Zing.vn trích đăng một phần bài viết của TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM - người trực tiếp điều trị thành công cho hai người Trung Quốc nhiễm bệnh, về tình hình dịch bệnh trên thế giới và những bước đi cần thiết cho người dân trong "thời gian vàng" quyết định sự thành bại của cuộc chiến chống Covid-19.
Đại dịch Covid-19 như một bóng ma lan rộng toàn thế giới trong hơn 3 tháng qua. Hàng trăm nghìn người mắc bệnh và hàng chục nghìn người đã tử vong. Con số này vẫn sẽ còn tăng trong những ngày sắp tới. Việt Nam có số người nhiễm bệnh thấp và cho tới giờ chưa có ca tử vong. Nguyên nhân là gì?
Chúng ta biết sợ
Việt Nam vào trận chiến với “giặc Covid-19” trong tâm thế chủ động. Chúng ta biết rõ chúng ta là ai, tiềm năng kinh tế ra sao, sự hạn chế về chăm sóc y tế như thế nào… Nên có thể sẽ “vỡ trận” ngay khi để bệnh dịch lây lan trong cộng đồng trên diện rộng với số người nhiễm bệnh chỉ vào khoảng vài nghìn người.
Chính vì lẽ đó, ngay từ đầu dịch, chính phủ đã đưa ra hàng loạt những biện pháp để toàn dân cùng áp dụng, cùng chung tay phòng chống dịch bệnh.
Việt Nam đã làm tốt công tác chống dịch ngay từ những ngày đầu tiên. Ảnh: Y Kiện. |
Hơn nữa, những biện pháp đó cũng thường xuyên được bổ sung hay thay đổi mức độ tùy theo tình hình cụ thể trong từng giai đoạn. Nói theo một cách dân dã là chúng ta biết sợ trước nguy cơ của đại dịch, do vậy tới nay chúng ta đang thắng.
Đa phần chính phủ các nước châu Âu không có cảnh báo và hướng dẫn cụ thể nào cho người dân. Khi đã có hàng chục, hàng trăm ca bệnh thì mọi hoạt động của người dân châu Âu vẫn hầu như không có gì thay đổi, thậm chí còn có sự miệt thị người châu Á khi họ có ý thức phòng bệnh.
Khi tốc độ lan tràn của dịch bệnh đã trở nên trầm trọng, các chính phủ mới thực sự lo ngại và vào cuộc. Tiếc thay sự “vào cuộc” của họ đã chậm, dẫn tới sự lúng túng trong việc lựa chọn các biện pháp phòng chống dịch. Từ đó, nảy sinh những xu hướng phòng chống dịch sai lầm như “miễn dịch cộng đồng”.
May thay, trong thực tế đã không có quốc gia nào chấp nhận thực hiện. Sau cùng, dù chậm nhưng những biện pháp không tập trung đông người, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, cách ly, khoanh vùng, đóng cửa các trường học… lần lượt được các quốc gia châu Âu đưa vào áp dụng.
Chậm nhưng còn hơn không, bởi lẽ nếu không áp dụng những biện pháp đó thì “miễn dịch cộng đồng” trong bối cảnh không có vắc xin sẽ là con đường bắt buộc phải đi.
Các bệnh viện ở Mỹ đối mặt với số ca nhiễm gia tăng nhanh chóng, tình trạng tương tự từng khiến các cơ sở ở Trung Quốc và Italy quá tải. Ảnh: Reuters. |
Các bước đi chính xác của chính phủ đã giúp cho Việt Nam tránh phải đầu tư những khoản tiền ngoài khả năng để dập dịch. Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị chúng ta sẽ dõi theo họ để có thể tìm ra những bài học quý giá, phù hợp để bổ sung cho chiến lược ngăn chặn Covid-19 trong giai đoạn mới tại Việt Nam.
Hai tuần quyết định
Đa phần chính khách và chuyên gia trên thế giới đều khẳng định hai tuần tới là thời gian quyết định sự thành bại của cuộc chiến.
Điều này không có nghĩa là nếu thành công sau hai tuần nữa dịch bệnh Covid-19 sẽ được ngăn chặn hoàn toàn. Nó có nghĩa là chúng ta sẽ kiểm soát được dịch bệnh, khống chế nó không để lan tràn nhanh như trước. Để hoàn toàn loại bỏ được dịch bệnh này có lẽ chúng ta phải cần thêm vài tháng nữa.
Đối với riêng Việt Nam, chúng ta có quyền tự hào vì sự lãnh đạo sáng suốt của chính phủ, vì sự đoàn kết chung tay của cả nước để khống chế tốt dịch bệnh.
Việt Nam có thể khống chế dịch bệnh nếu chúng ta tuân thủ khuyến cáo và biết sợ đúng cách. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Do vậy, người dân chúng ta hơn lúc nào hết cần phải hỗ trợ hết sức để Chính phủ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để làm được điều đó chúng ta hãy:
Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Chính phủ, cùng nhau thực hiện tốt những quy định về phòng chống bệnh dịch.
Theo dõi dịch bệnh và những quy định mới của chính phủ trên báo, đài chính thống.
Mạnh dạn góp ý với tinh thần xây dựng để góp phần hoàn thiện hơn công tác phòng chống dịch ở cơ quan, tổ chức hay nơi mình đang sinh sống.
Quan tâm, động viên, cùng nhau giám sát, phát hiện, bàn thảo và điều chỉnh những sai phạm xảy ra xung quanh mình.
Vì quyền lợi chung của cộng đồng mà chấm dứt ngay những hành động vì tư lợi kinh tế, nhu cầu vật chất cá nhân, thiếu hiểu biết hay vì bất cứ mục đích không chính đáng nào.
Tìm tòi sáng tạo những biện pháp mới, hữu hiệu để hoàn thành nhiệm vụ của chính mình.
Tìm sự giúp đỡ của nhân viên y tế khi cần, không tự ý thực hiện những biện pháp phòng ngừa hay điều trị bệnh không đúng cách.
Chúng ta sẽ chiến thắng nếu chúng ta biết sợ đúng cách!