"Con yêu mến! Đến giờ này, bố con mình không thể ngồi nói chuyện để phân tích đúng sai được nữa bởi thời gian không còn là mấy. Hai là cứ hễ nói bố lại bực mình và mắng mỏ con. Song thực lòng bố mẹ quá lo cho con, nếu bố có thể học thay cho con chắc bố cũng thức đêm cố gắng...".
Đó là những dòng nhắn nhủ trong lá thư bố của Bùi Thanh Hiền (quê Quảng Ninh) viết cho chị gái cô sau khi lỡ to tiếng mắng con chuyện học hành. Bức thư viết ngày 15/4/2010, và chị gái cô đã giữ gìn cẩn thận suốt 12 năm nay, từ phong bì bên ngoài đến những dòng chữ bên trong đều nguyên vẹn.
"Mình còn nhớ đó là giai đoạn nước rút chuẩn bị thi đại học của chị gái. Lần ấy, bố đã mắng chị rất gay gắt vì chểnh mảng học hành và kết quả thi thử rất kém. Gần 2h sáng, mình choàng tỉnh dậy thì thấy đèn bàn học vẫn sáng còn bố đang đeo kính cặm cụi viết gì đó. Sáng hôm sau, chị đi học thì nhìn thấy phong bì thư kẹp trong vở", Thanh Hiền kể.
Lá thư chú Bùi Minh Tuân gửi được con gái giữ gìn suốt 12 năm. |
Mong con hiểu cho bố mẹ
Chia sẻ với Zing, Thanh Hiền nói rằng lá thư ấy chính là bước ngoặt khiến bố mẹ cô và các con chia sẻ, thấu hiểu nhau nhiều hơn.
Trong lá thư, chú Bùi Minh Tuân (sinh năm 1965), bố của Hiền đã giải thích với con gái về sự nóng nảy của bản thân một phần là bởi những kỳ vọng lớn dành cho con cái.
"Chính sự quan tâm và các kỳ vọng bố, mẹ đặt vào các con quá nhiều cũng là gánh nặng cho các con. Song cũng là niềm tự hào và vinh quang, là an ủi, niềm vui của bố mẹ.
Cuộc đời bố giờ đây đã có quá nhiều thăng trầm, vui, buồn, có lúc tưởng không vượt qua nổi song vì các con bố đã cố gắng. Giờ đây bố mong các con hãy cố gắng hết sức mình, đó là món quà lớn nhất mà các con dành cho bố. Phần bố cũng cố gắng hết mình cùng mẹ lo được những gì có thể", chú viết.
Bố mẹ luôn cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất cho 3 chị em Hiền. |
Hiền cho biết sau khi đọc lá thư, chị gái cô đã khóc rất nhiều và thương bố mẹ hơn, chị quyết tâm ôn luyện và thi đậu chương trình cử nhân quốc tế Sunderland của Học viện Ngân hàng (Hà Nội).
Cô gái quê Quảng Ninh nói rằng bố mẹ mình cũng mang tâm lý giống như nhiều bậc cha mẹ khác. Hồi bé, giữa các con và bố mẹ có khoảng cách nên không chia sẻ được nhiều. Chị em cô khá nghịch ngợm, có những lúc mải chơi, cãi nhau, khi đó bố vẫn áp dụng cách "truyền thống" là mắng và đánh đòn.
Nhưng với Hiền, bố luôn là người rất tân tiến và thương con cái. Từ ngày bé bố đã cho chị em cô đi học ở cung văn hóa những môn mà chị em thích từ hát, múa, đàn, vẽ và cả luyện võ.
Bố cô từng nói rằng: "Miễn các con muốn học, học gì, bao nhiêu tiền bố cũng sẽ cố gắng".
Sau lá thư, bố mẹ đã chia sẻ nhiều hơn với chị em Hiền về mọi vấn đề trong cuộc sống. |
Đến lúc Hiền ôn thi lên cấp 3 còn chị ôn thi đại học, gia đình khá căng thẳng vì có nhiều áp lực. Thời điểm đó, công việc của bố cô cũng gặp khó khăn nên mọi người trong nhà đều mệt mỏi và dễ tổn thương.
"Mình cũng có giai đoạn ẩm ương, bố mẹ cũng có những lúc cảm thấy bất lực vì không biết phải làm sao để con cái hiểu cho mình. Và viết thư là cách bố chọn để chia sẻ với con cái, dù hồi đó gia đình mình ở tỉnh lẻ, bố mẹ làm công nhân và việc chia sẻ, tâm lý học đường hay khái niệm 'cha mẹ thông thái' là quá xa xỉ. Mình luôn thấy bản thân rất may mắn", Hiền nói.
Sau khi viết bức thư, cả bố và mẹ đều tâm sự nhiều hơn với chị em Hiền, về khó khăn trong công việc lẫn những suy tính cho tương lai của gia đình. Các con và bố mẹ thực sự coi nhau là những người bạn, người đồng hành.
"Bức thư đó không chỉ mang động lực cho chị mình lúc thi đại học mà cả sau này, mỗi lần mệt mỏi chị đều lấy ra đọc lại. Chị rất trân trọng và giữ nó nguyên vẹn cả phong bì đến tận bây giờ".