Buồn vì chồng quá khách sáo với nhà vợ
Nhà có 3 cô con gái nên bố mẹ Hoài, (ở Phúc Xá, Tây Hồ, Hà Nội) luôn mong có được người con rể tốt. Hoài là con cả và cũng lấy chồng đầu tiên nên Quang, chồng cô được cả nhà ngoại rất yêu quý và chiều. Lần nào Quang về, mẹ vợ cũng nấu những món anh thích ăn nhất, rồi bố Hoài thỉnh thoảng đi công tác mua quà cho cả nhà cũng không quên phần con rể.
Quang cũng là người lễ phép, tốt bụng. Tuy nhiên, điều Hoài cảm thấy buồn là anh cứ coi mình như một người khách, chỉ thỉnh thoảng đưa vợ tới nhà ngoại chơi, hỏi han mọi người vài câu lấy lệ rồi về. Nếu nhà có cỗ thì Quang luôn tới cuối cùng khi mọi người đã ngồi vào mâm đợi với lý do bận việc (mà Hoài biết thừa không phải). Hai đứa em gái của Hoài cũng buồn vì chúng vốn luôn mong có anh nhưng Quang lại ít khi quan tâm đến em vợ.
Lần Hoài sinh con, về nhà ngoại ở một thời gian, Quang cứ cuối tuần lại sang thăm vợ con nhưng tối thì nhất định không chịu ở lại. Nhiều lần, Hoài góp ý với chồng rằng bố mẹ rất quý, muốn anh gần gũi, coi nhà vợ cũng như nhà mình thì Quang bảo: "Thì anh cũng quý bố mẹ chứ có ý gì đâu. Nhưng sang bên ấy anh thấy không thoải mái, chỉ muốn ngồi một lúc rồi đi thôi. Em đừng ép anh". Hoài thấy buồn mà chẳng biết làm sao.
Cũng chung tâm sự như Hoài, Châu (Thanh Trì, Hà Nội) lại càng tủi thân hơn khi lấy chồng xa nhà. Bố mẹ đẻ quê Nam Định, mỗi năm hầu như Châu chỉ về nhà được một, hai lần. Mà cứ hễ cô rủ chồng về nhà ngoại chơi hay có việc gì là mặt anh nặng như chì và viện đủ mọi cớ để không về, nếu có miễn cưỡng đi, anh lại tỏ thái độ bực tức.
Mỗi lần về, anh thường chỉ ngồi xem TV hay đưa con ra đường dạo chơi, không mấy khi ngồi trò chuyện với mọi người nhà vợ hay cùng Châu đi thăm cô, dì, chú, bác.
Ngay cả việc thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm để bố mẹ vợ đỡ buồn, chồng Châu cũng không bao giờ chủ động làm. Thỉnh thoảng, ngại với gia đình mình, Châu phải nhắc nhở chồng, thậm chí, cô còn tự bấm số rồi cố tình giúi máy cho chồng. Mỗi lần như thế, anh lại tỏ ra cáu kỉnh, chỉ nói được vài câu gượng gạo với bố mẹ vợ.
"Nhiều lúc em thấy tủi thân kinh khủng. Mình thì cố gắng hòa đồng, đối xử thật tốt với mọi người trong gia đình chồng. Còn anh ấy, cứ xa cách, dửng dưng với bố mẹ và chị em mình quá", Châu tâm sự.
Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà, phó giám đốc Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, chuyện các chàng rể tỏ ra khách sáo, giữ kẽ với gia đình vợ khá phổ biến. Bà cho rằng, điều này một phần xuất phát từ định kiến "dâu con, rể khách" từ xưa. Khi ấy, sau ngày cưới, người phụ nữ phải về nhà chồng, nhập vào cuộc sống gia đình chồng, học cách thích nghi từ nếp sống, cách ăn uống, sinh hoạt. Còn người đàn ông vẫn ở nhà mình, cuộc sống không có gì thay đổi nên thấy không cần thích nghi với nhà vợ và coi đó như nơi xa lạ, nếu rủi ông nào phải ở rể thì cảm thấy xấu mặt như "chó chui gầm chạn".
Định kiến từ xa xưa này đã ăn sâu vào óc nhiều người người hiện đại. Bởi thế, ngày nay, không ít nam giới vẫn cảm thấy bên nội mới là nhà mình, mới được thoải mái và cần quan tâm, còn bên ngoại chỉ cần xã giao. Điều này khiến các bà vợ của họ cảm thấy tủi thân, thậm chí trách giận chồng.
Tuy nhiên, chị em cũng nên nhìn nhận khách quan bởi ngoài lý do trên, chuyện các chàng rể ít khi gần gũi, thân mật với nhà vợ còn do đặc điểm tính cách đàn ông. Thường, phụ nữ khi mới về nhà chồng hay đến nhà người yêu chơi có thể xuống bếp, vừa giúp mẹ, chị em chồng nấu nướng vừa kiếm câu chuyện để tạo cơ hội gần gũi, tìm hiểu mọi người.
Nhưng đàn ông lại khác, họ khó có điều kiện tạo sự gắn bó kiểu đó. Đàn ông không mấy ai hay rủ rỉ trò chuyện, may ra, gặp ông bố vợ tâm lý hay anh em vợ hợp gu thì anh rể mới có thể ngồi nhâm nhi ly rượu hay nói chuyện trên trời dưới bể, còn không, nhiều người chỉ biết ngồi im, xem TV, nhìn trần nhà...
Ngoài ra, việc giữ kẽ hay không với nhà vợ cũng còn tùy thuộc vào tính cách của từng người bởi có anh rất rất dông dài, dễ thích nghi, cũng có người câu nệ, cầu kỳ...
Vì thế, theo bà Hà, các bà vợ, thay vì trách móc chồng, nên cố gắng chia sẻ để ông xã hiểu hơn về các thành viên trong gia đình mình, đồng thời gợi chuyện khi cả nhà quây quần để chồng có thể tham gia. Bên cạnh đó, chị em có thể khéo léo "bày việc" để giúp chồng có cơ hội thể hiện thế mạnh của mình trước nhà vợ như sửa giúp mẹ các đồ bị hỏng, đóng đinh, chọn mua cho bố các đồ điện tử, sửa chiếc xe cho đứa em... Những điều nho nhỏ này khiến các ông chồng cảm thấy tự tin hơn và dễ hòa đồng với mọi người nhà vợ hơn.
"Điều quan trọng nhất là vợ chồng cần phải thống nhất quan điểm rằng dù nội hay ngoại đều là gia đình mình, không được bên trọng bên khinh. Hai người nên bàn bạc với nhau về cách đối xử với hai bên sao cho hài hòa và gắn kết", bà Hà nói.
Theo Vnexpress