Anh Lưu Trường Trung (sinh năm 1980, quận Thanh Xuân, Hà Nội) có tiền sử viêm gan B từ nhỏ nhưng không được phát hiện do không có triệu chứng. Từ tháng 2, khi có biểu hiện vàng da, vàng mắt, mệt mỏi, anh đi khám thì được chẩn đoán đã suy gan cấp trên nền viêm gan B, phải lọc máu và thay huyết tương hàng ngày. Giải pháp tối ưu là ghép gan.
Đến đầu tháng 7, tình trạng anh Trung trở nên nguy kịch do gan bị suy nặng, bắt đầu bước vào giai đoạn tiền hôn mê, nếu không ghép gan ngay sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng. Do trước đó đã tìm được người cho gan phù hợp, anh Trung lập tức được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City để tiến hành ghép gan cấp cứu.
“Ngay trước khi vào phòng ghép gan bệnh nhân vẫn phải lọc máu, thay huyết tương để duy trì sự sống”, bác sĩ Đào Đức Dũng - Trung tâm ghép tạng Vinmec thuật lại.
Ca ghép gan khẩn cấp đã giúp anh Trung hồi phục sức khỏe, bảo toàn tính mạng. |
Ghép gan - một trong những kỹ thuật khó nhất của lĩnh vực ngoại khoa - tiến hành trong điều kiện bình thường đã phức tạp, nhưng trong tình huống ghép gan cấp cứu thì mức độ phức tạp tăng lên nhiều lần. Nhờ ê-kíp ghép tạng có trình độ chuyên môn cao và phối hợp chặt chẽ với các chuyên khoa khác, đặc biệt là kinh nghiệm từ 2 ca ghép gan thành công trước đó, bệnh viện Vinmec Times City dù chỉ có một ngày chuẩn bị đã triển khai ca ghép gan cho anh Trung thuận lợi mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Ngay sau ca ghép gan cấp kéo dài 9 giờ, anh Trung thoát khỏi tình trạng lọc máu, thay huyết tương, thể trạng hồi phục từng ngày. Sau 2 tuần, người bệnh có thể tự ăn uống sinh hoạt, không lệ thuộc vào dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch. Các xét nghiệm cho thấy mạch máu gan và khả năng tưới máu của gan ổn định, chức năng gan thận cải thiện rõ rệt, mọi chỉ số sinh tồn trở về mức bình thường.
Anh Trung được xuất viện sau một tháng ghép gan, tiếp tục được hướng dẫn theo dõi hậu phẫu kết hợp uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
“Lúc tôi hôn mê, gia đình đã sợ lành ít dữ nhiều. Có thể khỏe mạnh trở lại sau ca ghép gan thực sự là phép màu của tôi và gia đình”, anh Trung xúc động chia sẻ.
Đây là một trong số ít ca ghép gan cấp đầu tiên thành công tại Việt Nam. Trước đó vào tháng 4, Bệnh viện Vinmec Times City đã phối hợp với Bệnh viện Việt Đức thực hiện thành công ca ghép gan cấp cho một bệnh nhi suy gan cấp từ Thanh Hóa.
Ghép tạng là một trong những lĩnh vực mũi nhọn được Vinmec tập trung phát triển. |
GS.TS Bùi Đức Phú - Giám đốc Bệnh viện Vinmec Times City đánh giá, để có thể thực hiện ngay ca ghép gan trong tình huống khẩn cấp cho bệnh nhân mà không phải chờ đợi, chuẩn bị lâu là nhờ sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của cả ê-kíp, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ phẫu thuật - gây mê hồi sức - chăm sóc hậu phẫu cùng quy trình chuyên môn chuẩn, cơ sở vật chất hiện đại.
Kinh nghiệm từ 2 ca ghép gan phức tạp trước cũng là yếu tố đóng góp không nhỏ cho thành công của ca ghép gan đặc biệt này.
Đây là ca ghép gan thứ 3 thành công tại Bệnh viện Vinmec Times City trong 4 tháng qua, cũng là ca bệnh mới nhất trong hơn 20 ca ghép gan từ người cho sống được thực hiện trên toàn quốc tính từ năm 2004.
Nhu cầu ghép mô, tạng (trong đó có ghép gan) ở Việt Nam rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng (với khoảng 1.500 người đang chờ ghép gan). Với việc làm chủ được kỹ thuật ghép gan - kỹ thuật rất khó trong lĩnh vực ghép tạng, Vinmec đã mở thêm nhiều hy vọng và lựa chọn mới cho người bệnh trong nước.
Ghép tạng là một trong những lĩnh vực mũi nhọn được Vinmec ưu tiên phát triển với mục tiêu thực hiện 20-30 ca ghép gan; 80-100 ca ghép thận và hàng trăm ca ghép tế bào gốc mỗi năm. Bệnh viện cũng đang xây dựng các quy trình kỹ thuật ghép tạng từ người cho chết não để mở rộng sang các lĩnh vực ghép tim, ghép tụy trong tương lai gần.