Cùng lúc, BTS và Twice - 2 nhóm nhạc hàng đầu Hàn Quốc - hứng chịu rắc rối từ làn sóng tẩy chay tại Nhật Bản. Viết về những tranh cãi BTS phải đối mặt gần đây, báo New York Times mô tả “ngay cả các nhóm nhạc pop nổi tiếng thế giới cũng chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng chính trị”.
BTS và Twice được xem là hai nhóm nhạc dẫn đầu làn sóng “tái sinh” Kpop tại Nhật Bản, sau sự suy yếu của những đàn anh, đàn chị thuộc thế hệ thứ 2 như SNSD, KARA, TVXQ… Thế nhưng, đi cùng danh tiếng là sự chú ý có phần khắt khe. Đây là nguồn cơn của những tranh cãi, nhất là trong bối cảnh quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản luôn "cơm không lành, canh chẳng ngọt".
Dẫn đầu làn sóng "tái sinh" Kpop tại Nhật Bản
Kpop bắt đầu đặt nền móng ở các nước trong khu vực từ năm 2000. Hiếm quốc gia nào “thoát khỏi” tầm ảnh hưởng của nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc, đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc. Bắt đầu với thành công của H.O.T. năm 1997, các công ty giải trí lớn ồ ạt ra mắt hàng loạt nhóm nhạc với mục đích rất rõ ràng là mở rộng thị trường Đông Á.
Các nhóm như TVXQ, Super Junior, SNSD, KARA, Big Bang, 2PM… được đưa đến Nhật Bản và Trung Quốc để quảng bá. Họ mở đường cho sự thành công liên tục của các nhóm nhạc Kpop sau này. Hiện tại, từ nền tảng vững chắc được gây dựng bởi tiền bối, Twice và BTS có chỗ đứng vững chắc tại thị trường âm nhạc lớn thứ 2 thế giới.
Hiện tại, Twice là nhóm nữ Kpop đạt thành tích nổi bật nhất tại Nhật Bản. |
Có nhiều lý do chứng tỏ Twice là nhóm nhạc nữ quyền lực nhất Kpop hiện nay. Ở Hàn Quốc cũng như khi mở rộng hoạt động sang Nhật Bản, nhóm nhạc nhà JYP liên tiếp thiết lập kỷ lục.
Mới đây, giải thưởng Japan Record Awards - được mệnh danh Grammy Nhật Bản - thông báo Twice chiến thắng hạng mục Excellent Work Award nhờ single Wake Me Up phát hành tháng 5 vừa qua. Wake Me Up đạt 500.000 bản bán ra, giúp Twice trở thành nhóm nhạc nữ nước ngoài đầu tiên tại Nhật Bản đạt chứng nhận bạch kim kép.
Các ca khúc ra mắt trước đó của Twice là One More Time, Candy Pop đều có chứng nhận bạch kim với trên 250.000 bản. Chỉ sau 8 tháng hoạt động, 9 thành viên xuất sắc đạt 1 triệu bản doanh số album.
Vào tháng 9, album phòng thu tiếng Nhật đầu tiên của Twice mang tên BDZ chính thức ra mắt. Trong ngày đầu tiên, abum tiêu thụ 89.721 bản, chính thức vượt qua kỷ lục của đàn chị SNSD với album Girls’ Generation (74.000 bản).
Hơn một năm kể từ khi tiến sang thị trường âm nhạc Nhật Bản, Twice làm được điều mà các tiền bối phải vất vả mới thành công. Đó chính là tổ chức đêm nhạc tại "thánh đường" Tokyo Dome. Trong lịch sử Kpop, đây là nhóm nữ thứ 3 đặt chân tới Tokyo Dome sau 2 “huyền thoại” KARA và SNSD.
BTS gặt hái thành công ở thị trường trong nước cũng như quốc tế. |
Còn BTS vừa chinh phục thành công “thánh đường” Tokyo Dome vào 13-14/11. Ngay lúc “nước sôi lửa bỏng”, 50.000 khán giả Nhật Bản xếp hàng dài, chờ đợi được bước vào đêm diễn của nhóm nhạc nam.
Dòng người hòa mình vào âm nhạc. Họ không bận tâm những tranh cãi xoay quanh thần tượng. Sự ủng hộ của fan dành cho BTS là một mặt khác tồn tại song song với làn sóng tẩy chay của bộ phận khán giả vốn không ưa Halluy.
Nói thêm về thành công của BTS tại Nhật Bản, nhóm nhạc này đã vươn tới vị thế khi xưa của TVXQ hay Big Bang. Love Yourself - album thứ ba của 7 thành viên - phát hành vào 2/4, bán được 282.000 bản trong tuần đầu tiên, đặt cột mốc mới cho một nghệ sĩ Hàn Quốc. Nhóm giữ kỷ lục trước đó là nhóm nhạc nữ KARA. Họ bán được 275.000 bản album Super Girl trong tuần đầu tiên vào tháng 11/2011.
Tờ Chosun trích lời nhà phê bình văn hóa Jung Duk Hyun: "Khi The Beatles trở thành hiện tượng ở Mỹ những năm 1960, họ gọi đó là ‘cuộc xâm lược của nước Anh’. Khái niệm này đang dần phổ biến tại Nhật Bản do sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Kpop, đặc biệt là BTS - The Beatles của thế kỷ 21".
Con đường Nhật tiến gặp chướng ngại vật lớn
Theo Chosun, hoạt động xuất khẩu âm nhạc Hàn Quốc sang Nhật Bản trị giá 277,3 triệu USD năm 2016. Tuy nhiên, ngay lúc này, 2 nhóm nhạc góp công lớn tạo nên doanh thu khổng lồ đứng trước những thách thức và nguy cơ.
Cả BTS và Twice đang vấp phải làn sóng tẩy chay từ một bộ phận khán giả. Vụ việc thổi bùng sự ghét bỏ làn sóng Halluy xưa nay vẫn tồn tại trong một bộ phận công chúng Nhật Bản.
Tất cả bắt nguồn từ một trang phục của thành viên Jimin. Chiếc áo có hình ảnh đám mây mọc trên thành phố Nagasaki, kèm dòng chữ "Patriotism Our History Liberation Korea” (Tạm dịch: Chủ nghĩa ái quốc - Lịch sử đất nước - Giải phóng Hàn Quốc).
Một số người cho rằng đây là hình ảnh tượng trưng cho vụ Mỹ ném bom nguyên tử vào Nhật Bản cuối Thế chiến II, trong khi dòng chữ ám chỉ sự chấm dứt thời kỳ thuộc địa 35 năm của Nhật Bản trên bán đảo Triều Tiên.
Jimin mặc chiếc áo gây tranh cãi. |
Dư luận Nhật Bản phẫn nộ, đài truyền hình Asahi quyết định hủy phần trình diễn của BTS trong chương trình Music Station vào ngày 9/11. Và vụ việc của BTS chưa lắng xuống thì đến lượt Twice dính vào tranh cãi tương tự.
Ngày 13/11, chính trị gia Nhật Bản Onodera Masaru chia sẻ bức ảnh Dahyun mặc chiếc áo được cho là liên quan đến vấn đề nhạy cảm "phụ nữ giải khuây" (phụ nữ Hàn Quốc bị biến thành gái điếm phục vụ quân đội Nhật Bản thời chiến tranh). Hình ảnh được chụp từ tháng 9/2017 nhưng chiếc áo dấy lên cuộc tranh luận trên mạng xã hội Nhật Bản lẫn Hàn Quốc.
Nhiều người Nhật Bản không khoan nhượng kể cả khi Twice có 3 thành viên người Nhật. Họ yêu cầu nhóm nhạc của JYP bị gạch tên khỏi chương trình đón giao thừa quốc gia Kōhaku Uta Gassen.
Theo Chosun, xung đột chính trị giữa Hàn Quốc và Nhật Bản có thể có ảnh hưởng đến vấn đề trao đổi song phương. Đây là một thách thức lớn, bởi Nhật Bản vốn là thị trường quan trọng với thần tượng Kpop. Chưa kể, Twice có 3 thành viên người Nhật, vụ việc càng bị đẩy lên cao, nhóm càng chịu thiệt thòi, rắc rối.
"Nhật Bản chiếm một nửa lợi nhuận của Kpop và vẫn có tiềm năng tăng trưởng. Đối với Nhật Bản, thị trường Hàn Quốc có thể được sử dụng như một bước đi thử nghiệm trước khi tiến tới toàn cầu", nhà phê bình văn hóa Ha Jae Keun nhận định.