Vaccine đã giúp hàng triệu người Việt Nam và hàng tỷ người trên thế giới được trang bị lớp khiên giáp chống lại Covid-19. Tuy nhiên, vẫn còn đó những người mắc bệnh nền, không đủ điều kiện chủng ngừa vaccine nên luôn trong trạng thái lo lắng, bất an. Đến khi họ được tiêm kháng thể đơn dòng Evusheld, cuộc sống bình thường mới trở lại.
Evusheld giúp người bệnh nền hòa nhập cộng đồng
Ngày 25/3, bà Nguyễn Thị Phiên (76 tuổi, TP.HCM) trở thành người đầu tiên tại Việt Nam tiêm kháng thể đơn dòng Evusheld phòng Covid-19. Sau 6 giờ tiêm Evusheld tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, bà tự nhủ đã được “tự do”.
“Bản thân lớn tuổi, mắc nhiều bệnh nền như dị ứng nặng, huyết áp, tiểu đường, viêm loét tá tràng, gout, vảy nến, không dùng được nhiều loại vitamin, không có cơ hội tiêm vaccine do dị ứng nặng nên tôi cô lập mình trong phòng 4 bức tường, chỉ làm bạn với TV và điện thoại. Tôi không đi đâu, hạn chế giao tiếp với người nhà, không ăn cơm chung”, bà chia sẻ.
Bà Phiên trong bữa cơm cùng con cháu sau khi tiêm Evusheld. |
Sau khi tiêm, bà Phiên được đón nhận những niềm vui cũ, gặp lại bạn bè tâm giao. Những người bạn ở xa thấy bà trên TV cũng gọi hỏi thăm sức khỏe, chúc mừng bà được tiêm kháng thể đơn dòng Evusheld.
Một ngày của bà trở nên ý nghĩa hơn khi sáng thức dậy có thể cùng gia đình hàn huyên bên tách trà hay đọc sách, chăm sóc cây cảnh. Những việc rất đỗi bình dị, đời thường, mà đến khi tiêm ngừa xong, bà mới có thể bước ra khỏi phòng để thực hiện.
Nhớ lại bữa ăn đầu tiên với gia đình sau khi tiêm ngừa, bà kể: “Cũng chỉ là cơm, canh cùng món kho và ít trái cây như mọi ngày, nhưng bữa cơm ngon vô cùng bởi hai năm rồi, tôi mới ngồi ăn cùng con cháu”.
Sau 3 tháng tiêm Evusheld, chị Lê Thanh Nhi (32 tuổi, Bến Tre) nói mình như được trở về “cuộc sống bình thường mới hạnh phúc”. Chị bị sốc phản vệ độ 4 sau khi tiêm vaccine Covid-19, một chân như bước vào cửa tử. Nhờ tiêm kháng thể đơn dòng Evusheld, chị trút bỏ gánh nặng trên vai bấy lâu.
Khi chị vừa từ BVĐK Tâm Anh TP.HCM trở về, con trai đã chờ sẵn ở cửa, ôm chầm lấy mẹ reo lên: “Nhà mình không cần cách ly, mẹ không cần mang khẩu trang khi ở nhà nữa. Con được ăn cơm chung với mẹ, ôm mẹ ngủ mỗi ngày rồi!”.
“Tôi được bạn chở đi ăn tô hủ tiếu 15.000 đồng ở quán cũ, vị cũ, nhưng sao thấy ngon lạ thường. Đó là niềm vui sau thời gian dài ăn lủi thủi một mình, dù món ngon đến mấy cũng trở thành vô nghĩa, việc ăn uống như thể chỉ để tồn tại”, chị Nhi tâm sự.
Chị Nhi được tiêm kháng thể đơn dòng Evusheld tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM. |
Trong khi đó, bé Đặng Gia Bảo (14 tuổi, Trà Vinh, hai lần sốc phản vệ với vaccine) tiêm ngừa xong đã được trở lại trường học sau thời gian dài xin trường học online tại nhà.
Anh Đặng Chí Tâm, cha của Bảo, chia sẻ: “Tiêm Evusheld, cháu như vớ được phao. Từ khi ở BVĐK Tâm Anh TP.HCM trở về, cháu được giải phóng khỏi 4 bức tường trong phòng, vợ chồng tôi thấy con vui mà cũng vui theo. Nếu sau 6 tháng dịch tiếp tục diễn biến, tôi sẽ đưa con lên TP.HCM tiêm thêm mũi duy trì miễn dịch cho cháu”.
Em Đặng Gia Bảo được khám sàng lọc trước khi tiêm kháng thể đơn dòng Evusheld. |
Không để Covid-19 giam lỏng cuộc sống
Sau hai năm Covid-19, bà Phiên chia sẻ quyết tâm không để dịch bệnh giam lỏng cuộc đời. Bà lên kế hoạch đi du lịch Vũng Tàu cùng con cháu, điều trước khi tiêm kháng thể đơn dòng Evusheld bà không dám nghĩ đến. Vẫn mang khẩu trang, bà an tâm mình sẽ khó nhiễm bệnh.
Anh Xuân Độ, con trai bà Phiên, cho biết từ ngày được tiêm kháng thể đơn dòng ngừa Covid-19, mẹ anh thay đổi nhiều, đặc biệt là sức khỏe tinh thần. Bà vui, con cháu càng vui hơn, đi làm an tâm, không phải lo lắng bà ở nhà cô quạnh sinh bệnh.
Còn chị Nhi và chồng con lên kế hoạch ăn uống, đi chơi, thăm họ hàng sau một thời gian dài ai tới thăm, chị cũng trốn sau bếp. Chị Nhi cũng không còn nỗi lo sợ ăn uống chung với mọi người trong cơ quan, yên tâm sắp xếp đi đám cưới bạn bè, họ hàng, vượt qua nỗi sợ Covid-19.
PGS.TS.BS Phạm Văn Bùi - Chủ tịch Hội Thận lọc máu TP.HCM, giảng viên cao cấp Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM - cho biết: “Những người có bệnh nền nếu bị suy giảm miễn dịch dù đã tiêm 2-3 mũi vaccine vẫn có nguy cơ bị nhiễm Covid-19 và có khả năng diễn tiến nặng. Các đối tượng này thường là những bệnh nhân ung thư, mắc bệnh lý huyết học ác tính, ghép tạng, đang điều trị với các thuốc ức chế miễn dịch, hoặc bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý. Do vậy, cơ thể họ thường không thể tạo kháng thể tối ưu, khiến khả năng phòng bệnh chủ động bằng vaccine thấp hơn nhiều lần so với những người không mắc các bệnh lý trên".
Các nghiên cứu tại Mỹ chỉ ra rằng 2% người trưởng thành bị suy giảm miễn dịch nhưng chiếm đến 40-44% ca nhập viện dù đã tiêm đầy đủ vaccine Covid-19. Do đó, người ghép thận, ung thư, viêm khớp tự miễn, lupus ban đỏ… chưa thể chống lại Covid-19 một cách tối ưu nếu chỉ tiêm vaccine.
Về số lượng, người suy giảm miễn dịch sau tiêm hai liều vaccine thì nồng độ kháng thể được tạo ra thấp hơn 1,3-23 lần so với người bình thường. Về hiệu quả, hoạt động trung hòa của kháng thể chống lại SARS-CoV-2 cũng yếu hơn 32-64 lần. Về độ bền, ở 50% số người được nghiên cứu, nồng độ kháng thể của những người này giảm dưới ngưỡng phát hiện được sau 6 tháng.
Tiêm vaccine hữu ích và quan trọng, nhưng chỉ tiêm mỗi vaccine thì người mắc bệnh nền vẫn có nguy cơ nhập viện cao gấp 3 lần. Chưa kể, người bệnh mắc Covid-19 trở nặng sẽ chuyển vào khoa Hồi sức tích cực (ICU), tăng khả năng dùng thuốc vận mạch, nguy cơ tử vong so với người bình thường cao gấp 1,5-2 lần.
Khi mắc Covid-19, người bệnh mất nhiều tháng mới khỏi. Tình trạng kéo dài thời gian mắc bệnh sẽ tạo cơ hội cho các biến thể mới xuất hiện trên người suy giảm miễn dịch, từ đó lây lan cho cộng đồng.
Người bị suy giảm miễn dịch dễ thở máy, nhập viện khoa ICU nếu mắc Covid-19. |
PGS.TS.BS Trần Quang Bính - Giám đốc chuyên môn BVĐK Tâm Anh TP.HCM - chia sẻ: “Hàng nghìn người Việt Nam đã được tiêm kháng thể đơn dòng Evusheld tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội và TP.HCM, nhưng con số này còn ít so với nhu cầu thực tế của nhóm người bệnh suy giảm miễn dịch, ghép tạng (gan, thận…), ung thư, viêm khớp tự miễn, lupus ban đỏ… tại Việt Nam”.
Theo PGS.TS.BS Bính, nếu Covid-19 trở lại cộng với dịch viêm đường hô hấp do phế cầu khuẩn, cúm… tăng nhanh, điều này có thể gây nguy hiểm cho nhóm người suy giảm miễn dịch, mắc bệnh nền như đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và các bệnh phổi khác, bệnh gan, thận mạn tính, tim mạch, bệnh lý mạch máu não, bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ), tăng huyết áp, thừa cân béo phì… Những bệnh nhân này cần sớm tiêm nhắc lại vaccine hay Evusheld để thêm lớp áo giáp trước dịch Covid-19.
Hiện thế giới có 29 nước được cấp phép và sử dụng Evusheld. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đưa thành công thuốc này về nước, mở ra cơ hội cho hàng nghìn người có thêm lá chắn chống lại SARS-CoV-2. Những người được tiêm Evusheld vừa mang tính phòng ngừa dịch bệnh, vừa là nguồn động lực cho đội ngũ làm ngành y.
Bình luận