Từ cuối năm ngoái, các chính sách du lịch được nới lỏng. Du khách cũng tự tin đi nghỉ trở lại khi độ phủ vaccine ở Việt Nam nằm trong top thế giới. Cộng với những tín hiệu tích cực từ dịp Tết Nguyên đán, nhiều đơn vị cung cấp du lịch kỳ vọng về bức tranh khởi sắc dần trong năm 2022.
Quá nhiều khách dịp Tết
Chia sẻ với Zing, nhiều đơn vị thông tin lượng khách du lịch Tết Nhâm Dần 2022 là "rất lạc quan".
Tập đoàn Sun Group cho biết đã mở cửa lại một số khu du lịch, khách sạn, resort trên cả nước sau thời gian dài đóng cửa. Sun World Bà Đen (Tây Ninh) mới khai trương nhưng đã đón khách sử dụng cáp treo kỷ lục trong 6 ngày nghỉ Tết.
Phú Quốc (Kiên Giang) hay Hạ Long (Quảng Ninh) vẫn luôn nằm trong top các điểm thu hút khách bậc nhất dịp Tết. Theo đại diện doanh nghiệp này, khu du lịch Hòn Thơm đón lượng khách cao gấp 5-7 lần ngày thường. Trong khi đó, tại Sa Pa (Lào Cai), khu Sun World đón hơn 30.000 lượt khách, tăng 160% so với cùng kỳ năm 2021.
Các khu du lịch hút khách dịp Tết. Ảnh: Sun Group. |
Hệ thống khách sạn, resort của đơn vị này ở cả 3 miền cũng ghi nhận lượng khách đến nghỉ dưỡng trong dịp Tết Nhâm Dần tăng đột biến. Từ mùng 2 đến mùng 4 Tết là khoảng thời gian đông nhất. So với các địa phương khác, các khách sạn, resort ở Phú Quốc, Sa Pa (Lào Cai) có công suất phòng tốt hơn hẳn, đạt từ 70% đến gần 100% trong 5 ngày nghỉ Tết (mùng 1-5 Tết).
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel cũng chia sẻ con số khả quan trong dịp Tết. Cụ thể, công ty đón được 5.000 khách trong 9 ngày nghỉ Tết cao hơn năm ngoái khá nhiều. Theo bà Khanh, nguyên nhân chính có thể do tâm lý tự tin khi tiêm đủ liều vaccine của du khách.
"Các điểm đến hút khách nhất là Phú Quốc, Đông - Tây Bắc, Quy Nhơn (Bình Định), Đà Nẵng, Đà Lạt (Lâm Đồng)… Tiêu biểu, từ mùng 2 đến mùng 4 Tết, công ty tổ chức 4 chuyến bay charter (thuê bao nguyên chuyến) đưa gần 1.000 khách từ TP.HCM đến Phú Quốc. Đây là dòng khách có chi tiêu cao, nghỉ tại các khách sạn từ 4 sao trở lên", bà Khanh nói thêm.
Lượng khách lẻ, gia đình lớn hơn hẳn khách đoàn, ghép. Ảnh: Ngọc Hiệp. |
Trong khi đó, phía Flamingo Redtours cho biết họ ghi nhận những tín hiệu vượt kỳ vọng nhưng cũng có những điểm chưa đạt ở dịp Tết năm nay.
Cụ thể, ông Nguyễn Công Hoan, CEO Flamingo Redtours, nhấn mạnh chưa bao giờ các đoàn du lịch MICE (du lịch sự kiện, hội nghị) bùng nổ như dịp Tết năm nay. Thông thường, Tết thường là thời gian cho các chuyến đi cá nhân, gia đình. Tuy nhiên, năm nay, nhiều công ty chọn tổ chức du lịch MICE từ mùng 3 Tết.
Ông Hoan chia sẻ lý do có thể là các công ty bị trì hoãn quá nhiều sự kiện từ năm ngoái như tổng kết, khen thưởng, khởi động kinh doanh... Do đó, họ chọn dịp Tết để tổ chức các hoạt động MICE, bỏ qua quan niệm "tháng Giêng là tháng ăn chơi" nhằm sớm bắt tay vào công việc.
Lượng khách lẻ, gia đình trong dịp Tết được công ty ghi nhận cũng khá lớn. Các combo phòng, khách sạn tại Phú Quốc, Sa Pa gần như "cháy" sạch. Nhiều du khách muốn mua nhưng cũng không còn để bán. Ngoài ra, họ cũng có lợi thế sở hữu 2 khu nghỉ dưỡng lớn là Flamingo Đại Lải (Vĩnh Phúc) và Flamingo Cát Bà (Hải Phòng) để đáp ứng nhu cầu của nhóm khách lẻ, gia đình.
Tuy nhiên, điểm trừ trong dịp Tết là lượng đoàn ghép không cao. Họ chỉ bán được lác đác một số đoàn đi vùng núi phía Bắc. Các sản phẩm tour đi miền Trung, miền Nam không quá khả quan.
Hướng tới năm 2022
Cụm từ "mở cửa du lịch" được nhắc đến nhiều từ trước Tết khi các cuộc họp về vấn đề này liên tục diễn ra. Nhiều kiến nghị cũng được gửi lên Thủ tướng, Chính phủ về việc sớm mở cửa toàn diện để phục hồi 2 thị trường lớn là inbound (đón khách nước ngoài vào Việt Nam) và outbound (đưa khách Việt đi nước ngoài). Theo dự kiến, việc mở cửa sẽ bắt đầu từ 1/5. Tuy nhiên, thực tế, nhiều bên đang muốn triển khai sớm hơn, cụ thể là từ tháng 3.
Trong dịp Tết vừa qua, một số công ty cũng đã mở bán một số tour đi nước ngoài (tới Mỹ, Maldives...). Tuy nhiên, lượng khách đặt thấp, thậm chí là không có người đặt.
Tour nước ngoài chưa hút khách nhưng vẫn cần sớm khởi động. Ảnh: Lonely Planet. |
Trao đổi với Zing, đại diện nhiều công ty du lịch cho biết việc kỳ vọng thị trường quốc tế bùng nổ trong năm 2022 là khó khả thi. Họ nhận định năm 2022 chỉ có thể xem là bước đệm để du lịch quốc tế thực sự bùng nổ trong năm 2023.
Đại diện Flamingo Redtours cho biết họ chưa mở bán các tour đi nước ngoài. Thay vào đó, họ hướng tới hoạt động cung cấp dịch vụ cho các khách công vụ, khám chữa bệnh, thăm thân thay vì du lịch.
"Đó mới là những khách sẵn sàng đi nước ngoài ngay tại thời điểm này. Chúng tôi cung cấp các dịch vụ như bán vé máy bay, làm visa, thuê phiên dịch, xe đưa đón cho họ. Khách có nhu cầu du lịch hiện nay cũng chưa nhiều. Do đó, việc đưa ra các tour vẫn chưa khả thi.
Tuy nhiên, việc mở cửa du lịch sớm là điều cần thiết. Đây chính là thông điệp gửi các đối tác, du khách quốc tế rằng Việt Nam đã sẵn sàng trở lại. Muốn du lịch phục hồi toàn diện từ tháng 5, tháng 6, đây chính là thời điểm thích hợp để mở cửa, chuẩn bị", đại diện Flamingo Redtours chia sẻ quan điểm.
Đồng ý kiến, phía Vietravel cho biết nên mở cửa càng sớm càng tốt để tạo cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Khi phục hồi chậm, bất lợi trước mắt là mất nguồn thu. Ngoài ra, Việt Nam sẽ phải tốn thêm nhiều chi phí quảng cáo, giới thiệu, xúc tiến để thu hút khách.
Nhìn tổng thể bức tranh du lịch Việt Nam năm 2022, đại diện các bên lữ hành cho biết khả năng cao mọi thứ sẽ ổn định, tươi sáng trở lại. Dù được nhắc đến nhiều, thị trường quốc tế vẫn sẽ khó "đè" được du lịch nội địa. Ít nhất phải tới năm 2023, thị trường inbound và outbound mới có thể khởi sắc.
Thị trường nội địa vẫn là chủ lực của du lịch Việt Nam năm 2022. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trong khi đó, tại thị trường nội địa, tính cạnh tranh sẽ ngày càng tăng cao khi du khách có xu hướng tự đặt dịch vụ, không thông qua công ty. Do đó, các công ty cần đưa ra những sản phẩm độc lạ, chỉ họ có thể làm được để kéo du khách về phía mình.
Mặt khác, sau 2 năm nhận nhiều ưu đãi du lịch, du khách Việt cần sớm làm quen với mức giá mới. Nó có thể bằng, thậm chí cao hơn thời điểm trước dịch.
"Ngày trước, các công ty phải sử dụng tích lũy từ những năm trước để tung ra khuyến mại. Họ nghĩ mọi thứ sẽ sớm ổn định trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, sau 2 năm khó khăn, không công ty nào còn đủ lực cả. Nếu còn giảm, họ thà phá sản còn hơn.
Mức giá sẽ trở về như cũ, thậm chí là hơn. Tuy nhiên, các công ty đều sẽ đưa ra những sản phẩm, chương trình mới mà họ đã ấp ủ suốt thời gian dài. Đó là điều chúng ta có thể kỳ vọng", ông Hoan nói.