Câu chuyện thương tâm của bệnh nhân Nguyễn Thùy Dung (22 tuổi, Hà Nội) bị chồng vẩy xăng vào người và đốt khiến nhiều người xót xa.
Sau khi bị bỏng xăng, khuôn mặt cô hoàn toàn thay đổi, các vết sẹo do bỏng co rút khiến mí mắt dưới bị kéo xuống, mũi bị kéo lệch đi nhiều so với những ngày sau phẫu thuật. Dung cũng phải cắt bỏ hoàn toàn hai tai và tay bị biến dạng.
Trước trường hợp của Thùy Dung, bác sĩ Phạm Văn Gia, nguyên Phó giám đốc Viện Bỏng Quốc gia cho biết, bỏng xăng xếp loại bỏng do nhiệt khô. Xăng khi cháy có nhiệt độ rất cao nên thường gây bỏng sâu. Vết thương di chứng sau bỏng rất nặng nề, ảnh hưởng sức khỏe, thẩm mỹ và đặc biệt về mặt tâm lý của bệnh nhân.
Bỏng do xăng có những điểm nguy hiểm khác biệt so với bỏng thông thường như từ dầu ăn, nước sôi. Nhiều ca bỏng xăng dù được điều trị ngay lập tức vẫn có tỷ lệ thương tật nặng nề, cần thời gian điều trị lâu dài.
Thương tật nặng nề của Nguyễn Thùy Dung sau khi bỏng xăng. Ảnh: Quỳnh Như |
Nếu không chữa trị đúng cách, vết thương thường rất lâu khỏi. Bỏng rộng có thể dẫn đến hoại tử thứ phát, độ bỏng sâu hơn, co kéo bề mặt da tạo sẹo xấu. Nguy hiểm hơn, vết thương có thể bị nhiễm trùng gây nhiễm trùng máu, suy thận, suy đa tạng, ảnh hưởng đến tính mạng.
Sơ cứu bỏng xăng đúng cách
Theo bác sĩ Phạm Văn Gia, những ca bỏng xăng sẽ có khả năng cứu chữa hiệu quả nếu việc sơ cứu được thực hiện đúng và kịp thời. Dưới đây là các bước cần làm để sơ cứu nạn nhân:
- Loại trừ nguyên nhân gây bỏng. Tuy nhiên, khi dập tắt ngọn lửa từ xăng nên lưu ý, không dùng nước. Điều này khiến người bị nạn bỏng nặng hơn, vì xăng nổi lên trên nước sẽ tiếp tục bốc lửa, lan rộng. Bạn nên dùng chăn, ga trùm lên nạn nhân nhanh chóng.
- Ngay sau khi dập lửa, chúng ta cần giảm nhiệt tại chỗ bị bỏng cho nạn nhân. Người ứng cứu nên dội nước sạch từ 30-60 phút liên tục, phương pháp này giúp nạn nhân không bỏng sâu hơn.
- Giữ cho vết bỏng sạch, tuyệt đối không tự ý sử dụng bất kì loại thuốc nào, không làm vỡ chỗ phỏng nước. Các phần quần áo, da dính vào vết bỏng không nên tự ý bóc ra.
- Dùng gạc vô khuẩn hoặc vải sạch phủ lên vết bỏng, nhanh chóng đưa nạn nhân đến viện điều trị, không tự điều trị tại nhà.
Bên cạnh đó, bác sĩ Gia cũng khuyến cáo, bệnh nhân bỏng không nên điều trị bằng các thuốc y học dân tộc, kinh nghiệm dân gian chưa có cơ sở khoa học như bôi kem đánh răng, nước mắm, hay dùng lòng trắng trứng gà. Những cách chữa trị này có thể gây nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, biến chứng khôn lường.