Thời gian gần đây, món burger dát vàng do nhà hàng Louis Burger ở Mumbai (Ấn Độ) ra mắt nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Hai chủ nhà hàng đang lên kế hoạch mở các chi nhánh mới trên toàn quốc, theo South China Morning Post.
Một chiếc "Louis Grand Royale" có 2 phần thịt kẹp, nấm hải sản, nấm truffle, phô mai cheddar Anh và lớp vàng lá phủ bên trên có giá 695 rupee (9,25 USD).
Trong khi đó, “Truffle Take Burger” bao gồm nấm đông cô, truffle mayo, nấm hải sản, nấm truffle, phô mai cheddar, parmesan và dầu truffle có giá 888 rupee (11,85 USD), tương đương 2 ngày lương trung bình tại quốc gia tỷ dân.
Ít có nơi nào cuồng vàng hơn Ấn Độ. Là nước mua vàng lớn thứ 2 chỉ sau Trung Quốc, người Ấn Độ đã mua 315,9 tấn đồ trang sức bằng vàng vào năm 2020 bất chấp đại dịch hoành hành. Các nhà kim hoàn dự đoán lượng người mua sẽ còn tăng cao do giá vàng đang giảm, theo Bloomberg.
Chiếc burger phủ vàng lá đang nhận được sự yêu thích tại Ấn Độ dù giá thành không rẻ. Ảnh: Louis Burger. |
Từ lâu, Ấn Độ cũng sử dụng vàng trong chế biến thực phẩm như vàng lá, bột vàng hay lớp lá vàng, bạc được gọi là varq. Từ thế kỷ 17, các đầu bếp Ấn Độ đã phục vụ món ăn được trang trí bằng lớp lá vàng hoặc bạc để gây ấn tượng với thực khách tại các bữa tiệc cấp cao. Đến nay, vàng vẫn tiếp tục được sử dụng để tô điểm cho mọi thứ từ thức uống, món tráng miệng cho đến món chính.
Trong mùa lễ hội ở quốc gia tỷ dân, đặc biệt là lễ Diwali, những cửa hàng lại tràn ngập các giỏ quà chứa trái cây và hạt được phủ varq để khách mua làm quà tặng.
Theo nhà kim hoàn Ram Deen làm việc tại Delhi, vàng sử dụng trong thực phẩm phải được chế tác siêu mỏng và chỉ dùng vàng 22-24 karat.
"Quá trình sản xuất phải được đảm bảo vệ sinh nếu không có thể gây bệnh do nhiễm khuẩn. Một rủi ro tương tự là khi bạc hoặc nhôm chất lượng kém được sử dụng để làm varq vì rẻ nhưng lại được bán cho khách với giá thành cao như hàng chuẩn".
Nhà hàng Varq nổi tiếng với những món ăn phủ vàng lá, được nhiều nhân vật nổi tiếng lui tới. Ảnh: Handout. |
Dù vàng lá dùng trong ẩm thực rất đắt đỏ, lên tới 15.000 USD/500 gram, nhiều người sành ăn vẫn sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để thưởng thức những món ăn được phủ vàng.
Tại khách sạn 5 sao Taj Mahal ở Delhi, nhà hàng Varq là điểm đến nổi tiếng với nhiều chính trị gia Ấn Độ, ngôi sao Bollywood. Với cách bài trí sang trọng, nơi này có thực đơn đẳng cấp tương xứng, với giá trung bình cho một món ăn là 1.000 rupee (13 USD).
Một số người theo y học cổ truyền Ấn Độ cho rằng ăn vàng có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng hiện đại cho biết không có bằng chứng nào cho thấy ăn vàng dùng trong thực phẩm giúp cải thiện sức khỏe.
"Vàng không bị phân hủy hay hòa tan trong máu nên về cơ bản, chúng không có lợi cho sức khỏe và sẽ bị đào thải khỏi cơ thể như chất thải", nhà dinh dưỡng Swati Prakash tại Delhi cho biết, lưu ý thêm rằng lá vàng hoặc bạc cũng không gây hại cho cơ thể con người.
Trong khi nhiều người Ấn Độ thích thú, số khác lại không mấy ấn tượng về những món ăn được phủ vàng.
"Tôi đã ăn thử bánh ở Louis Burger để xem tại sao nó gây sốt đến vậy nhưng lá vàng chẳng mang lại thêm hương vị gì cho món bánh. Vị của chiếc bánh này cũng chỉ giống hàng trăm chiếc burger khác tôi đã ăn với giá rẻ hơn nhiều", Prateek Mehra, kỹ sư phần mềm ở Mumbai, nhận xét.
Thời gian qua, xu hướng sử dụng vàng lá cũng xuất hiện ở nhiều nơi. Năm 2016, nhà hàng Manila Social Club ở New York (Mỹ) ra mắt chiếc bánh donut phủ vàng 24 karat giá 100 USD. Năm 2017, một cửa hàng ở Nhật Bản cũng giới thiệu món sushi bọc vàng lá có giá khoảng 97 USD.