Loại hình: Single
Thể loại: Lo-fi music
Sáng tác: Nguyễn Trọng Tài
Thể hiện: Nguyễn Trọng Tài, San Ji, Double X
Zing.vn đánh giá: 6,5/10 điểm
Sau 2 ngày đăng tải trên Zing MP3, Hongkong1 đạt 5 triệu lượt nghe, và hiện đứng thứ 2 trên BXH #zingchart. Thành tích của Hongkong1 được đánh giá là ngoài sức tưởng tượng vì chủ nhân của ca khúc là một gương mặt không thể mới lạ hơn - Nguyễn Trọng Tài.
Trước khi được biết đến như một bản thu âm, Hongkong1 đã gây chú ý trên mạng cũng theo cách rất lạ - Nguyễn Trọng Tài ngẫu hứng hát khi "ngà ngà" say trên bàn nhậu, và được bạn bè quay lại. Ca khúc bất ngờ được yêu thích, được nhiều người cover.
Nhưng tác giả lại không lấy làm hạnh phúc khi "đứa con" chưa hoàn chỉnh của mình bị lan tỏa bắt đắc dĩ. Có lẽ chính điều này thôi thúc Nguyễn Trọng Tài và cộng sự chóng vánh ra bản bản thu "full". Như lẽ thường, bản thu âm luôn sạch sẽ, trau chuốt hơn demo, Hongkong1 không ngoại lệ. Nhưng đáng tiếc, Hongkong1 đã không thể là một bản thu thuyết phục.
HongKong1 là ca khúc được quan tâm nhất hiện nay. |
Hongkong1, tại sao có thể gây bão?
"Lạ" là cảm xúc của nhiều người khi lần đầu nghe Hongkong1, dù là bản demo hay bản thu âm. Trong bối cảnh nhạc Việt ưa chuộng quá đà pop-ballad khiến cho thể loại này đang bão hòa, một màu, sáng tác của Nguyễn Trọng Tài đã mang đến ít nhiều mới mẻ.
Không hẳn là một ca khúc nổi bật của phong cách nhạc lo-fi. Nhưng chất liệu của Hongkong1 được cho là có hơi hướm của lo-fi, thứ âm nhạc chậm rãi, sự đan cài của soul và jazz. Lo-fi vốn không quá cầu kỳ về nhạc cụ, chất liệu, thậm chí cả ca từ. Lo-fi thậm chí cho phép sự xuề xòa về âm thanh như đặc trưng riêng biệt.
Thứ khiến lo-fi, có thể kén người nghe, "khó nuốt", nhưng như dream-pop, một khi đã nghiện khó dứt ra được là sự thỏ thẻ của xúc cảm. Lo-fi mang đến những cảm xúc chân thành mộc mạc. Hongkong1, đặc biệt là phút ngẫu hứng với bản demo trên bàn nhậu của Nguyễn Trọng Tài đã làm được điều đó.
Bình luận với Zing.vn, nhạc sĩ trẻ Minh Min - tác giả của Chỉ còn những mùa nhớ cho rằng thành công của Hongkong1 chính là sự chân thành tự phát mà Nguyễn Trọng Tài đã viết ra.
"Hongkong1 không phải là thể loại tôi hay nghe. Nhưng tôi đánh giá cao sự đơn giản về ca từ cũng như giai điệu, và kể cả bản phối. Chính sự đơn giản đã tạo nên hiệu ứng, thành công bất ngờ với ca khúc", Minh Min nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, Hồng Quang Minh - người từng có thời gian chuyên viết âm nhạc, hiện là giám đốc truyền thông của nhiều sự kiện âm nhạc tại Hà Nội nhận định Hongkong1 là một ca khúc thú vị, ngẫu hứng, không tính toán, và gây chú ý một cách tự nhiên.
"Giai điệu không mới, mà thường khi giai điệu không mới, tác giả khai thác mô-típ lyric quen thuộc, không cần phức tạp, sẽ dễ ngấm ngay đến người nghe. Lối khai thác bài hát theo kiểu lofi, hình ảnh retro đồng nhất, và nó đã thành hiện tượng", anh bày tỏ.
Theo Hồng Quang Minh, cách tác giả đặt tên bài cũng thú vị. Tất nhiên, khi một bài hát không gây chú ý chút nào, dù nhạc sĩ có đặt tên hay hoặc “khó hiểu” đến đâu, khán giả cũng không quan tâm. Nhưng khi một ca khúc đã có sự chút chú ý ban đầu, một cái tên không liên quan như Hongkong1 lại thành thứ “gia vị” cộng thêm cho việc nó lan toả.
"Tôi nghĩ sức lan toả của một ca khúc là sự cộng hưởng của yếu tố giai điệu, bản phối, bối cảnh, hình ảnh và thời điểm xuất hiện. Hongkong1 viral vì hội tụ đủ những điều đó, nó lại đánh tới đối tượng khán giả đại chúng, họ là những người nghe nhạc với số lượng áp đảo và ngay lập tức đẩy nó lên thành một điều gây chú ý", anh Minh nêu quan điểm.
Hongkong1 là sản phẩm của sự ngẫu hứng. |
Có phải là một ca khúc hay?
Hongkong1 có đủ lý do để thành một "hot trend", được tìm kiếm, được chia sẻ. Nhưng đó có phải là một ca khúc hay, vẫn là thắc mắc của nhiều người.
Bình luận với Zing.vn, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết dân nhạc chuyên nghiệp khó có thể nghe được trọn vẹn Hongkong1, dù rằng đó là những chất liệu rất phù hợp với giới trẻ.
Bên cạnh đó, nhà phê bình Nguyễn Quang Long nhận định ca khúc tương đối quen, như "nhạc ngoại lời Việt". Thực tế đây cũng là phản hồi của nhiều khán giả về sản phẩm của Nguyễn Trọng Tài.
Hongkong1 dù ít nhiều mang đến mới mẻ cho nhạc Việt hiện nay, nhưng lại là giai điệu na ná, thậm chí quá quen thuộc trên thị trường âm nhạc cả Âu lẫn Á.
Nhưng đóng góp của tác giả không phải không có. Hongkong1 mang đến sự nhẹ nhàng và văn minh nhất định. Ca khúc bắt tai và cuốn hút ngay đoạn đầu tiên, một chất liệu du dương êm ả, đôi khi khiến người nghe muốn nhẹ nhàng đung đưa, nhún nhẩy.
Cấu trúc của ca khúc không nặng nề, "đao to búa lớn", mọi thứ êm ả trôi qua từ đầu đến cuối bài hát. Hongkong1 dễ nghe, dễ hát, và đáng chú ý là đã không mang đến những bi lụy, sầu thảm vốn quá phổ biến trong nhạc Việt. Giọng hát của ca sĩ say sưa, không phô diễn.
Nhưng mỗi ưu điểm lại đi liền với nhược điểm. Sự êm ả khiến ca khúc đều đều, thiếu điểm nhấn. Như một khán giả nhận xét "nghe một lần thì hay nhưng nghe nhiều lần thấy rất mệt vì quá đều đều".
Vì không chú tâm vào cấu trúc ca khúc nên Hongkong1 có lối viết ca từ tương đối lan man, lặp lại không cần thiết, và gây hụt hẫng ở đoạn cuối cùng.
Bên cạnh đó, giọng hát của Nguyễn Trọng Tài lợi thế là mộc mạc, nhưng yếu điểm là gần như không có chất giọng nổi bật. Cách hát tương đối bản năng, thậm chí "non". Với bản demo, số đông có thể chấp nhận, nhưng khi "non" trong bản thu âm thì khó có thể thuyết phục được công chúng.
Ra bản thu đầy đủ có phải lựa chọn khôn ngoan?
Hongkong1 hiện gây tranh cãi gay gắt về sự khác biệt giữa bản thu và bản demo trước đó. Anh Hồng Quang Minh, người có kinh nghiệm trong lĩnh vực âm nhạc cho rằng nhạc lo-fi có thể có âm thanh kém chất lượng, ít chau chuốt, nhưng không có nghĩa là tác giả được cố tình làm cho nó thành kém chất lượng thật.
"Cách hát của bạn ca sĩ cũng còn non, cố tình đè giọng ra để có được màu sắc như bản hát chơi đầu tiên. Có thể khán giả thích điều đó, và có thể nó sẽ thành hit, nhưng tôi không nghĩ đó là điều mà tác giả, người hát nên định hướng cho người nghe ngay từ đầu", anh Minh nêu quan điểm.
Công bằng mà nói, Nguyễn Trọng Tài và ê-kíp có phần đã quá gấp rút. Hongkong1 được giới thiệu như một bản hoàn chỉnh, nhưng rất tiếc, cả giai điệu, ca từ lẫn cách hát đều chưa chứng tỏ được điều đó.
Sự nóng lòng là dễ hiểu, nhất lại trong bối cảnh ca khúc bất ngờ gây bão, bất ngờ được nhiều người cover với những phiên bản không đồng nhất. Do vậy, việc ra mắt sản phẩm chính thức là lựa chọn phải làm, như một hình thức khẳng định "chủ quyền" sáng tạo.
Nhiều người cho rằng bản thu không hay bằng bản demo. Thực tế đây là nhận định có phần chủ quan. Rõ ràng, bản thu sạch sẽ, chỉn chu hơn nhiều bản demo trước đó, thể hiện nỗ lực của người thể hiện và ê-kíp. Dù tất nhiên, với nhạc lo-fi, sự trau chuốt chưa bao giờ là yếu tố quan trọng.
Sau cùng, điểm đáng được thông cảm là Nguyễn Trọng Tài còn quá mới mẻ. Khi một gương mặt lạ mang đến những tình tự mới, đó là điều rất cần ghi nhận.