Hơn 3 tháng qua, Tấn Lũ (20 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) làm việc tại một nhà hàng buffet với mức lương 21.000 đồng/giờ.
Anh được hỗ trợ bữa trưa tại chỗ và một khoản nhỏ cho việc đi lại. Trung bình mỗi tháng, thu nhập của nam sinh này dao động 2-4 triệu đồng tùy theo số lượng ca làm.
Theo Lũ, phần lớn mức lương này được anh chi trả cho khoản xăng xe. Nhà trọ cách nơi làm việc khoảng 8 km, giá xăng tăng cao, việc di chuyển trở nên đắt đỏ. 20-30% thu nhập còn lại được anh dùng vào nhu cầu giải trí hoặc chi phí phát sinh.
Khi được hỏi liệu mức lương có thấp so với công sức, nhân viên này cho rằng "phù hợp, ở đâu cũng trả như vậy".
"Tiền nhà trọ đã có chị hai trả giúp, tôi đi làm để tự lo khoản tiêu xài cá nhân. Tôi chọn làm ở nhà hàng này vì được phép đăng ký ca linh hoạt. Thu nhập không nhiều, nhưng giúp tôi bớt phải suy nghĩ về chi tiêu so với trước đây", Lũ chia sẻ với Zing.
Tấn Lũ cho rằng cần công việc linh hoạt dù lương hạn chế. Ảnh: NVCC. |
Từ 1/7, lương tối thiểu theo giờ của người lao động được tăng lên theo nghị định mới, dao động 15.600-22.500 đồng/giờ tương ứng với 4 vùng.
Các quận/huyện trung tâm của Hà Nội, TP.HCM được tính là vùng I, theo đó nhân viên làm việc theo giờ sẽ nhận ít nhất 22.500 đồng/giờ làm việc.
Ngoài ra, người lao động còn được hưởng mức lương tối thiểu vùng tăng 6% so với trước đó. Cụ thể, vùng I là 4,68 triệu đồng/tháng, vùng II là 4,16 triệu đồng/tháng, vùng III là 3,64 triệu đồng/tháng, vùng IV là 3,25 triệu đồng/tháng.
Trước đây, kể từ Bộ luật Lao động năm 2012, Việt Nam không có quy định riêng, cụ thể cho lương tối thiểu theo giờ, buộc người lao động nhận mức lương thả nổi theo thị trường hoặc thỏa thuận với cơ sở. Quy đổi từ mức lương tháng tối thiểu trong giai đoạn này (4.420.000/tháng, tính theo 26 ngày công, mỗi ngày 8 giờ), người làm việc theo giờ tại vùng I nhận 21.250 đồng/giờ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vào giai đoạn năm 2021-đầu năm 2022, đa số cơ sở kinh doanh như nhà hàng, siêu thị, quán cà phê, tiệm thời trang… đều chỉ chi trả khoảng 15.000-22.000 đồng/giờ cho mỗi nhân viên. Trước đó, nhiều nơi đưa mức lương chỉ 10.000-15.000 đồng/giờ, vẫn thu hút khá đông người làm việc.
Nhiều người, chủ yếu là bạn trẻ hoặc sinh viên, chấp nhận mức lương kể trên bởi có thể linh hoạt đăng ký ca làm theo lịch học.
Ưu tiên giờ làm linh hoạt
Theo Tấn Lũ, anh sắp xếp lịch học và công việc riêng để đăng ký 5-6 ca làm việc/tuần. Nhiệm vụ chính của anh là nhân viên phục vụ bàn, nhưng đôi khi được luân chuyển sang một số vị trí khác theo sự sắp xếp của quản lý.
Trải qua nhiều công việc part-time khác nhau ở các nhà hàng, quán cà phê, nam sinh quê Kiên Giang cho biết những nơi này thường có môi trường không quá khắc nghiệt, thời gian linh hoạt, tự do, ít yêu cầu trình độ chuyên môn cao.
Việc đi làm sớm giúp anh có cơ hội va chạm với thực tế, học hỏi kinh nghiệm quản lý, cách giao tiếp và những kỹ năng giúp ích cho công việc sau này.
"Tôi biết mức lương làm thêm thấp, lại không có chế độ hỗ trợ hay bảo hiểm. Tuy nhiên, còn là sinh viên, tôi chỉ muốn học hỏi và có thêm chút tiền tiêu vặt. Tôi dự định làm ở nhà hàng này cho đến hết năm nay, sau đó tìm kiếm công việc ổn định hơn có liên quan đến ngành học", anh nói.
15.000-20.000 đồng là mức lương theo giờ của nhiều nhân viên bán thời gian ở các cửa hàng. Ảnh: Phương Lâm. |
Tương tự Tấn Lũ, Như Uyên (21 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) cũng cảm thấy khá hài lòng với mức lương theo giờ của mình.
Vài năm qua, cô từng trải nghiệm nhiều công việc ở các cửa hàng F&B trước khi trở thành giám sát của một tiệm cà phê. Cô làm toàn thời gian (8 giờ/ngày), nhận 20.000-29.000 đồng/giờ kèm theo khoản thưởng từ doanh thu.
Trung bình mỗi tháng, thu nhập của Uyên dao động 5-8 triệu đồng. Theo Uyên, mức lương này đủ để cô xoay xở chi phí cá nhân mà không cần hỗ trợ của bố mẹ.
"Vì học chuyên ngành liên quan đến dịch vụ thực phẩm, tôi đi làm ở các cửa hàng, quán ăn từ năm nhất để học hỏi kinh nghiệm, tìm sự phát triển cho sự nghiệp sau này", Uyên chia sẻ.
Nữ sinh 21 tuổi cho biết thêm chỗ làm hiện tại của cô vẫn chưa có thông báo về việc điều chỉnh lương tối thiểu theo giờ. Tuy nhiên, theo Uyên, dù có tăng, mức lương chênh lệch cũng không quá khác biệt.
"Tôi nghĩ chỉ có thể tăng thêm mấy nghìn đồng một giờ. Con số này đối với tôi không quá đáng kể, nhất là khi tôi đi làm vì chủ yếu muốn lấy kinh nghiệm", Uyên chia sẻ.
Không biết mình lương thấp
Tại Việt Nam, lương tối thiểu tháng là mức thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động hưởng lương theo tháng. Việc quy định nhằm bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.
Đọc thông tin về tăng lương tối thiểu theo giờ, Anh Tú (22 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cảm thấy bất ngờ. 4 tháng qua, anh được trả 18.000 đồng/giờ khi làm nhân viên bán hàng tại một cửa hàng linh kiện điện tử. Nam sinh này từng ngỡ đây là "việc nhàn, lương tốt".
"Nhiều bạn bè của tôi cũng đi làm thêm với mức lương tương tự, cao nhất chỉ 20.000 đồng/giờ. Mỗi tuần, tôi đăng ký 6 ca làm, mỗi ca kéo dài 5 giờ. Cộng thêm doanh thu từ việc bán sản phẩm, cuối tháng tôi nhận khoảng 2,5-3 triệu đồng", Tú cho hay.
Anh Tú không biết về lương tối thiểu theo giờ, cho rằng mức lương hiện tại là phù hợp so với mặt bằng chung. Ảnh: NVCC. |
Theo Tú, anh mong muốn làm thêm các công việc liên quan đến chuyên ngành học, nhưng hầu hết nơi đều yêu cầu ca làm việc cố định.
Công việc bán hàng dường như là phương án phù hợp với thời gian biểu và cá tính của anh, dù mức lương hạn chế.
"Thú thật, tôi không hề biết gì về lương tối thiểu theo giờ. Tôi thấy thu nhập hiện tại khá ổn vì được cộng thêm hoa hồng. Nơi làm việc lại rất gần phòng trọ, tôi thường đạp xe đi làm. Có lẽ tôi sẽ trụ ở đây đến lúc đi thực tập vào học kỳ sau", anh kể.
"Tôi cũng chưa nghe quản lý nói về quy định tăng lương. Nếu được tăng thì tốt quá, mấy trăm nghìn đồng một tháng đối với sinh viên cũng là số tiền đáng kể", anh nói thêm.
"Không biết đến lương tối thiểu theo giờ", đó cũng là tâm sự của Bảo Linh (19 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) khi đi làm thêm tại một nhà hàng lẩu. Cô hiện được trả 20.000 đồng cho mỗi giờ làm nhân viên phục vụ bàn, được chia tiền tips theo ca làm việc. Tháng gần nhất, Linh nhận hơn 3 triệu đồng tiền lương.
"Ở chỗ tôi, nhân viên thu ngân hoặc những bạn làm lâu năm sẽ nhận mức lương cao hơn, khoảng 22.000-25.000 đồng/giờ. Tiền tips của khách hàng được chia đều cho tất cả vị trí trong ca. Không ai nói với ai về lương tối thiểu, tôi nghĩ đây là mức giá chung cho những sinh viên làm thêm như mình", cô cho hay.
Theo nữ sinh, dù có quy định mới về lương, cô cũng không dám đề xuất điều này với cấp quản lý. Cô lo ngại bị sếp phản đối, công việc về sau sẽ gặp khó khăn.
"Nếu anh chị trưởng ca, trưởng nhóm mở lời với sếp thì tốt hơn, chứ tôi vẫn là nhân viên mới. Hơn nữa, tôi nghĩ nhà hàng sẽ luôn có cách để cân bằng khoản chi trả cho nhân viên. Ví dụ, nếu chúng tôi được tăng lương, quản lý sẽ không chia phần tiền tips của khách cho tất cả nữa. Đến cuối cùng, chúng tôi cũng chỉ nhận mức lương như ban đầu mà thôi", cô nhận định.
Theo định nghĩa của Tổ chức Lao động Thế giới, lương tối thiểu "là mức thù lao tối thiểu mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động với khối lượng công việc được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định".
Mục đích là giúp người lao động không bị trả lương thấp một cách vô lý, đồng thời đảm bảo công bằng khi phân chia thành quả và giúp người lao động có mức sống tối thiểu.
Tại Mỹ, từ 2009, mức lương tối thiểu là 7,25 USD/giờ. Tùy mỗi bang sẽ có điều chỉnh phù hợp.
Tại Anh, mỗi độ tuổi lao động sẽ có mức lương tối thiểu khác nhau. Ví dụ, nhân viên rời trường học đến dưới 18 tuổi và thực tập sinh khoảng 4,81 bảng. 18-21 tuổi là 6,83 bảng. 21-22 tuổi nhận 9,18 bảng. Trên 23 tuổi là 9,5 bảng.
Không nhiều nơi tại châu Á quy định rõ ràng về mức lương tối thiểu. Nhật Bản trả lương tối thiểu giờ khoảng 8,46 USD. Trong khi con số này tại Hàn Quốc là 8 USD/giờ.