Cơm trắng mẹ ăn, thức ăn phần con
Có chuyện vui, chuyện buồn họ chỉ biết cười, cười như chưa bao giờ được cười. Ở cái tuổi làm bố làm mẹ, làm ông làm bà nhưng vẫn có người như đứa trẻ con đòi ăn, tranh giành thức ăn không được lại dỗi rồi khóc. Đó là cảnh chúng tôi chứng kiến tại bữa ăn trưa của các bệnh nhân tâm thần.
11 giờ trưa, đến giờ ăn của các bệnh nhân tâm thần tại khoa Cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Tiến sĩ Tô Thanh Phương trưởng khoa dẫn chúng tôi đến phòng ăn kể về từng bệnh nhân với các triệu chứng khác nhau ở họ. Có người bị trầm cảm không nói năng gì nhưng cũng có người hay nói, nói hết phần của người khác.
Bữa cơm của những bệnh nhân tâm thần. |
Bữa ăn của bệnh nhân, số người phục vụ họ gần bằng số bệnh nhân. Các điều dưỡng đều cố gắng cho bệnh nhân ăn nhanh để họ không tranh giành thức ăn của nhau. Bệnh nhân tên Nguyễn Thị L. khá tỉnh táo hơn các bệnh nhân khác, chị ôm hộp cơm ra một góc khuất ăn để tránh những người bạn cùng phòng tranh đồ ăn.
Những miếng cơm nhạt thếch chị gói gém trong chiếc thìa to, miệng nhai thật nhanh. Phần thức ăn, chị không dám ăn đến vì chị bảo để dành cho con. Điều dưỡng bảo ăn, chị lại cười "em phần con em đấy". Chị điều dưỡng lại bảo "ăn nhanh không tôi gọi chồng chị vào này". Nghe thấy thế, chị L. vốn rất sợ chồng, chực khóc "Em ăn đây, em ăn đây".
Chị L. quê ở Ứng Hòa, Hà Tây. Hai vợ chồng ly hôn khiến chị bị sang chấn tâm lý gây ra bệnh hoang tưởng. Hai năm ly hôn thì gần 1 năm chị vào viện. Từ ngày vào viện, mẹ chị chăm sóc và cứ nói đến chồng là chị sợ nên ăn hay uống thuốc không cần phải giục gì cả. Tiến sĩ Phương cho biết các điều dưỡng đều phải nắm được hoàn cảnh của từng bệnh nhân để dỗ dành họ ăn. Chăm sóc bệnh nhân chẳng khác nào chăm sóc con mọn.
Đang nói chuyện, một bệnh nhân khác chạy ra nắm chặt tay bác sĩ cười ngắc ngoải đòi ngồi ăn cùng bác sĩ. Vốn tính nhẹ nhàng, hiểu bệnh nhân, TS Phương dỗ dành "lát bác ăn sau". Cô bé chạy về chỗ ăn lấy ăn để và còn đi tranh của các bạn khác, đòi ăn thêm.
Những người nào tỉnh táo, bệnh đỡ nặng hơn sẽ cố gắng chọn thức ăn ngon. Nhiều bệnh nhân ốm nặng họ chẳng ăn gì chỉ ngồi nhìn đĩa thức ăn rồi cười sằng sặc. Những đĩa cơm như chan đầy nước mắt của những người chỉ biết cười.
Người nhà thở dài trong thế giới người điên
Đứng ở ngoài cửa nhìn người chị gái đang ngồi ăn trong phòng ăn, ông Nguyễn Văn Nam trú tại Đông Hưng, Thái Bình chỉ thở dài, giọng khàn đặc vì ông như muốn khóc. Bao năm nay, ông thay cha mẹ chăm sóc người chị bị bệnh tâm thần. Với ông, chị chẳng khác nào đứa con gái thơ dại.
Ông Nam kể chị gái bệnh nặng lắm chữa đủ nơi nhưng không ăn thua. Đưa chị lên đây, ngày nào ông cũng đau đáu đi theo chị. Mua cơm về phòng ăn, chị không ăn mà đòi sang nhà ăn cùng với mọi người. Chiều chị, ông đưa chị sang nhà ăn để được ngồi với những người khác. Nhưng chị gái ông bị nặng lại già rồi nên ăn chậm. Ông Nam bảo "ăn được tý nào thì ăn, tý về phòng tôi bổ sung thêm thức ăn cho có nhiều chất đảm bảo chữa bệnh".
Chị gái ông Nam bị hoang tưởng hơn 40 năm nay do bị người yêu phản bội. Ngày bố mẹ còn thì bố mẹ ông chăm. Giờ ông bà mất rồi, ông Nam là chỗ dựa duy nhất của bà chị gái kém may mắn. Vừa nhìn chị ăn, giọng ông Nam nghẹn ngào "chị ấy xinh đẹp lắm nào ngờ số phận ác nghiệt, hơn 40 năm rồi sống cuộc sống chẳng được làm người bình thường".
Ăn xong, bà Tâm chị gái ông Nam lại bám chặt tay em đi về phòng ngủ. Nhìn hai chị em họ đi, TS Phương ái ngại "Bà ấy bị hoang tưởng nặng lắm, gia đình chữa linh tinh. Giờ lên đây gần 1 tháng nên bệnh giảm đi rõ rệt. Hi vọng, ở viện thêm thời gian bệnh nhân có thể phục hồi phần nào cho người thân bớt khổ".
Bệnh nhân tự cầm kéo cắt dần tóc mình. |
Phía góc ngoài của phòng ăn, một người phụ nữ cắt tóc tém như con trai lầm lũi xúc từng thìa cơm. Chị là con gái gốc làng hoa Nhật Tân, Hà Nội. Sau cơn cuồng ghen của người chồng, chị trở thành cái bóng không hồn. Mái tóc dài, đen nháy đã bị chị cầm kéo cắt dần, cắt dần cho đến khi nó nham nhở chẳng ra hình mái tóc. Đến điều trị ở bệnh viện, chị trong trạng thái trầm cảm không nói chuyện với ai và luôn có ý định tự sát.
Bữa cơm diễn ra chỉ 20 phút, bệnh nhân ai về phòng người ấy chỉ còn lại những người điều dưỡng và cô hộ lý của bệnh viện thu dọn "chiến trường". Chị Hưng - điều dưỡng của khoa kể: "Bệnh nhân tâm thần là thế. Mình chăm sóc họ về sức khỏe tâm thần còn vất vả hơn chăm con mọn. Những bữa cơm dần quen với các nhân viên ở đây, còn với người nhà bệnh nhân thì bữa cơm chỉ toàn tiếng thở dài"