Những thứ trang phục lộng lẫy, xa hoa luôn khiến người ta tưởng tượng về một thế giới màu hồng - nơi mà các nhà thiết kế chỉ việc vẽ, cắt, dựng hình, may và kiêu hãnh bán lại cho các tín đồ.
Tuy nhiên “đời không như là mơ”, trang phục nhìn chung dù đơn điệu hay cầu kỳ, nó cũng là một món hàng cần khách và hẳn nhiên không thể nằm ngoài vòng xoáy của nhịp điệu mua bán. Tất nhiên điều này phải loại trừ một số thứ quần áo thoát xác khỏi lốt quần áo, biến hóa thành tác phẩm nghệ thuật, không nằm trong tủ mà để treo lên cho người đời chiêm ngưỡng. Nhưng những thứ ấy không nhiều.
Vì thế, nếu nhà thiết kế chỉ là nhà thiết kế, không có cái đầu của nhà kinh doanh hoặc chí ít thuê mướn được những cái đầu của nhà kinh doanh thì chuyện thua lỗ là điều khó tránh khỏi. Nhất là khi họ đang trong vai “con buôn” đưa sản phẩm của mình ra một cái chợ đang nháo nhào vì nền kinh tế thế giới lụi bại, dân tình ham chuộng hàng sành điệu giá rẻ và luôn nằm trong tình thế “cung nhiều hơn cầu”.
Thế giới thời trang đâu chỉ toàn màu hồng và ánh hào quang? |
Những món nợ đình đám trên thế giới
Những tên tuổi “fast fashion – thời trang mì ăn liền” như Zara, H&M, Unilqo… luôn bị đánh giá kém về độ sáng tạo nhưng lại thường xuyên thu được khoản lợi nhuận khổng lồ. Giá thành sản phẩm thấp, không phải chi nhiều cho tiền “chất xám” cộng với những chiến dịch quảng cáo bắt mắt và chính sách bán hàng thông minh đã giúp họ mang sản phẩm của mình đến với người mua hàng đủ mọi tầng lớp. Tuy nhiên, những tín đồ đích thực luôn ngoảnh mặt với họ.
Cao cấp hơn, Dolce&Gabbana hay Tory Burch cũng là những thương hiệu tỉ đô thường đạt lợi nhuận dương do biết khéo léo đi đúng thị hiếu của giới khách hàng sẵn sàng bỏ tiền cho những món đồ xa xỉ.
Tuy nhiên, những trường hợp trên chỉ là một số ví dụ không nhiều của những người thực sự biết kinh doanh trong ngành công nghiệp thời trang. Thực tế, rất nhiều nhà thiết kế đã phải lâm vào cảnh nợ nần để theo đuổi đam mê của mình. Một chuyên gia về thời trang từng nói, đối với nhiều nhà thiết kế, họ làm việc như những người nghệ sĩ, mà nghệ sĩ thường thờ ơ với tiền.
Vào khoảng năm 2009, giới yêu thời trang phải sững sờ trước thông tin nhà thiết kế Christian Lacroix tuyên bố phá sản. Với cái túi rỗng tuếch của Christian Lacroix, màn trình diễn haute couture tráng lệ cuối cùng may sao vẫn được diễn ra nhờ sự trợ giúp của những thợ thêu thủ công, thợ may tình nguyện làm không công trong hàng trăm giờ đồng hồ. Thậm chí vải cao cấp còn sót lại cũng chỉ đủ tạo nên 24 mẫu trang phục ít ỏi. Giày được hỗ trợ, người mẫu trình diễn không cần lương, thợ làm tóc cùng trang điểm cũng làm không thù lao và bảo tàng được cho mượn miễn phí.
Màn trình diễn haute couture cuối cùng của ông hoàng làng thời trang xa xỉ. |
Thương hiệu Lacroix đóng cửa đã chấm dứt 22 năm “tay chơi” Christian Lacroix quay cuồng trong đam mê bất tận của mình mà bỏ quên bài toán kinh doanh. Tổng thiệt hại trong suốt 22 năm ngụp lặn trong thiên đàng thời trang xa xỉ khiến nhà thiết kế tài năng chui xuống hố lầy, khi phải gánh trên vai số nợ khổng lồ lên tới 150 triệu Euro (tương đương khoảng 4.200 tỷ đồng).
Điều đáng nói là trong cả thời điểm sáng chói nhất của sự nghiệp 22 năm, chưa bao giờ thương hiệu đình đám này làm ăn có lãi mặc dù được rất nhiều ngôi sao ưa thích. Sự sụp đổ của tên tuổi lớn nhất nhì làng thời trang xa xỉ là hồi chuông cảnh báo cho thú tiêu tiền như đốt của haute couture.
Cũng trong năm 2009, khi kinh tế thế giới đảo điên, người ta cũng chứng kiến sự sụp đổ của tập đoàn IT Holding SpA – chủ quản thương hiệu Gianfranco Ferrre bởi số nợ hàng trăm triệu USD và tập đoàn thời trang lớn của Nhật Bản Yohji Yamamoto với gần 70 triệu USD (1.400 tỷ đồng) .
Nguyên liệu đầu vào kén chọn, sử dụng nhân công tay nghề tốt… tất cả khiến giá sản phẩm quá cao khiến giới tín đồ - những người còn đang hoang mang trước tình hình tài chính ảm đạm phải chùn chân. Thị phần khách hàng bị thu hẹp lại. Đi kèm với đó, lòng kiêu hãnh không cho phép các nhà thiết kế giảm giá sản phẩm xuống mức vừa vặn, khiến các trang phục cao cấp bị ế ẩm.
Việc mở rộng các cửa hàng một cách vô tội vạ cũng khiến thương hiệu thời trang lâm vào cảnh thua lỗ. Khoản nợ kếch xù lên tới 685 triệu USD do mở tới 1.000 cửa hàng bán lẻ trên toàn thế giới khiến nhà thiết kế Max Azria mất quyền kiểm soát thương hiệu thời trang mang tên ông.
Cũng phải nói thêm, nhiều mẫu thiết kế mang cái tôi quá cao, chỉ có thể mặc lên thảm đỏ chứ khó ứng dụng được trong đời thường, cũng hạn chế tối đa lượng khách ngó ngàng tới. Những thiết kế xa hoa, lộng lẫy và đắt đỏ được đánh giá cao ở mặt nghệ thuật nhưng lại là một món đầu tư phù phiếm trên thị trường tài chính.
Tình hình tài chính khó khăn của các công ty thời trang vô tình cũng kéo theo nhiều áp lực cuộc sống cho các nhà thiết kế vốn tôn sùng chủ nghĩa hoàn mỹ. Ví dụ như cái chết của thiên tài ngành thời trang nước Anh Alexander McQueen bắt nguồn từ cuộc sống không lối thoát của ông. Những màn trình diễn choáng ngợp vượt ngoài sức tưởng tượng của con người, mẫu thiết kế được tạo nên từ chất liệu thượng hạng nhất nhưng khó khăn trong việc ứng dụng… khiến thương hiệu của McQueen ngập sâu trong nợ nần và phải bán lại cho tập đoàn PPR.
Ngày nhà thiết kế tự tử, thương hiệu của ông gánh trên vai số nợ ròng 50 triệu USD (tương đương với 1.000 tỷ đồng). Trong một bài phỏng vấn, ông u buồn chia sẻ: "Khi tôi chết đi, hy vọng có ai đó sẽ thay tôi duy trì nổi thương hiệu".
Áp lực nợ nần và nỗi buồn phải bán lại thương hiệu được cho là cũng có ảnh hưởng tới hành vi tự tử của McQueen. |
Mới đây nhất, vụ tự tử của nữ thiết kế nổi tiếng người Mỹ L’Wren Scott cũng là một trường hợp rất đáng tiếc. Dù các tác phẩm do L’Wren Scott tạo ra tuyệt đẹp và được những ngôi sao hàng đầu Hollywood như Nicole Kidman, Penelope Cruz, Angelina Jolie ưa thích, nhưng thương hiệu này vẫn làm ăn thua lỗ. Số nợ cô phải gánh là 6 triệu USD (tương đương với 120 tỷ đồng) và hoàn toàn không có khả năng trả nợ.
L’Wren Scott không đủ tiền để thanh toán cho các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào và cả nhân viên của mình. Đồng thời niềm khao khát thành công và lòng kiêu hãnh của cô bị thực trạng tài chính u ám đập tan, khiến L’Wren Scott gặp phải khủng hoảng về tâm lý tới mức phải hoãn lại show trình diễn thuộc tuần lễ thời trang. Các mẫu thiết kế của L’Wren Scott rơi vào tầm vài nghìn đô cho một sản phẩm thông thường, vượt quá khả năng chi trả của nhiều khách hàng, trong khi thương hiệu L’Wren Scott chưa phải là cái tên đầu tiên người ta nghĩ tới khi sẵn sàng bỏ một món tiền lớn.
Nhà thiết kế Việt Nam trước “bóng ma” tài chính
Tính tới thời điểm này, làng thời trang Việt chưa phải chứng kiến những vụ việc tang thương như những trường hợp kể trên, nhưng giới trong nghề đều truyền tai nhau các câu chuyện về tính khắc nghiệt của thị trường kinh doanh thời trang.
Chẳng hạn như nhà tạo mẫu T.D, vốn học thiết kế nhưng do chưa đủ điều kiện, anh phải đi viết báo. Sau một thời gian đủ vốn, anh mới có thể quay lại với nghề được đào tạo chính quy của mình. Tuy nhiên chỉ sau một vài năm, sản phẩm của thương hiệu riêng bán không chạy, nợ mẹ nợ con liên tục đổ lên đầu. Không chịu nổi áp lực, anh đành từ bỏ đam mê, oằn lưng với rất nhiều công việc mỗi ngày nhằm mục đích dần dần trả nợ.
Hay như trường hợp một nhà thiết kế khá nổi tiếng tên N.X khác. Sản phẩm của chị tạo ra mang tính trình diễn, công phu và lộng lẫy nhưng giá cao, ít tính đại chúng và mang cái tôi quá lớn. Điều này khiến thương hiệu của chị cũng rơi vào vòng xoáy nợ nần và đang đứng trên bờ vực phá sản do sản phẩm luôn trong tình trạng ế ẩm.
Những bộ sưu tập xa hoa có thể dìm nhà thiết kế xuống vũng bùn của nợ nần. |
Cùng thực trạng trên, mới đây một nữ thiết kế được đánh giá cao của làng thời trang Hà thành cũng vừa phải nhượng lại một số cửa hàng của mình để lấy tiền duy trì thương hiệu.
Ngoài ra, chuyện nhà xưởng sản xuất cũng dễ dàng khiến các nhà thiết kế Việt rơi vào thua lỗ. Do không có xưởng riêng và phải đặt may sản phẩm ở các xưởng bên ngoài nên rất dễ xảy ra việc mất mát các mẫu thiết kế. Thời gian gần đây, một nhà thiết kế nam phải kêu trời vì sản phẩm của mình bị nhà xưởng bán lại mẫu mã và sản xuất đại trà khắp thị trường với giá rẻ chỉ bằng 1/20. Câu chuyện này cũng tương tự với chuyện Tory Burch từng bị thua lỗ 162 triệu USD do các nhà xưởng tại Trung Quốc bán lại mẫu mã của thương hiệu cho các đầu mối sản xuất hàng fake.
“Cơm áo không đùa với khách thơ”, câu nói này thực tế lại càng đúng trong thời đại kinh tế thị trường. Nếu ngành công nghiệp thời trang thiếu đi tính nghệ thuật thì nó thực sự vô cùng tẻ nhạt. Tuy nhiên nếu nó không có sự tính toán và chút “thực dụng hóa” khi đưa ra thị trường thì những trường hợp nợ nần chồng chất kể trên sẽ vẫn còn tiếp tục.