Có trường thì bắt giáo viên nam phải mặt áo dài tay, thắt cà-vạt khi lên lớp, có trường thì quy định nhẹ nhàng trang phục lịch sự không phản cảm.
Gần đây nhất, đầu năm học 2013 - 2014, hiệu trưởng một trường THCS và THPT ở Quảng Bình có văn bản cấm nữ giáo viên mặc váy lên lớp đã gây tranh cãi mà phần lớn là không đồng tình. Có ý kiến cho rằng, nên chăng có đồng phục cho giáo viên.
Bất cập có gì mặc nấy
Thời đất nước mới thống nhất (sau 30/4/1975), do còn nghèo có gì mặc nấy, có nhiều thầy (ở miền Bắc) vào lớp thường mặc áo xanh bộ đội hoặc áo kiểu cán bộ màu nâu đất; có thầy sang hơn mặc áo đại cán… khiến học sinh – nhất là học sinh đô thị miền Nam khá ngỡ ngàng vì không quen.
Thông thường các thầy thời đó hay mặc áo trắng màu cháo lòng, đặc biệt là không bỏ áo trong quần. Riêng các cô giáo cũng mặc áo xanh bộ đội, hoặc phổ biến là áo bà ba, đi đôi với quần lĩnh đen. Hiện tượng đó kéo dài cho đến năm 1986, nhờ đất nước đổi mới hình ảnh trang phục của thầy cô mới có phần thanh lịch hơn.
Cô Phan Hồng Anh, giáo viên dạy Toán Trường THPT Amsterdam (Hà Nội). |
Cũng nên nhắc trường hợp những thầy cô giáo ở miền Nam lúc bấy giờ: Tuy hòa hợp với các thầy cô ở miền Bắc vào dạy chung trường, nhưng các thầy cô này ăn mặc tươm tất hơn nhờ phong cách có sẵn trước 1975. Ví dụ nam mặc sơ-mi, quần tây, áo bỏ trong quần, nữ áo dài.
Nhưng dạy chung một trường, trước một đối tượng học sinh như nhau, sự khác biệt trong ăn mặc giữa thầy cô Nam - Bắc cũng tạo sự ngần ngại – chứ chưa nói khoảng cách, giữa các thầy; và học trò thì không tránh khỏi so sánh ngầm dẫn đến phân biệt, có thiện cảm chênh lệch với cô này thầy nọ.
Điều đáng nói, do thời ấy cái gọi là ý thức chính trị ít nhiều còn nặng nề trong các cơ quan công sở, trường học… nên nhiều khi sự khác nhau về trang phục giữa các thầy cô cũng có thể bị quy kết thành quan điểm, nhận thức riêng, hậu quả là có thể làm mất tình thân thiện, đoàn kết trong tập thể sư phạm nhà trường, cũng có nghĩa là ảnh hưởng xấu đến chất lượng giáo dục nói chung.
Nói như thế để thấy vấn đề trang phục, phong cách của thầy cô giáo là quan trọng trong nhà trường như thế nào. Thời nay, kinh tế phát triển, đất nước hội nhập thế giới, các thầy cô – cũng như bao thành viên xã hội khác, đã có điều kiện chọn lựa trong ăn mặc.
Thế nhưng chọn lựa ra sao cũng là vấn đề. Có nhiều thầy giáo đứng trên bục giảng với bộ cánh quá xì-tin hay sặc sỡ thái quá cũng không thể gọi là thích hợp với phong cách nhà giáo. Có nhiều cô giáo mặc áo sơ mi cộc, hở hang, thậm chí thấy cả nội y làm sao bảo toàn được hình ảnh cô giáo là mẹ hiền?
Khác biệt giữa nông thôn và thành thị
Có một sự khác biệt tương đối lớn giữa trang phục của giáo viên ở các địa phương. Cô giáo Tuệ Anh, hiện đang dạy THCS tại trường THCS Đam Pao (xã Đạ Đờn, Lâm Hà, Lâm Đồng), nói rằng:
“Các cô giáo, ai cũng thích mình đẹp hơn nên trang phục bây giờ đủ kiểu: áo dài cách tân, áo kiểu… Nhưng tuyệt đối không mặc quần jean, quần áo bó sát, áo mỏng, áo sát nách lên lớp, bị Ban nữ công nhắc nhở ngay”.
Một buổi học của HS Trường THPT chuyên Quang Trung (Bình Phước). |
Đam Pao là trường vùng xa, 50% học sinh là người dân tộc, các cô giáo dạy ở đây có khi là người ngoài thị trấn, vào trường cũng bớt sành điệu đi một chút.
Nhưng nhìn chung, như cô Tuệ Anh cho biết: “Mấy thầy cô ngoài thị trấn có điệu, có diện hơn, nhưng trang phục ở đây là vậy, chỉ một trong ba loại: áo dài, vest, quần tây áo sơ mi”.
Nhưng ở thành phố thì khác. Cô Hàn Hà - Giáo viên trường Tiểu học & Trung học Tây Úc (TP.HCM) thản nhiên: “Giáo viên nữ mặc váy đi dạy phổ thông là bình thường, vấn đề là phải chọn trang phục không hở hang, giản dị, lịch sự, váy phải qua đầu gối…”.
ThS Nguyễn Thị Phương Thúy, giáo viên Trường THPT Năng khiếu (TP.HCM), thì nói: “Mình toàn mặc váy đi dạy đấy chứ. Ở trường Năng khiếu, chuyện mặc váy đi dạy là bình thường. Nếu ở trường nào đó mà toàn giáo viên mặc đồ tây, mình mặc váy mới kỳ cục”.
Như vậy, chuyện trang phục khi đứng lớp cũng lại là chuyện môi trường, không gian sư phạm đặc thù của từng nơi. Và giáo viên, ngoài tiêu chí mình thích mặc cái gì, mặc cái gì tiện, thì phải cân nhắc xem xung quanh mọi người ra sao, văn hóa địa phương thế nào
Chưa có đồng phục nhưng cần chuẩn mực
Như thế cho thấy: Phong cách nhà giáo nói chung, trang phục thầy cô giáo nói riêng không thể không có sự mẫu mực chung nhất định khi mà cái gọi là quy định cứng về trang phục nhà giáo chưa thể và khó thể có hình mẫu chuẩn để áp dụng trong tất cả các nhà trường.
Trước mắt – thực ra là nhiều năm nay, ở nhiều trường học đã có áp dụng những kiểu mẫu trang phục nội bộ trong trường mình dành cho giáo viên. Ít nhất là cũng nhằm tránh được những bộ cánh phản cảm nhất định trong môi trường sư phạm và nhất là không làm xấu hình ảnh người thầy trong mắt học sinh.
Bởi trong thực tế các nhà trường cho đến nay, do thiếu sự mẫu mực chung về trang phục đã làm dấy lên những câu hỏi, thắc mắc không đáng có của học sinh làm ảnh hưởng đến tinh thần kỷ luật và học tập của các em:
Thầy được quyền mặc áo quần xanh xanh đỏ đỏ, áo bỏ ngoài quần, cô được quyền lúc mặc áo dài, lúc mặc váy, lúc mặc đồ Tây tùy theo mốt bên ngoài, còn các em quanh năm mài mãi một màu?
Có học sinh nào nếu lỡ dại bắt chước thầy cô dám tung hứng trong ăn mặc thì, a lê hấp, bị mời lên văn phòng, bị hạ hạnh kiểm, bị mời phụ huynh vào giáo dục lại…
Vấn đề đã và đang đặt ra là: Nếu các thầy cô giáo ăn mặc thiếu nghiêm túc, cư xử thiếu tế nhị, đi đứng thiếu chững chạc… sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của học sinh, ảnh hưởng không tốt đến môi trường giáo dục vốn lấy đạo đức, lễ nghĩa, nghi thức làm trọng.
Ngành Giáo dục đã qui định tất cả mọi học sinh đều phải mặc đồng phục, trong khi đó – dù chưa có quy định cứng, các thầy cô giáo lại ăn mặc… tự do, không đàng hoàng, thiếu tề chỉnh, “sao cũng được” phải bị coi là nghịch lý.
Anh Nguyễn Mai - Một phụ huynh miền Bắc vào sống ở TPHCM tâm tình: “Trường học của cháu tôi, cũng như nhiều trường học ở nông thôn Bắc Trung Bộ, không quy định giáo viên và học sinh phải mặc đồng phục.
Về chuyện trang phục, hầu như các trường chỉ đề ra tiêu chuẩn chung, đó là trang phục lịch sự, đầu tóc gọn gàng. Thế nên mới có chuyện nhiều giáo viên mặc quần jean, áo thun lên lớp, thậm chí, có giáo viên dạy môn họa còn mang cả mũ nồi, quần áo rằn ri như là trang phục của cảnh sát cơ động khi giảng bài.
Tôi nghĩ, chỉ nói riêng về tác phong, trang phục, phàm đã là nhà giáo thì phải tạo cho mình sự mẫu mực. Ai không muốn hoặc không thể mẫu mực được, có lẽ không nên làm giáo viên.
Sở dĩ ngoài trình độ chuyên môn, người giáo viên còn được yêu cầu phải có đạo đức, tác phong tốt là bởi điều học sinh tiếp thu ở thầy, cô không chỉ qua những kiến thức truyền giảng trên lớp, mà còn qua cả việc làm, hình ảnh thầy cô thể hiện ngoài đời. Chấn chỉnh lại giáo dục một cách toàn diện, theo tôi, về phía nhà trường, giáo viên, không nên coi nhẹ vấn đề này”.
Cô Mai Thắng - Giáo viên ở Vũng Tàu - góp ý: “Hiện nay một số trường đang xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh: cô giáo lên lớp phải mặc áo dài trang nhã, các thầy phải bỏ áo sơ mi trong quần, đeo cà vạt, đi giày. Mọi người đều gọi nhau bằng thầy, cô, gọi học sinh là em hoặc con.
Đó là những mô hình tốt cần nhân rộng. Rất mong quí thầy cô giáo, những kỹ sư tâm hồn không coi việc ăn mặc, nói năng, cư xử là chuyện nhỏ, là hình thức, mà là chuyện làm gương đẹp đẽ để học sinh học tập noi theo”.
Như thế, có thể mượn lời một cô giáo như sau để kết luận vấn đề: “Ăn mặc chỉnh tề, nói năng từ tốn, cư xử lịch thiệp, đi đứng trang nghiêm… đó chính là “mệnh lệnh không lời” để học sinh noi theo.
“Ở vùng quê nghèo, bất chợt gặp những người mặc âu phục đóng thùng – hoặc diện áo dài đủ màu thướt tha, mặc dầu không phải cao điểm mùa cưới cũng không phải ngày cuối tuần, là có thể nhận định ngay: đó không phải là cán bộ thì cũng là nhà giáo…
Bục giảng không phải là sàn diễn thời trang và cũng không bao giờ là nơi khoe sự giàu có. Nếu quên điều này, vô tình người thầy đã tự đánh mất sự giản dị, sự trong sáng, sự nghiêm túc của nghề dạy học.
Học sinh sẽ quên dần chất trí tuệ - lòng nhiệt huyết trong trí óc và trái tim của thầy cô giáo. Thay vào đó, sẽ là thói đua đòi, chạy theo cái vỏ vật chất hào nhoáng. Không một ngành nghề nào cao quý hơn, khắt khe hơn nghề nhà giáo, nhất là khi gắn chặt nó với câu tục ngữ: Cát nết đánh chết cái đẹp”.
Đinh Lê Yên (phụ huynh học sinh ở quận Gò Vấp, TP.HCM).
Thích học vì cô giáo mặc đẹp
Hôm nào đi học môn tiếng Anh về, Phương Anh - học lớp 6 (Đông Sơn, Thanh Hóa) cũng líu lo kể chuyện cô giáo hôm nay mặc gì, để kiểu tóc thế nào. Cô giáo dạy tiếng Anh của Phương Anh còn trẻ và có thói quen mặc váy lên lớp. Một tuần có 3 tiết, cô luôn mặc 3 bộ váy khác nhau không trùng lặp. Phương Anh mê môn tiếng Anh lắm, niềm say mê ấy bắt đầu từ mê cô giáo.
Phùng Ngọc Quang, học sinh lớp 10, THPT Lê Viết Tạo (Thanh Hóa) cho biết: “Đôi khi, trang phục của thầy cô tạo cảm hứng cho giờ học. Bản thân em luôn thích cô giáo mặc váy công sở, áo dài và phải thay đổi thường xuyên. Trong những buổi học như thế, em thường không sao nhãng sang các vấn đề khác mà tập trung hơn vào những điều cô giáo nói. Lúc ấy, em thấy cô đẹp".
Hồ Lan, học sinh Trường THPT Lương Đắc Bằng (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) nói: "Vì là con gái nên chúng em hay chú ý tới cách ăn mặc, kiểu tóc... của các cô và học theo. Không phải cố tình đâu, nhưng khi cô đứng trên bục giảng, hình ảnh bề ngoài của cô tạo nên ấn tượng rất mạnh đối với chúng em. Có hôm cô mặc đẹp quá, ngắm cô mà quên cả học", (Theo Vietnamnet).