Đến sáng 9/4, Việt Nam ghi nhận 251 trường hợp mắc Covid-19 (156 người từ nước ngoài; 95 người lây nhiễm thứ phát). 125 người đang được điều trị, nhiều người có sức khỏe tốt. Tuy nhiên, một số ca bệnh mới phát hiện có lịch sử di chuyển phức tạp, đặc biệt chưa xác định được nguồn lây (mất dấu F0).
Ca bệnh chưa rõ nguồn lây
Hiện, Bệnh viện Bạch Mai được xác định là ổ dịch lớn nhất cả nước. Đến nay, 46 trường hợp ghi nhận liên quan đến bệnh viện này. Trong đó, chùm bệnh ở các khu vực như nhà ăn (Công ty Trường Sinh, 27 ca), khoa Thần kinh (9), Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (5), khoa Tiêu hóa (2), khoa Phục hồi chức năng (1), khoa Miễn dịch - Dị ứng (1). Tuy nhiên, hiện chưa tìm thấy nguồn lây (F0) cho các ca bệnh này.
Bệnh nhân số 86 và số 87 - điều dưỡng trong bệnh viện - là hai ca mắc đầu tiên được xác định nhưng chưa rõ nguồn gốc lây nhiễm. Trong đó, BN87 là nữ điều dưỡng làm nhiệm vụ tiếp đón, phân loại các bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid-19 tại khu cách ly Trung tâm Bệnh nhiệt đới. Tuy nhiên, toàn bộ bệnh nhân nghi nhiễm, có tiếp xúc với chị này đều âm tính.
BN86 đi du lịch từ phía Nam về và sau đó mắc bệnh. Trên chuyến bay người này từng đi không có bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Bệnh viện cũng điều tra nguồn lây từ nhân viên y tế, nhưng ngoại trừ 2 nữ điều dưỡng kể trên, toàn bộ các mẫu xét nghiệm của y bác sĩ đều cho kết quả âm tính.
Ngoài ra, đường lây nhiễm của 4 bệnh nhân 161, 162, 163 và 133 tại Bệnh viện Bạch Mai cũng chưa rõ ràng. Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng phân tích có thể bệnh nhân 162 đã nhiễm bệnh từ bên ngoài, sau đó vào viện tiếp xúc ca 161 từ ngày 17-22/3 và nằm cùng bệnh nhân 133 nên cả ba người lây nhiễm cho nhau.
Việc lây nhiễm của 27 nhân viên Công ty Trường Sinh phục vụ suất ăn và nước sôi cho Bệnh viện Bạch Mai cũng chưa có kết luận.
Hiện, Bệnh viện Bạch Mai được xác định là ổ dịch lớn nhất cả nước. Ảnh: Việt Linh. |
Bệnh nhân 243 (47 tuổi, huyện Mê Linh) được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 gần đây được cho là có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai cũng chưa thể xác định nguồn lây. Trước đó, ngày 12/3, BN243 có đến Bệnh viện Bạch Mai. Từ ngày 12/3 đến 4/5, BN243 đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người. Người này đã đi nhiều bệnh viện như Phụ sản Hà Nội, Đa khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Ngoài ra, bệnh nhân còn đến các đám giỗ, đám cưới và đến nhà người thân, hàng xóm.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, chưa nên quy nguồn lây nhiễm của bệnh nhân 243 cho Bệnh viện Bạch Mai.
Bệnh nhân 237 quốc tịch Thụy Điển, đến Việt Nam từ cuối 2019 và trong tháng 3 đã di chuyển nhiều địa điểm như Ninh Bình, Hà Nội. Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 chiều 3/4. Hiện cũng chưa xác đinh được nguồn lây cho bệnh nhân này.
Một trường hợp khác cũng mất dấu F0 là bệnh nhân 251. Đây là bệnh nhân 64 tuổi, được phát hiện mắc Covid-19 khi đang nằm điều trị tại khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam. Bệnh nhân có tiền sử dịch tễ khá phức tạp vì mắc nhiều bệnh nền nên phải di chuyển sang nhiều khoa trong bệnh viện để xét nghiệm.
Hiện, đơn vị chức năng xác định được 45 nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam và 25 bệnh nhân từng nằm cùng phòng là các trường hợp tiếp xúc gần với BN251.
Ông Lê Quang Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Nam, cho biết: "Khó khăn nhất với chúng tôi lúc này là xác định nguồn lây nhiễm, vì không biết bệnh nhân mắc Covid-19 từ khi nào".
Xử lý các ổ dịch tiềm năng
Ngày 8/4, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất phải kiên định với 5 nguyên tắc đã được thực hiện ngay từ những ngày đầu phòng, chống dịch Covid-19: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đây là chiến lược không thay đổi, chúng ta phải quyết liệt thực hiện, không được chủ quan, mất cảnh giác.
Hiện tại, chúng ta vẫn kiểm soát dịch bệnh theo kịch bản dự báo và tới đây sẽ xuất hiện thêm các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tất cả ca này đều phải coi là ổ dịch tiềm năng (F0), cùng với việc xác định nguồn lây, quan trọng hơn là phải thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng các đối tượng F1, F2 và dập dịch.
PGS Phu khẳng định để dịch không bùng phát, người dân vẫn cần phải nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Việt Linh. |
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng ngoài các ổ dịch như quán bar Buddha (TP.HCM), Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hay các khu cách ly tập trung, ban chỉ đạo quán triệt không được mất cảnh giác với mọi ca bệnh mới phát hiện tại cộng đồng, dứt khoát không được bỏ qua bất kỳ khả năng nào dù nhỏ nhất.
Đồng thời, tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, coi tất cả người có dấu hiệu dịch tễ đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế là ca có nguy cơ lây nhiễm… Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế để giám sát, truy vết.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, việc một số ca bệnh như 243, 237, 251 chưa xác định được nguồn lây nhiễm đã cho thấy có sự lây lan trong cộng đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng nguồn lây nhiễm một số ca bệnh mới phát hiện liên quan đến các ổ dịch cũ. Điển hình là bệnh nhân số 243 được cho là lây từ ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng: "Đó là trường hợp dễ nhất nhưng phải đặt trường hợp bệnh nhân không lây nhiễm từ đó mà từ cộng đồng".
Theo các chuyên gia, tìm nguồn lây nhiễm là quan trọng nhưng trong trường hợp đã có lây nhiễm trong cộng đồng, ưu tiên hàng đầu là triển khai ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng, dập ngay, không để dịch lan rộng từ ca nhiễm được phát hiện.
Để công cuộc chống dịch trong giai đoạn 3 có hiệu quả, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: "Cần quyết liệt thực hiện giãn cách xã hội, không để người nhiễm tiếp xúc với người lành, phát hiện sớm trong cộng đồng các ổ dịch nhỏ để xử lý kịp thời".