Hơn 11h30, Bảo, nhân viên công ty có trụ sở tại tòa nhà Sunwah (đường Nguyễn Huệ, quận 1) đi xuống mua bữa trưa ở quầy hàng rong ở góc đường Hồ Tùng Mậu giao Huỳnh Thúc Kháng, kế mặt sau tòa nhà.
Là khách quen, Bảo trò chuyện trong lúc người bán hàng chuẩn bị phần nui xào bò. Anh còn mang theo hộp đựng đồ ăn thủy tinh và túi giữ nhiệt đựng đồ ăn để không phải dùng hộp nhựa một lần.
“Mình mua ở đây quen rồi, đồ ăn ngon và rẻ hơn so với những nhà hàng trong khu này. Mình chủ trương tiết kiệm, giới hạn số tiền chi cho bữa trưa ở mức 40.000 đồng. Khu này tập trung nhiều nhà hàng sang trọng và đắt đỏ, chỉ những dịp đặc biệt hay đi liên hoan thì mình cùng đồng nghiệp mới tới những chỗ đó thôi”, Bảo nói.
Không riêng Bảo, nhiều nhân viên văn phòng cũng thắt chặt chi phí cho bữa trưa. Thay vì ăn uống ở những nhà hàng sang trọng, đắt đỏ trong khu đất vàng, đa số chọn mua đồ ăn ở những quán vỉa hè, hàng rong để tiết kiệm chi phí.
Bảo mang theo hộp thủy tinh khi mua đồ ăn trưa ở quầy hàng rong. |
Bữa trưa vỉa hè ở khu đất vàng
Khung giờ ăn trưa, hàng nghìn nhân viên văn phòng làm việc tại các tòa cao ốc Sunwah và Bitexco (phường Bến Nghé, quận 1) đồng loạt đổ xuống đường, nhanh chóng tản ra các nhà hàng, điểm ăn uống xung quanh.
Là nơi đặt văn phòng của những công ty, tập đoàn lớn với hàng nghìn nhân viên, các cung đường Nguyễn Huệ, Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Thúc Kháng có nhiều nhà hàng chủ yếu phục vụ nhu cầu ăn uống của nhóm này.
Với mức thuê mặt bằng đắt đỏ, giá một bữa trưa tại những nhà hàng này cũng không rẻ, dao động từ 60.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng.
Tuy nhiên, trái với hình dung về cảnh ăn uống sang chảnh của giới văn phòng ở khu trung tâm, không khó bắt gặp nhiều nhóm nhân viên thoải mái ngồi ăn trưa ở những hàng quán vỉa hè xung quanh các tòa cao ốc.
Nhiều nhân viên văn phòng ở trung tâm quận 1 chọn ăn các quán vỉa hè vì mức giá rẻ hơn. |
Những hàng ăn vỉa hè ở đây cũng đa dạng lựa chọn như cơm, bún, mì xào, bò kho, gỏi cuốn… với mức giá dao động 25.000-40.000 đồng, phù hợp với những người không muốn chi quá nhiều tiền cho một bữa ăn.
Chị Bảo Châu (32 tuổi), nhân viên công ty vật liệu xây dựng tại tòa Bitexco, cũng lựa chọn bữa trưa tiết kiệm. Chị và các đồng nghiệp cùng văn phòng thường ăn ở những quán vỉa hè hoặc đặt qua app để chọn lựa món có giá rẻ hơn.
“Những nhà hàng quanh khu này thường có giá cao, mỗi món từ 60.000 đồng nên tôi ít ghé tới. Tôi và các đồng nghiệp thường giới hạn mỗi bữa trưa khoảng 35.000-40.000 đồng. Để tiết kiệm, tôi thỉnh thoảng tự mang đồ ăn trưa đi làm hoặc mua đồ ở các cửa hàng tiện lợi, có giá rẻ hơn”.
Bán mì xào ở vỉa hè tại góc đường Hồ Tùng Mậu đã hơn 10 năm, chị Trần Thị Quí (48 tuổi), cho biết rất nhiều nhân viên văn phòng làm việc ở các tòa cao ốc như Sunwah và Bitexco là khách quen lâu năm.
“Tôi bán hai khung giờ chính vào 8-9h, khi dân văn phòng mua đồ ăn sáng, và 1 tiếng rưỡi ăn trưa từ 11h30. Tôi bán mì, hủ tiếu xào, nui xào, bún gạo xào với giá 30.000-40.000 đồng, là mức bình dân so với hàng quán khu này. Trước đây, chỉ có vài xe hàng vỉa hè như tôi, nhưng từ sau dịch, nhiều mặt bằng đóng cửa nên nhiều người tới đây bán hơn”.
Ông xã đang bận chạy cuốc xe ôm nên chị Quí vừa bán tại chỗ vừa kiêm luôn shipper khi có khách đặt mang đi. Vừa nhận được đơn từ khách làm việc tại tòa Bitexco, chị nhanh chóng làm rồi giao qua.
Chị Quí đã bán đồ ăn cho dân văn phòng trên đường Hồ Tùng Mậu hơn 10 năm nay. |
Chị cho biết cũng nhờ xe bán đồ ăn này mà vợ chồng chị có tiền trang trải cuộc sống, nuôi hai con lớn vào đại học và chăm lo được cho con út đang học lớp 6.
Tuy nhiên, thời gian này, khi xăng và nhiều mặt hàng đồng loạt tăng giá, chị gặp khó khăn để duy trì mức giá bình dân.
“Giờ đồ gì cũng đắt. Như rau cải ngọt trước đây chỉ 12.000 đồng/kg, giờ đã tăng gấp đôi. Nếu mình giữ nguyên giá như trước thì không trụ nổi. Tôi buộc phải điều chỉnh chút xíu. Nếu trước đây khách gọi phần nhiều bún, nhiều nui mình có thể cho miễn phí thì giờ phải tính thêm vài nghìn đồng”.
Hàng rong ngày càng nhiều
Sau khi nghỉ làm bếp ở nhà hàng, chị Hà Thu (42 tuổi) bắt đầu bán đồ ăn trên vỉa hè đường Hồ Tùng Mậu (quận 1) khoảng 3 tháng trước. Gánh hàng rong này có 3 món bún với mức giá từ 25.000-35.000 đồng và chỉ bán mang đi.
"Tôi bán cả bữa sáng và bữa trưa cho dân văn phòng trong khu này. Sáng thì từ 7-9h, còn trưa tầm 12h là dân văn phòng ùa ra, làm không kịp. Tầm 13h, hết giờ ăn trưa, tôi cũng dọn hàng, đi về".
Mới bán được thời gian ngắn nên hàng ăn của chị Thu chưa thể đắt khách bằng các hàng quán kinh doanh lâu năm trong khu vực.
Xe hàng rong tập xung quanh tòa Bitexco, phục vụ nhu cầu của dân văn phòng. |
Mỗi ngày chị bán được vài chục phần ăn. Đắt hay vắng khách còn tùy vào đợt nhận lương của dân văn phòng.
"Ở khu này, quán sang cũng nhiều mà hàng rong cũng lắm. Người làm tháng 10-13 triệu thì ăn phần bún 25.000-35.000 đồng. Người thu nhập hàng chục triệu một tháng thì vô nhà hàng sang trọng, ít nhất cũng 100.000 đồng/bữa trưa.
Thứ 6 thường đông khách nhất, nhưng cùng tùy đợt. Đầu tháng mới nhận lương thì nhiều khi người ta muốn ăn sang, đến cuối tháng hết tiền thì ăn vỉa hè, kẹt nữa thì tự mang cơm đi làm".
Thời gian gần đây, nhiều nguyên liệu tăng giá, chị Thu cho biết tiền lời giảm phân nửa. "Mới mở bán, chưa có khách nhiều nên tôi không dám tăng giá. Giá như thế này mà còn chưa cạnh tranh lại với mấy quán khác, tăng nữa chắc phải dẹp luôn quá".
Gia đình anh Hoàng (47 tuổi) đã bán đồ ăn trưa gần tòa nhà Bitexco hơn 10 năm nay. Vợ chồng và các con anh có 3 xe đẩy bán các loại bún nước và bún khô với mức giá 30.000-40.000 đồng.
"Trước đây, khu này không có nhiều hàng ăn vỉa hè. Nhưng từ sau dịch, quán xá trả mặt bằng, đóng cửa thành ra gánh hàng rong có thêm chỗ đứng bán".
Dù hàng rong nhiều hơn, anh Hoàng không lo về việc cạnh tranh hay bán ế.
"Dân văn phòng khu này hay lắm. Họ ăn đâu quen là cứ ăn mãi một hàng đó thôi, lâu lâu mới đổi món, đổi quán. Mấy hàng lâu năm như tôi cũng có nhiều khách quen, đúng giờ trưa là ùa ra mua nhanh lắm. Còn mấy hàng mới mở thì vắng khách".