Cuối tháng 5, anh Hồ Bắc đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM trong tình trạng bụng chướng to, đau tức, ăn uống kém, hay nôn ói và mệt mỏi.
Anh Bắc có tiền sử viêm tụy hoại tử, thường xuyên tái đi tái lại. Hai năm trước, anh điều trị khỏi bệnh lý này. Tuy nhiên, cách đây khoảng một tháng, anh có triệu chứng đau tức bụng, ăn uống kém, bụng chướng to, sờ vào cảm nhận khối u to, cứng.
Qua thăm khám, nhận thấy người bệnh có khối u bất thường, nhô cao ở vùng thượng vị, TTƯT.TS.BS Phạm Hữu Tùng - Phó giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa - chỉ định làm các xét nghiệm chẩn đoán, chụp cắt lớp vi tính (CT scan).
Kết quả cho thấy bệnh nhân có tổn thương dạng nang, kích thước lớn trên 18,5x17 cm, chiếm gần hết vùng thượng vị. Nghi ngờ đây là nang giả tụy do biến chứng viêm tụy, gây tụ dịch ở khu vực này, bác sĩ Tùng nhận định cần đặt stent dẫn lưu nang vào dạ dày qua siêu âm nội soi.
Bác sĩ Hữu Tùng (trái) đang tiến hành phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. |
Tùy vào đánh giá tính chất của dịch qua siêu âm nội soi (trong suốt hay sánh đặc, nhiều mô hoại tử), bác sĩ sẽ chọn loại ống dẫn lưu phù hợp (ống nhựa hay kim loại). Nếu dịch trong suốt, bệnh nhân chỉ cần đặt ống dẫn lưu bằng nhựa, đảm bảo dẫn lưu hiệu quả, chi phí rẻ. Nếu dịch sánh đặc, lợn cợn nhiều mô hoại tử, bác sĩ sẽ chọn stent kim loại. Bác sĩ Hữu Tùng cho biết stent kim loại tuy đắt tiền nhưng có nòng lớn, dẫn lưu tốt.
Theo bác sĩ Hữu Tùng, trước đây, điều trị nang giả tụy là can thiệp thủ thuật hoặc phẫu thuật. Can thiệp với nang giả tụy là dẫn lưu nang, hầu hết là dẫn lưu vào ruột hoặc dạ dày, tùy vị trí nang. Nhưng hiện nay, tất cả làm bằng phẫu thuật nội soi. Với sự tiến bộ của nội soi tiêu hóa, trong trường hợp nang nằm gần dạ dày - tá tràng, bác sĩ vẫn có thể thực hiện dẫn lưu nang bằng stent. Dịch từ nang được dẫn lưu vào dạ dày và chảy ra theo đường tiêu hóa. Phương pháp này ít xâm lấn, an toàn, ít biến chứng, không để lại sẹo.
Đánh giá siêu âm nội soi, nhận thấy dịch của người bệnh có màu trắng sữa, lợn cợn, nhiều mô hoại tử, bác sĩ quyết định đặt stent kim loại. Sau khi đặt stent, lượng dịch chảy ra nhiều, bác sĩ phải dùng máy soi hút hơn 1 lít dịch để giảm áp cho bệnh nhân. Tuy nhiên, dịch còn nhiều, tiếp tục chảy qua stent vào dạ dày. Bác sĩ lấy dịch này để làm sinh hóa, giúp chẩn đoán bản chất của nang là nang giả hay nang thật. Nếu nang thật, bệnh nhân phải cắt để điều trị triệt để. Kết quả là nang giả tụy.
Ca phẫu thuật diễn ra gần một tiếng, với ê kíp gây mê, bác sĩ phẫu thuật nhiều kinh nghiệm, cũng như trang thiết bị nội soi hiện đại. Hậu phẫu, sức khỏe người bệnh ổn định, ngủ nghỉ tốt. Sau mổ một ngày, bệnh nhân có thể ăn trở lại, không còn triệu chứng đau và chướng bụng. Anh Bắc được xuất viện một ngày sau đó.
Sau phẫu thuật dẫn lưu nang giả tụy, anh Bắc không còn chướng và đau bụng. |
Bác sĩ Hữu Tùng cho biết nang giả tụy là biến chứng muộn của viêm tụy cấp, viêm tụy mạn hay chấn thương tụy. Đây là hậu quả của quá trình viêm và hoại tử ở tuyến tụy, thể hiện qua tụ dịch bất thường ở vùng quanh tụy, với một vách được tạo bởi mô xơ do viêm mạn. Viêm tụy cấp hoặc chấn thương tụy có khả năng dẫn đến nang giả tụy sau 4-6 tuần. Nang giả tụy kích thước nhỏ khoảng 6 cm có khả năng tự khỏi sau điều trị bảo tồn. Nếu nang lớn hơn 6 cm và có triệu chứng hoặc biến chứng, bệnh nhân cần điều trị can thiệp.
Với nang kích thước lớn, nếu không điều trị, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng và tạo áp xe; tạo giả phình mạch và xuất huyết hoặc vỡ; gây nhiễm trùng. Dịch tụy tràn gây viêm phúc mạc hóa chất, cũng là môi trường thuận lợi dẫn đến nhiễm trùng, nguy hiểm tính mạng.
Do đó, khi phát hiện sớm nang giả tụy sau biến cố viêm tụy, người bệnh cần theo dõi và chủ động can thiệp đúng lúc, phòng ngừa biến chứng nặng về sau. Bác sĩ Tùng khuyến cáo bệnh nhân sau phẫu thuật, bên cạnh thực hiện lối sống lành mạnh và hạn chế rượu bia, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát nang giả tụy có thể hình thành trở lại.