Từ cuối năm ngoái, nhiều trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh năm 2022. Trong đó, điểm đặc biệt là việc thêm ngành học mới; bổ sung phương thức xét tuyển và giảm chỉ tiêu xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Chí Hùng. |
Mức độ sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT giảm
Khi đưa ra phương án thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm năm 2022, Bộ GD&ĐT đã khuyến cáo những trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao nên xem xét mức độ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT như công cụ sàng lọc, sơ tuyển.
Những trường đại học, ngành học này cần có thêm hình thức chọn lọc bổ sung, sát hạch, tuyển chọn để phân loại tốt hơn đối tượng xét tuyển, đảm bảo chất lượng, số lượng và công bằng trong tuyển sinh.
Dựa trên khuyến cáo này, nhiều trường đại học đã chuẩn bị các phương án tuyển sinh, giảm chỉ tiêu xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Cụ thể, ở phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ dự kiến tuyển sinh 10-20% tổng chỉ tiêu cho một số chương trình đào tạo có tổ hợp xét tuyển A00, A01, A02, B00, D01, D07, D28 và D29 (năm 2021 phương thức này chiếm 50-60% chỉ tiêu của trường). Ngược lại, chỉ tiêu của phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy được nhà trường tăng lên 60-70%.
Năm 2022, ĐH Gia Định tiếp tục dành 48% chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, ở phương thức xét tuyển kết quả học tập bậc THPT chỉ tiêu của trường là 50%.
ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) tăng chỉ tiêu của phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM lên 40-60% tổng chỉ tiêu của trường. Ngược lại, phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ chiếm 30-60% chỉ tiêu.
Đề án tuyển sinh năm 2022 của ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng thể hiện mức độ sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT giảm, khi phương thức xét tuyển này chiếm 15-50% chỉ tiêu theo ngành/nhóm ngành. Phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức lại chiếm 40-70% chỉ tiêu của trường.
Nhiều ngành học mới
Năm 2022, nhiều trường đại học đã dự kiến mở thêm ngành học mới. Theo đó, 9 ngành học mới của ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) là Kinh tế Quốc tế, Tài chính Quốc tế, Digital Marketing, Quản trị Sự kiện, Dinh dưỡng và Khoa học Thực phẩm, Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Chăn nuôi, Nghệ thuật số và Công nghệ Điện ảnh, Truyền hình.
Ông Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Truyền thông của trường, thông tin việc đào tạo các ngành mới gắn với xu thế số hóa của nền kinh tế hiện đại. Định hướng đào tạo các ngành này sẽ góp phần giải bài toán nhân lực giỏi chuyên môn - thạo công nghệ hiện nay.
ĐH Gia Định cho ra mắt chương trình đào tạo tài năng với 5 ngành học là Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Công nghệ thông tin, Marketing và Kinh doanh quốc tế. Bên cạnh đó, trường cũng mở thêm 5 ngành mới là Thương mại điện tử, Quan hệ công chúng, Bất động sản, Quản trị nhà hàng và ăn uống, Quản trị du lịch và lữ hành.
Hội đồng tuyển sinh ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cũng thông báo mở mới 6 ngành học gồm Quản trị Văn phòng, Kinh tế Quốc tế, Công nghệ Tài chính, Kiểm toán, Truyền thông Đa phương tiện, Quản trị Sự kiện. Theo nhận định của nhà trường, việc mở các ngành có yếu tố công nghệ, cập nhật xu thế như trên phần nào đáp ứng nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong giai đoạn tới.
ĐH Quốc tế Hồng Bàng tuyển sinh thêm ngành Y học cổ truyền và Sức khỏe răng miệng. Ngoài ra, khoa Kinh tế quản trị của trường cũng mở thêm ngành Thương mại điện tử. Viện Giáo dục và đào tạo giáo viên mở thêm ngành Giáo dục tiểu học.
Trong năm 2022, 3 ngành mới của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM là Luật, An toàn Thông tin, Xe điện - Xe lai. Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) thêm hai ngành học là Y học Cổ truyền và Điều dưỡng. ĐH Công nghiệp TP.HCM thêm ngành Dược học.
Sinh viên khoa Thú y - Chăn nuôi của ĐH Công nghệ TP.HCM. Ảnh: ĐH HUTECH. |
Đa dạng phương thức tuyển sinh
Cũng trong năm 2022, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sẽ được thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật và quy chế, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, tuyển sinh theo đề án của trường, bảo đảm công bằng cho các nhóm đối tượng và các phương thức xét tuyển.
Với tinh thần tăng cường tự chủ đại học và yêu cầu đổi mới giáo dục đại học, việc đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh đang diễn ra ở nhiều trường đại học lớn trên cả nước.
Theo đó, năm 2022, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) sẽ bổ sung thêm phương thức tuyển sinh mới là xét kết hợp các tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực thí sinh bao gồm năng lực học tập, hoạt động xã hội, hoạt động văn thể mỹ, bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn.
Các phương thức tuyển sinh được nhà trường tiếp tục sử dụng là tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT; ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM; xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2022; xét chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài, xét học lực kết hợp phỏng vấn.
Trong đề án tuyển sinh năm 2022, đối tượng ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của ĐH Công nghệ Thông tin TP.HCM được thay đổi gồm các thí sinh đoạt giải đặc biệt, giải 1, 2, 3 kỳ thi Olympic Tin học sinh viên Việt Nam/Olympic phần mềm mã nguồn mở (Procon) năm 2020, 2021; thí sinh đoạt giải đặc biệt, giải 1, 2, 3 kỳ thi "Lập trình Châu Á - ICPC Asia" (cấp quốc gia) năm 2020, 2021; thí sinh đoạt giải 1, 2, 3 từ kỳ thi tháng trở lên của "Đường lên đỉnh Olympia" năm 2020, 2021; và thí sinh đoạt huy chương vàng/bạc/đồng ở các giải thể thao quốc tế chính thức với điểm trung bình kết quả học tập THPT các môn trong tổ hợp xét tuyển lớn hơn hoặc bằng 7 điểm.
Năm 2022, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng bổ sung thêm phương thức tuyển sinh ưu tiên xét tuyển thí sinh là thành viên thuộc đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia, thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố; xét tuyển thí sinh đoạt thành tích cao trong hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao... Bên cạnh đó, nhà trường còn xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Các phương thức tuyển sinh còn lại của trường là ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM; xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM; xét tuyển thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài.
Bên cạnh việc đa dạng các phương thức tuyển sinh, nhiều đại học còn tổ chức kỳ thi riêng như kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội; kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM.
Trong phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2022, Bộ GD&ĐT cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2021. Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, không bao gồm các nội dung được tinh giản đi nhằm phục vụ dạy và học ứng phó dịch Covid-19 mà Bộ GD&ĐT đã công bố. Thời gian tổ chức kỳ thi tại các tỉnh có thể được xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.