tế giảm sút.
Riêng tại khu vực châu Á, Đại học Quốc gia Singapore (Singapore) được xếp hạng cao nhất (thứ 11) với 93.9 điểm đánh giá. Xếp sau đó là Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) với hạng 12. Hai đại diện của Trung Quốc là Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh lần lượt xếp ở vị trí 17 và 18.
Xếp hạng đại học của QS là một trong những xếp hạng uy tín hàng đầu thế giới. Tổ chức này đánh giá các trường đại học dựa trên 6 tiêu chí, bao gồm: Danh tiếng học thuật (40%), danh tiếng với nhà tuyển dụng (10%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (20%), tỷ lệ trích dẫn bài báo/giảng viên (20%), tỷ lệ giảng viên quốc tế (5%), tỷ lệ sinh viên quốc tế (5%).